Cảnh báo nguy cơ ngộ độc

14/07/2010 01:01 GMT+7

Các cơ quan chức năng đều biết rau muống trồng trên kênh nước đen có thể gây độc cho người tiêu dùng và từ 8 năm trước chính quyền đã yêu cầu các ngành, các cấp chấn chỉnh việc này, nhưng thực tế “rau độc” vẫn tồn tại tràn lan.

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) TP.HCM, hiện 100% rau muống nước được trồng ở những vùng đất trũng ngập nước và hầu hết sử dụng nguồn nước kênh rạch. Diện tích sử dụng nguồn nước kênh rạch bị ô nhiễm chiếm 47,34% (P.Thạnh Xuân, Q.12 thuộc kênh Tham Lương; P.Tam Phú, Q.Thủ Đức, rạch Cầu Lớn và rạch Nghe thuộc nhánh sông Sài Gòn). Đây là những vùng đã được đề nghị chuyển đổi nhưng tiến độ còn chậm.

Mặc dù đã có 100% nông dân trải qua lớp tập huấn chuyên môn về sử dụng thuốc BVTV nhưng đa số vẫn còn sử dụng thuốc theo cảm tính. Đặc biệt vẫn còn 30% nông dân sử dụng dầu nhớt để phòng trừ rầy mềm ở giai đoạn 2-3 ngày trước thu hoạch trên rau muống nước.

Nguy cơ 

“Do nước kênh Ba Bò bị ô nhiễm nên chất lượng rau muống ở địa phương cũng bị ảnh hưởng. Rau muống trồng ở đây bán ở đâu chứ nhiều người dân và ngay cả tui cũng không dám ăn”.

Nguyễn Kim Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân P.Bình Chiểu (Q.Thủ Đức)

Chi cục BVTV cho biết, vi khuẩn E.coli - loại vi khuẩn trong phân, gây các bệnh đường ruột cho người - lại chiếm tỷ lệ cao trong những mẫu rau chọn xét nghiệm. Cụ thể, rau muống ở vùng sản xuất có tỷ lệ 70% mẫu có hàm lượng E.coli; rau sau khi thu hoạch và đem bán ở chợ có 55% mẫu có hàm lượng E.coli. Đa số các mẫu rau nhiễm cao hơn mức quy định.

Hằng năm, cơ quan chức năng đều lấy mẫu rau đang thu hoạch tại vùng rau và phân tích dư lượng thuốc BVTV. Kết quả thống kê năm 2007, trong số 2.284 mẫu phân tích có 5 mẫu vượt dư lượng cho phép, chiếm tỉ lệ 0,21%. Năm 2008 phân tích 2.234 mẫu, có 4 mẫu vượt dư lượng cho phép, tỷ lệ 0,17%. Năm 2009 trong số 1.006 mẫu rau được phân tích có 2 mẫu không đạt, chiếm tỷ lệ 0,19%. Nhưng đáng ngại nhất là 6 tháng đầu năm 2010, mặc dù chỉ kiểm tra phân tích 449 mẫu rau nhưng đã có 9 mẫu vượt dư lượng cho phép, chiếm tỷ lệ 1,8%.

Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, phụ trách ATVSTP phía Nam, cảnh báo: “Rau muống có tổ chức lỏng lẻo (thân rỗng, xốp) nên hút nước rất nhiều, do vậy nếu trồng trong môi trường ô nhiễm nặng thì chúng sẽ hút những độc chất, các kim loại nặng. Người tiêu dùng khi sử dụng có nguy cơ ngộ độc cấp tính và mạn tính. Cấp tính thì có thể nhìn thấy được giống như qua các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn thường xuyên xảy ra. Còn ngộ độc mạn tính thì không hiện hình ngay, mà về lâu dài qua sử dụng sản phẩm rau trồng trong môi trường ô nhiễm như thế, cơ thể sẽ tích tụ dần những độc chất, các kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen... sẽ gây hại cho sức khỏe như: ung thư, ảnh hưởng lên chức năng sinh sản (hiếm muộn, vô sinh)...”.


Các cánh đồng rau muống ở P.Bình Chiểu (Q.Thủ Đức) đều sử dụng nguồn nước chính từ kênh Ba Bò đang bị ô nhiễm kim loại trầm trọng - Ảnh: M.N

Bán chứ không dám... ăn

Nhìn thấy những nguy cơ độc hại từ nguồn rau không an toàn, cách nay hơn 8 năm UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị số 10 (ngày 15.5.2002), trong đó yêu cầu các ngành, các cấp chấn chỉnh việc trồng rau muống trên kênh rạch ô nhiễm. Thế nhưng đến nay, rau muống vẫn được trồng phổ biến trên nguồn nước kênh rạch bị ô nhiễm nặng, sử dụng thuốc trừ sâu vẫn tràn lan, kể cả thuốc cấm.

Trả lời Thanh Niên, bà Nguyễn Kim Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân P.Bình Chiểu (Q.Thủ Đức) cho biết, trước đây toàn phường có 65 hộ trồng hơn 16,4 ha rau muống, nhưng do ảnh hưởng của nguồn nước ô nhiễm từ kênh Ba Bò nên diện tích đã giảm còn 15 ha (50 hộ trồng). “Đó là con số chính thức mà phường quản lý được. Còn những hộ từ nơi khác đến thuê đất trồng rau muống, chúng tôi bó tay”, bà Oanh nói.


Chiều hôm qua ông Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ những vấn đề mà Báo Thanh Niên đã phản ánh; đồng thời yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện liên quan báo cáo lại việc thực hiện Chỉ thị 10 “về tăng cường các biện pháp để khắc phục ngộ độc do sử dụng thuốc BVTV tùy tiện trên rau muống nước”. Sau đó, UBND TP sẽ giao Giám đốc Sở NN-PTNT dự thảo trình UBND TP biện pháp xử lý những vấn đề mà báo đã phản ánh, nhằm khắc phục tình trạng trồng rau trên các vùng đất có nguồn nước ô nhiễm nặng và chấm dứt việc sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục trên cây rau… (Minh Nam)
Về trách nhiệm của Hội Nông dân cấp phường, bà Oanh thừa nhận chỉ dừng lại ở việc vận động, tuyên truyền, tập huấn trồng rau an toàn, chứ không có chức năng kiểm tra, xử phạt các hộ trồng rau vi phạm. “Do nước kênh Ba Bò bị ô nhiễm nên chất lượng rau muống ở địa phương cũng bị ảnh hưởng. Rau muống trồng ở đây bán ở đâu chứ nhiều người dân và ngay cả tui cũng không dám ăn”, bà Oanh nhìn nhận.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngọc Đức, Chủ tịch UBND P.Bình Chiểu, nói: “Chính quyền không thể cấm người dân trồng rau muống được, vì đó là cuộc sống của họ, chúng tôi chỉ biết tổ chức các lớp tập huấn nông dân trồng rau an toàn và kiến nghị cấp trên sớm giải quyết ô nhiễm kênh Ba Bò”.

“Người tiêu dùng phải thông minh”?

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục BVTV TP.HCM, cho rằng về nguyên tắc, chính quyền địa phương không cho phép người dân trồng rau muống nước trên vùng có nguồn nước ô nhiễm. Chính quyền xã, phường, quận, huyện có quyền kiểm tra xử phạt việc này. “Tuy nhiên, do chính quyền không hiểu, không chịu làm. Phải nói đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc này, còn chúng tôi chỉ hướng dẫn nghiệp vụ... Chứ nếu giao hết toàn bộ cho chi cục thì lực lượng đâu mà làm nổi”, ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng cho rằng từ năm 2002, hơn 500 ha đất trồng rau muống nước trong vùng ô nhiễm đã được khoanh vùng và ngành nông nghiệp TP.HCM xác định “phải chuyển đổi, không phù hợp trồng cây rau muống nước”, nay đã chuyển hóa còn khoảng 100 ha. Tuy nhiên, ông Tiến nhìn nhận tiến độ như vậy còn chậm, vì nhiều khu vực trồng rau nằm trên đất quy hoạch. Do bị quy hoạch “treo” kéo dài nên người dân tranh thủ trồng rau muống...

Chúng tôi đặt vấn đề điều mà nhiều người tiêu dùng lo lắng nhất hiện nay là nhiều tấn rau muống được trồng ở vùng bị ô nhiễm được tiêu thụ hằng ngày, chưa có biện pháp kiểm soát; giải pháp nào để bảo vệ người tiêu dùng sử dụng rau muống hằng ngày, thì ông Tiến nói: “Người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình bằng nguyên tắc ăn uống 3 sạch. Người tiêu dùng nào không biết nguyên tắc này để bị nhiễm vi sinh E.coli thì... ráng chịu. Người tiêu dùng phải thông minh, phải tự bảo vệ mình”...

Nhóm PV

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.