Kinh nghiệm du học

12/07/2010 04:33 GMT+7

Sau một thời gian gián đoạn hoạt động, Câu lạc bộ Du học sinh TP.HCM (OVS) đã "trình làng" trở lại bằng chương trình khá thiết thực: "Du học 360 - Chia sẻ từ những người trong cuộc", diễn ra từ mùa hè này đến cuối năm.

Tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhiều sinh viên và những bạn trẻ chuẩn bị đi du học đã gặp gỡ, giao lưu với một số cựu du học sinh (DHS) là thành viên của OVS, như  chị Hồ Như Thảo - Quản lý marketing Ngân hàng RZB, Áo và chị Trương Thanh Thủy - Giám đốc điều hành Parallel Frozen Yogurt, anh Nguyễn Việt Linh - nhân viên lãnh sự Kuwait tại TP.HCM, chị Trần Thu Trang - Giám đốc thiết kế tạo mẫu Công ty PNJ... Tại đây, nhiều kinh nghiệm thực tế đã được chia sẻ, chẳng hạn: Chuẩn bị tài chính, ngoại ngữ như thế nào? Xử trí ra sao trước những cú sốc văn hóa? Làm sao chọn được ngành học phù hợp? Học xong trở về nước, làm sao để đạt được thành công?...

Anh Trần Hữu Tài - Trợ lý Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, cựu DHS Mỹ thẳng thắn bày tỏ: "Thực ra, bức tranh du học không chỉ có màu tươi sáng mà còn những mảng xám xịt, thậm chí… đen thui". Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Linh tỏ ra tâm đắc với phương châm sống: "Fail to plan; Plan to fail" (tạm dịch: Làm gì cũng phải hoạch định công việc trước, nếu không sẽ dễ chuốc lấy thất bại). Theo chị Hồ Như Thảo (cựu DHS Mỹ), mặc dù ở Việt Nam, bạn đã có vốn ngoại ngữ kha khá, song khi giao tiếp với người bản địa, có thể bạn… không hiểu người ta nói gì hoặc ngược lại, người ta chẳng hiểu những gì bạn muốn nói. Cô gái năng động này hiến kế: Bạn cần mạnh dạn giao tiếp với chủ nhà, bạn bè…

Trước câu hỏi của một bạn trẻ: "Du học được và mất gì?", chị Trần Thu Trang - cựu DHS tại Úc và Hàn Quốc đúc kết: "Cái được lớn nhất là sự tự lập, kiến thức, thay đổi cách tư duy nhìn nhận sự việc. Còn cái mất là mất một khoảng thời gian sống bên gia đình, người thân; không cập nhật được tiến trình phát triển, những sự kiện xảy ra tại Việt Nam… nên thời gian đầu về nước gặp nhiều khó khăn".

Cũng theo chị Trang, không phải học bất cứ ngành nào ở nước ngoài là đều có kiến thức tốt hơn so với học trong nước. Thậm chí bây giờ, có những ngành nghề chỉ cần ngồi nhà truy cập internet là cũng có thể "biết hết" thông tin. Do vậy, việc chọn lựa ngành học phải được cân nhắc kỹ khi quyết định đi du học.

3 nguyên tắc khi xin học bổng du học 

1. Một đề cương mang tính cạnh tranh thường có dàn bài rõ ràng, bao gồm các lý do chọn đề tài, câu hỏi cần nghiên cứu, đối tượng, phương pháp nghiên cứu và các đóng góp dự kiến của đề tài.

2. Bài viết về mục tiêu học tập hay nghiên cứu cần nêu ra những mục tiêu thực tiễn và cụ thể về chuyên môn, văn hóa, cuộc sống mà bạn muốn đạt được. Tránh trình bày những điều chung chung hay quá viễn vông. Những hoạt động ngoại khóa, giao lưu với cộng đồng mới, cũng là điều bạn nên quan tâm.

3. Khi đi phỏng vấn, bạn nên ăn mặc trang trọng, gọn gàng để tạo được ấn tượng tốt. Một phong thái tự tin, thoải mái, kết hợp với ngôn ngữ điệu bộ, sẽ làm cho bạn trở nên sinh động trong lúc giao tiếp.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.