Không cực đoan cấm game online

30/06/2010 09:49 GMT+7

Xung quanh câu chuyện về game online, cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin Lưu Vũ Hải đã có một cuộc trao đổi với báo chí.

* Nhiều ý kiến cho rằng tỉ lệ trò chơi game online có tính bạo lực rất cao, tới 77%; trò chơi có tính cờ bạc là 9% và chỉ 14% là thể thao, giải trí. Tại sao có cả hội đồng duyệt game online mà lại có tình trạng này, thưa ông?

- Cơ quan chức năng đang tiến hành khảo sát, xem lại tình trạng game online hiện nay để có số liệu chính xác. Có nhiều loại trò chơi (game) và hình như có sự hiểu nhầm đó là trò chơi trực tuyến, nhưng thực tế trong đó có trò chơi online, có trò chơi bằng đĩa thông qua các đĩa nhập lậu. Trong những trò chơi trực tuyến online có những loại không được cấp phép, do các máy chủ từ nước ngoài cung cấp. Internet là mạng mở nên không chỉ có trò chơi do VN cấp phép.

* Thưa ông, nhưng đã có những game có tính bạo lực, tình dục vẫn được cấp phép?

- Thẩm định những điều này rất khó chứ không phải đơn giản. Không thể cân đo đong đếm một cách cơ học. Tuy vậy, cơ quan quản lý nhà nước cũng đang cố gắng để trong quy chế quản lý game online tới đây (sẽ được Bộ Thông tin - truyền thông trình Chính phủ trong tháng 7 tới -  PV) làm rõ thêm, nâng cao chất lượng và vị trí pháp lý của hội đồng tư vấn thẩm định kịch bản. Sẽ có những tiêu chí cụ thể hơn như thế nào là bạo lực, là dâm ô...

Nhưng đó cũng chỉ là công cụ để trợ giúp thôi, còn quyết định vẫn thuộc về hội đồng duyệt. Tất cả những bức xúc liên quan đến game online được phản ánh trên báo chí đã được đề cập ở các hội thảo bàn về quy chế quản lý game online sắp trình Chính phủ. Những điều làm dư luận bức xúc là có nhưng quan trọng là sẽ được giải quyết thế nào trong quy chế mới.


Game online thu hút giới trẻ - Ảnh: Thanh Đạm

* Việc thẩm định để cấp phép cho game online, theo ông, đã đảm bảo cho nội dung game hay chưa?

- Về nguyên tắc, mục đích của công tác thẩm định là không khuyến khích các yếu tố bạo lực, dâm ô hoặc các vi phạm về nội dung khác. Tuy nhiên, sau khi quy chế mới được ban hành, hội đồng tư vấn thẩm định có thể rà soát lại một số trò chơi đã cấp phép và sẽ yêu cầu điều chỉnh nếu cần thiết. Điều này Bộ Thông tin - truyền thông có thể làm, không có gì khó.

"Không nước nào cấm cơ học game online. Điều nên làm là khuyến khích mặt tốt, hạn chế mặt xấu"
Ông Lưu Vũ Hải
Hoạt động của đại lý Internet chưa được kiểm tra, giám sát như quy định; sự vào cuộc của gia đình, nhà trường giám sát thanh thiếu niên còn lỏng lẻo. Đại lý Internet mở cửa thâu đêm suốt sáng địa phương có biết không? Chắc chắn là biết.

Yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân thì đại lý Internet làm đối phó, cung cấp số chứng minh nhân dân không chính xác vẫn có thể vào chơi được, chính quyền địa phương nếu kiểm tra có phát hiện được không? Có chứ. Nếu có chính sách nhưng không có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền các cấp cùng gia đình và nhà trường thì cũng không đạt hiệu quả.

* Ở VN, khảo sát trong tháng 5 vừa qua thì 2/3 học sinh tiểu học ở năm thành phố lớn đã chơi game online 1-8 lần/tuần, có em chơi liên tục 12 giờ liền. Ý kiến nhiều nhà chuyên môn là nên cấm người chơi game online dưới 18 tuổi. Theo ông, nên làm thế nào với lứa tuổi rất nhạy cảm này?

- Dự thảo quy chế quản lý trò chơi trực tuyến sẽ được trình Chính phủ vào tháng 7 tới tập trung vào bốn nhóm vấn đề: đầu vào của game online bao gồm trò chơi cung cấp trên máy chủ đặt ở nước ngoài và thẩm định nội dung kịch bản trò chơi; phân loại trò chơi theo độ tuổi và tính chất giải trí kết hợp với giáo dục; quản lý người chơi; giám sát doanh nghiệp và đại lý Internet cung cấp dịch vụ.

Trong đó, dự thảo quy chế đưa ra quy định cấm kinh doanh trò chơi trực tuyến nhưng máy chủ đặt ở nước ngoài. Bên cạnh đó là phân loại độ tuổi, có loại trò chơi cho mọi người chơi và loại cấm người chơi dưới 18 tuổi; có trò chơi ưu tiên và trò không ưu tiên, ví dụ như nội dung gắn với giáo dục, quảng bá hình ảnh đất nước, lịch sử dân tộc là loại ưu tiên, còn lại là loại không ưu tiên.

Về quản lý giờ chơi gắn với người chơi: cấm cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến từ 22g đến 8g sáng hôm sau đối với đại lý Internet; với người chơi trong tuổi đi học thì cấm chơi từ 8g sáng đến 17g chiều, tức giờ đi học. Khi đăng nhập người chơi phải cung cấp thông tin cá nhân, trước đây yêu cầu cung cấp tên tuổi, số chứng minh nhân dân, thì nay có ý kiến chuyên gia đề nghị quy định người chơi cung cấp thêm số điện thoại cố định của gia đình hoặc đại lý Internet. Nghĩa là trò chơi đăng nhập có điều kiện thì phải có đủ điều kiện.

* Thưa ông, game online không phải chỉ làm một vài game thủ nhập viện, mà sự nguy hại đã được ví như ma túy. Hơn 1.000 tỉ doanh thu kinh doanh game online không phải lớn mà nguy hại thì rất rõ ràng. Ông nghĩ sao về điều này?

- Bản thân Internet có tính hai mặt, game online cũng vậy. Chúng ta không hình dung được sẽ thế nào nếu như cuối năm 1997 chúng ta không mạnh dạn kết nối Internet với quốc tế. Không nước nào cấm cơ học game online. Điều nên làm là khuyến khích mặt tốt, hạn chế mặt xấu. Nhiều người nói nước ngoài quản lý tốt nhưng thật ra họ cũng đã trải qua giai đoạn như nước ta. Như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng giống như Việt Nam, đầu tiên là du nhập, tạo thói quen sử dụng, rồi có chính sách quản lý, định hướng và phát triển phù hợp.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.