Chân dung game thủ

26/06/2010 11:21 GMT+7

Những người chơi game, nghiện game có đủ thành phần từ doanh nhân, trí thức cho đến sinh viên, học sinh và cả những cô cậu nhỏ xíu 12-13 tuổi bỏ học sớm.

Điểm chung là họ mê đắm trò chơi trực tuyến, sẵn sàng bỏ bê việc thật để... phụng sự việc ảo. Nhiều người vì mê chơi mà bỏ việc, càng nhiều hơn là số học sinh, sinh viên bỏ cả học hành.

Dứt không ra

Xinh đẹp và chịu chơi, H.N. (27 tuổi) được phong làm bang chủ một bang trong Phong Hổ của Võ lâm truyền kỳ 2 và cùng đồng đạo bôn tẩu giang hồ gần ba năm nay. N. nổi tiếng trong giới giang hồ vì level 98 (level cao nhất trong Võ lâm truyền kỳ 2 là 99). Những ngày này với tư cách là bang chủ, N. chạy xuôi chạy ngược thuê hẳn một tiệm Internet công cộng với 40 máy và hai điểm khác ở Biên Hòa (Đồng Nai), Hà Nội cho gần 100 game thủ trong bang để tập dượt cho đợt đại chiến bang hội sắp được nhà phát hành game tổ chức.

N. nói rất hãnh diện: “Phải xin phép cơ quan nghỉ ốm để dẫn dắt anh em vì không có bang chủ thì tụi nó như rắn mất đầu”. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, anh chàng người yêu của N. lên kế hoạch đi du lịch và nữ bang chủ N. quát vào điện thoại: “Bỏ người yêu chứ không bỏ game” khiến tinh thần anh em lên hẳn (!).

T.C. - game thủ nhí nhất trong bang hội của N., mới học lớp 7 - cho biết đã chơi Võ lâm truyền kỳ 2 hơn một năm với level 80. Đó là thứ hạng thuộc hàng có “số má” nên dù nhỏ nhưng đã leo lên ngựa là T.C. mặc sức hét và có thể thoải mái mạt sát những nhân vật cấp thấp hơn mình.

“Ảo mà, chuyện này là bình thường. Có khi em còn chửi những con (nhân vật khác) bằng thằng, mày tao dù biết có người chơi lớn tuổi như ba mình” - cậu bé cười hê hê. Nhà bán tạp hóa, cậu bé thường chôm tiền của mẹ để chơi và khoe: “Em thì không sao nhưng có thằng bạn đang chơi kiệt sức phải đưa đi cấp cứu”.

Những bạn nhỏ tuổi như T.C. tham gia các trò chơi này rất nhiều. Ở khu cổng xe lửa số 10 (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) có một cậu bé mà phòng game quen gọi là Nhóc. Cha mẹ đi tù vì ma túy, Nhóc ở với bà ngoại và suốt ngày trong tiệm net. Chơi riết thành giỏi, Nhóc ngoài đời ai cũng nhéo tai đá đít được, nhưng trong game thì khó ai ăn hiếp, thậm chí Nhóc còn đi bắt nạt kẻ khác cho bõ tức. Chơi riết hết tiền, Nhóc chuyển sang “cày” thuê cho người khác, mỗi tháng được 300.000 đồng. Nhóc còn khét tiếng là tay lừa đảo trong game để lấy tài sản của kẻ khác với nhiều chiêu khó lường trước được.

V.H., một game thủ của Chinh đồ là một cử nhân ngành khách sạn và du lịch, nhà có tiệm vàng ở Q.1 (TP.HCM). Ban đầu ý định của V.H. là nối nghiệp gia đình nhưng anh thú nhận: “Cuộc sống của tôi thay đổi từ game và đến giờ không thể nào dứt ra được”. “Mấy lần cũng định bỏ nhưng mình là vua một nước mà bỏ thì thần dân biết đi về đâu” - H. nói chuyện về game mà cứ như đời thực...

Mê muội và chìm đắm

Khi còn là sinh viên năm 1 vào thời điểm cách đây sáu năm, H. đã sống trong thế giới ảo cùng nhân vật của mình trong thế giới kiếm hiệp của Võ lâm truyền kỳ. Khi trò chơi này không còn gì hấp dẫn, H. chuyển qua Kiếm thế. Kết thúc một buổi học cũng là thời điểm bắt đầu ngao du thiên hạ để bôn tẩu giang hồ.

H. nói: “Trong game nhiều thằng chơi đểu lắm, cứ thấy người yếu hơn hay ăn hiếp nên mình phải ra tay nghĩa hiệp”. H. nghĩa hiệp vì người khác nhưng lại rất ích kỷ với gia đình mình: nhà nghèo, bố mẹ H. chạy ăn từng bữa và đổ mồ hôi kiếm tiền đóng học phí cho con, nhưng điều đó không làm anh sinh viên này bận tâm. Cuối cùng H. bỏ học vì nợ quá nhiều môn.

H. chỉ là một trong số hàng trăm (thậm chí nhiều hơn thế) sinh viên, học sinh bỏ học vì game online. Ông Trần Anh - một người quen của người viết - nói trong nước mắt: “Đứa con trai giỏi giang của tôi đang học năm 2 Đại học Nông lâm. Mới đây, vợ chồng tôi như ngã quỵ khi biết cháu đã bỏ học hơn bốn tháng nay...”. Những ngày này, người cha tội nghiệp đi khắp các tiệm net giữa Sài Gòn mênh mông để tìm con. Ông khóc: “Chẳng lẽ tôi mất con chỉ vì một thứ mà người ta gọi là trò chơi sao...”.

Sức hấp dẫn của game còn ở chỗ những cuộc offline (gặp mặt). Có thể đó là một chầu cà phê sáng, sau đó buổi trưa lai rai và tiếp đó là... đánh trận lớn “nhậu banh xác pháo”. Hải Ng., một nữ game thủ mê hầu hết các loại game và là bang chủ một bang be bé trong Võ lâm truyền kỳ, cứ vài ba ngày là gom tiền ảo trong game bán để lấy tiền thật... đi nhậu. Xung quanh Hải Ng. là các bang chúng từ trẻ em đến người đứng tuổi. Sau mỗi cuộc nhậu, tùy tâm trạng mà Hải Ng. sẽ trao tình cho anh chàng nào đó trong hội qua đêm.

Giới chơi game cũng từng biết đến một nữ “sát thủ” tên D., một cô gái không đẹp, không chân dài nhưng dễ thương. Giới game thủ nam khi gặp nhau luôn hỏi đã “chiến đấu” với D. chưa mà không hề ngại. Mỗi tuần một anh, không hơn. D. còn nổi tiếng là cao thủ trong làng uống rượu và cô gái trẻ luôn thấy tự hào về tửu lượng của mình. Cô gái nói “mình thấy trong thế giới ảo cuộc đời sòng phẳng hơn ngoài đời” và đó là lý do cô online chơi game mỗi ngày, có khi thâu đêm suốt sáng.

Những trận chơi đó bào mòn tuổi trẻ của hàng triệu thanh niên. Rất nhiều trong số đó tới một ngày “game over” (trò chơi kết thúc) thì họ tỉnh dậy và thấy mình trong bệnh viện.

Thư của một người mẹ


Game online làm giới trẻ chìm đắm khiến nhiều gia đình mất con - Ảnh: Phi Long

Tôi chưa bao giờ nghĩ con trai mình có một ngày phải như thế này. Trước đây cháu từng là một đứa trẻ rất hồn nhiên, hiền lành, thông minh, học tập rất tốt và được lĩnh thưởng nhiều năm liền vào thời kỳ còn học cấp 2. Cháu là niềm tự hào của tôi. Và chính trong giai đoạn này cháu bắt đầu tiếp xúc với game online... Sang cấp 3 cháu tiếp tục trượt dài, ngày càng mê đắm vào những trò chơi ảo ảnh.

Mặc cho nước mắt tôi rơi, con trai gạt bỏ ngoài tai mọi lời khuyên bảo, bỏ bê học hành. Cháu không còn vẻ hồn nhiên, thông minh, dí dỏm như ngày nào, mà giờ đây là một thiếu niên với hình hài gầy guộc, đờ đẫn, chai lì, biếng ăn biếng nói. Tôi đã từng khóc trong đêm...

“Con ơi! Những trò chơi đó có phải là lẽ sống của con? Mẹ đã dành cho con tất cả từ vật chất đến tinh thần. Sinh con ra, nuôi dạy con khôn lớn, mong cho con nên người để con có được một cuộc sống ổn định, tốt đẹp sau này. Chưa bao giờ mẹ nghĩ nhiều đến bản thân mình, mẹ không cần con phải báo hiếu cho mẹ trong những ngày tuổi già. Mẹ không biết mình sẽ sống được bao lâu nữa nhưng mẹ cũng không hề sợ cái chết. Vì thật ra trong mẹ giờ có quá nhiều nỗi đau, tổn thương và đã trở thành tâm bệnh. Mẹ không còn sợ gì nữa. Chỉ canh cánh trong lòng một điều là làm sao phải cứu lấy con trước khi mẹ nhắm mắt.

Con ơi! Con hãy suy nghĩ lại, phải có quyết tâm, làm người phải biết suy nghĩ đúng sai, biết phân biệt giữa cái tốt và cái xấu, biết dùng lý trí để suy xét, dùng ý chí để chế ngự, khắc phục mình. Con phải thấy rằng mình rất may mắn và vinh dự khi được làm người. Con không thấy sao, xung quanh mình còn biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh, đáng thương. Vậy mà họ đã luôn cố gắng đấu tranh, vượt qua để vươn lên, chọn con đường đúng, tốt đẹp để đi, để sống như một con người. Còn con, chẳng lẽ đợi đến khi mẹ nằm xuống rồi con mới nhận ra sao? Con không thấy những giờ phút mê muội, đắm chìm vào ảo ảnh của con là những giờ phút giày vò, giết chết dần mẹ hay sao?...”.

Tôi tự hỏi dịch vụ game online đã góp phần làm lợi ích cho địa phương, đất nước chúng ta bao nhiêu? Nhưng dù bao nhiêu đi nữa thì điều ấy cũng vô nghĩa nếu nó góp phần làm hư hỏng, làm hại dù chỉ một con người.

Bao nhiêu đứa trẻ đã bị game online tước đoạt phần đời đẹp nhất, trong đó có con tôi?

Lê Thị Hoàng Oanh

Hàng trăm sinh viên bỏ học vì game online

Theo thầy Nguyễn Tiến Dũng (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), vào năm 2009 nhà trường đã buộc thôi học đối với 281 sinh viên có học lực kém. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là các bạn trẻ mê chơi game, đàn đúm bạn bè. Tuy nhiên hiện nay nhà trường đang xem xét khoảng 90 đơn xin chuyển xuống trình độ hoặc bậc học thấp hơn theo quy chế 43 của Bộ Giáo dục - đào tạo của các sinh viên này.

Trong năm 2009, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM có khoảng 180 trường hợp bị đình chỉ học tập do học lực kém.

Với Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, con số này lên đến 414 sinh viên (năm 2009). Thầy Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng nhà trường, đồng tình rằng nguyên nhân sâu xa do sinh viên chìm đắm vào các trò chơi trực tuyến, không thể bảo đảm việc học tại trường. Thầy Thanh Hùng đưa ra vài trường hợp đáng tiếc về các sinh viên vốn là học sinh giỏi cấp tỉnh nhưng vì mải chơi game mà con đường học vấn bỏ dở giữa chừng.

Hà Thanh

Theo Phi Long - Bình Thanh / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.