Đề xuất làm khổ dân

07/06/2010 00:32 GMT+7

Vô lý, tại sao, kỳ lạ... là những gì mà bạn đọc gửi về tòa soạn sau khi đọc hai bài viết Đề án thu phí bảo trì đường bộ: Rối và thiếu công bằng và Phí chồng lên phí đăng trên Thanh Niên ngày 5.6.

Tại sao không lấy ý kiến dân?

Chúng tôi không gây hư đường thì làm sao phải đóng tiền? Trong khi đó, việc tái lập mặt đường các công trình cống thoát nước hiện nay quá sơ sài, quá cẩu thả khiến cho đường xuống cấp rất nhanh. Việc đường sá hư hiện nay đôi khi không phải do người tham gia giao thông mà do chính những đơn vị thi công cẩu thả, chưa kể là bòn rút công trình khiến cho con đường thực tế không như thiết kế. Do đó, Bộ nên lấy ý kiến của xã hội trước khi đề xuất, phải có cách tính cụ thể và tránh trùng lặp nhiều loại phí đè nặng lên đời sống người dân.

(caoso…@yahoo.com)

Tại sao?

Chỉ cần tính về phí xây dựng cơ sở vật chất thôi, phải nói là quá nhiều, tiền phí thu được sẽ lớn hơn rất nhiều so với khoản tiền 2.791 tỉ đồng. Vậy thì tiền đó chúng ta đã xây dựng được những gì, nó đang nằm ở đâu, liệu có còn hay không? Chúng ta không thể trả lời được, vậy mà hằng tháng, hằng năm nhiều khoản phí “mọc” ra, cơ sở vật chất của chúng ta ngày càng xuống cấp.

(vodanhtimba….@yahoo.com)

Hãy nghĩ đến dân nghèo

Với các thành phần khác, 1.000 đ/lít xăng có thể xem là không có gì ghê gớm nhưng đối với người nông dân sẽ thêm một gánh nặng. Như báo nói, việc hoàn tiền lại cho bà con nông dân giống như hoàn thuế thu nhập cá nhân, đến doanh nghiệp còn khó khăn để lấy lại huống chi là dân nghèo vốn xa lạ với các thủ tục pháp lý phức tạp. Chúng ta hô hào chính sách hỗ trợ người dân vay vốn để canh tác, chính sách xóa đói giảm nghèo từ các nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA... nhưng khi hiệu quả của nó chưa đi đến đâu lại đề xuất thêm một loại phí vô cùng bất hợp lý như vậy. Sao lại trút thêm khó khăn, gánh nặng lên đầu người dân như thế?

(ihrahi…@yahoo.com.vn)

Quá phi lý!

Nếu cứ thu qua giá xăng như vậy là Bộ GTVT đã đánh đồng mọi phương tiện, điều này là quá phi lý trong khi mức gây hại của các phương tiện là khác nhau. So sánh mức gây hư hại cầu đường của một xe máy với một đầu kéo container hay một xe ô tô 4 chỗ sẽ thấy rõ điều này. Theo tôi, loại phí này nên thu theo từng loại phương tiện, xe lớn gây hại nhiều thu nhiều, xe nhỏ gây hại ít thu ít. Như thế mới đảm bảo công bằng.

Phùng Tuấn Kiệt (TP PleiKu, Gia Lai)

Mất tiền để xài hàng dỏm?

Thu phí bảo trì đường bộ đánh vào giá xăng là cực kỳ vô lý bởi một điều ai cũng thấy là hệ thống giao thông của chúng ta hiện nay quá tệ. Tôi ở TP.HCM, hằng ngày đi làm và đối diện với nạn kẹt xe, lô cốt, triều cường hoặc mưa lớn gây ngập đường, bao nhiêu cái "bẫy" cho người tham gia giao thông... Nếu đóng góp tiền cho "quỹ bảo trì đường bộ", người dân chúng tôi có được hưởng chất lượng phục vụ tốt hơn hay không? Hay cứ phải mất tiền để “xài hàng dỏm” dài dài?

Hữu Nghĩa (Bình Chánh, TP.HCM)

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.