Hồ Xuân Hương trên sân khấu cải lương

17/05/2010 09:49 GMT+7

Lần đầu tiên, hình tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương được khắc họa bằng một loại hình nghệ thuật khác, qua vở cải lương Bà chúa thơ Nôm, sẽ công diễn vào ngày 22-5, tại Nhà hát TPHCM.

Đây là vở cải lương đầu tiên sử dụng nhiều nhất chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam, như: cải lương, ca trù, chèo.

Với độ dài 120 phút, Bà chúa thơ Nôm là những cung bậc cảm xúc về một nữ thi nhân kỳ tài, tư tưởng trong tác phẩm của bà được hậu thế thừa nhận là đi trước thời đại; về sự ngậm ngùi cho số phận một bậc hồng nhan đa tài, đa tình và lắm truân chuyên.

Một Hồ Xuân Hương nội tâm phức tạp

Hình tượng Hồ Xuân Hương đã xuất hiện trên sân khấu chèo, gần đây cũng đã có đạo diễn bắt tay xây dựng bộ phim về kỳ nữ tài hoa này nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Riêng trong lĩnh vực sân khấu cải lương thì trước nay chưa có kịch bản nào về Hồ Xuân Hương và một trong những điển tích về Hồ Xuân Hương ít được khai thác là mối tình của bà với Chiêu Hổ - một mối tình ẩn chứa những ẩn ức, trái ngang. Đây chính là lý do để tác giả Linh Huyền bắt tay xây dựng kịch bản với tất cả tâm huyết.

Linh Huyền chia sẻ khi bắt tay vào xây dựng nội dung, chị đã dành trọn 8 tháng nghiên cứu về cuộc đời nữ thi sĩ tài hoa này để thai nghén kịch bản. Chị ép mình không xem qua vở chèo hay nội dung phim, chỉ cốt để giữ cho đứa con tinh thần của mình được vẹn nguyên với tất cả tâm ý riêng.

Không mong muốn xây dựng một hình tượng Hồ Xuân Hương thật khác biệt, Linh Huyền chỉ hy vọng rằng hình ảnh kỳ nữ Xuân Hương trong vở cải lương Bà chúa thơ Nôm sẽ giúp khán giả cảm nhận được thế giới nội tâm phức tạp, những bi kịch hết sức trớ trêu của một phụ nữ thông minh, đa tài, bản lĩnh trong xã hội phong kiến. 

Mang chút hư cấu trong mỗi tình tiết, tác giả Linh Huyền xây dựng tuyến nhân vật theo sử sách Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, bà Hà (mẹ Xuân Hương), thầy đồ Hồ Phi Diễn (cha của Hồ Xuân Hương), Chiêu Hổ, quan huyện,... bên cạnh tuyến nhân vật hư cấu: Xuân Hường, sư trụ trì, chú tiểu...

Toát lên trong cả tác phẩm là đậm nét hình ảnh Hồ Xuân Hương giàu cá tính, thông minh, dám khẳng định mạnh mẽ cái “tôi”, dám bộc lộ cảnh ngộ riêng và chính kiến về nhân tình thế thái - những điều “húy kỵ” trong xã hội phong kiến.

Một trong những điểm nhấn để vở cải lương về Hồ Xuân Hương được chân thật chính là việc tạo hình nhân vật bằng trang phục. Họa sĩ Sĩ Hoàng đã dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu và thiết kế trang phục cho vở diễn này.

Cũng chính vì muốn làm đậm hình ảnh Hồ Xuân Hương mà tác giả Linh Huyền và đạo diễn Trần Minh Ngọc mời nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền vào vai Hồ Xuân Hương. Thanh Thanh Hiền là một nghệ sĩ tài năng của sân khấu truyền thống dân tộc ở phía Bắc. Chị có thể hát điêu luyện cả cải lương, chèo, ca trù.

Đạo diễn Trần Minh Ngọc thổ lộ: “Ngoại hình xinh đẹp và dáng vẻ thông minh của NSƯT Thanh Thanh Hiền rất thích hợp cho việc thể hiện thần thái của nữ sĩ Hồ Xuân Hương”.

Tham vọng đến được với du khách ngoại

Sau mỗi đêm diễn, Linh Huyền sẽ dành ra món quà trị giá 1.000 kg gạo cho những nghệ sĩ cải lương già yếu, neo đơn, đã phải rời sàn diễn từ nhiều năm nay. Một phần trong đó được gửi cho Hội Ái hữu nghệ sĩ, một phần cho quỹ từ thiện báo Sân khấu, phần còn lại cho nhà dưỡng lão nghệ sĩ TPHCM.

Với vở Bà chúa thơ Nôm, tác giả Linh Huyền có tham vọng  tổ chức diễn cho công chúng nước ngoài xem định kỳ mỗi tháng một lần. Để phục vụ được đối tượng khán giả nước ngoài, chị sẽ tổ chức cho người dẫn chương trình giới thiệu bằng tiếng Anh về nhân vật Hồ Xuân Hương và cốt truyện Bà chúa thơ Nôm trước mỗi buổi diễn. Chị tin rằng vở Bà chúa thơ Nôm sẽ dễ dàng đến với khán giả nước ngoài bởi hầu hết các bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được giáo sư người Mỹ John Balaban dịch ra tiếng Anh và được độc giả quốc tế nồng nhiệt đón nhận”.

Chị mong muốn trong một thời gian dài, cứ vào ngày 22 hằng tháng, vở Bà chúa thơ Nôm (và các vở khác) sẽ được trình diễn tại Nhà hát TPHCM. Linh Huyền tâm sự, nếu được Tổ đãi, chương trình thành công là xem như chị đã cùng anh em gầy dựng thêm được một sàn diễn nữa cho nghệ sĩ bộ môn nghệ thuật dân tộc.  

22 năm đi hát khắp trong Nam ngoài Bắc, bỏ dở việc học đại học chỉ để được theo nghề ca diễn và sau đó là nghề viết kịch bản sân khấu; đã từng có thành tựu trong nghề ca diễn và trong vai trò tác giả kịch bản nhưng chỉ đến vở Bà chúa thơ Nôm này, Linh Huyền mới cảm nhận được hạnh phúc sâu lắng của nghề.

Bằng nghề nghiệp, chị đã góp phần thể hiện sự trân trọng, nâng niu số phận và tài năng của người phụ nữ - những người hy sinh rất nhiều cho người khác nhưng không phải lúc nào cũng được nâng niu, trân trọng...

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.