Nhà văn và thực trạng sách lậu

13/05/2010 08:53 GMT+7

(TNTT>) Là nhà văn ai cũng muốn tác phẩm của mình viết ra có nhiều người đọc. Nhưng lấy luôn việc "sách tớ được in lậu" để tự sướng thì ngẫm kỹ thậm vô lý...

Sách lậu là một ám ảnh đối với các nhà văn. Nhưng  hình như đó chỉ là chuyện nước ngoài, còn trong nước thì là chuyện “không có gì mà ầm ĩ” hay “chưa có gì nghiêm trọng”. Tại sao như vậy?

Qua mặt bằng giấy phép

Xem lại quy trình xuất bản, chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện quá nhiều kẽ hở để… sách có thể được in lậu. Anh X., một biên tập viên của nhà xuất bản cho biết: “Thường thì chúng tôi lên một danh sách những cuốn sách của các tác giả đăng ký gửi ra Cục xuất bản để xin giấy phép. Chúng tôi chỉ đọc và chịu trách nhiệm nội dung”. Trả lời câu hỏi số lượng sách in ra NXB có nắm được không, X. kể thật: “Chúng tôi chỉ căn cứ trên số lượng đăng ký mà tác giả xin in 500 cuốn, 1.000 cuốn hoặc có thể nhiều hơn để lấy phí xuất bản. Còn thực tế họ in bao nhiêu thì rất khó thống kê…”. Điều “khó thống kê” này biểu hiện rõ ràng ở chỗ tác giả tự liên hệ đăng ký nhà in, sách in xong tự chở về nhà. Và sau đó chỉ đến để nộp 10 đến 20 cuốn lưu chiểu cho NXB xem như…xong nhiệm vụ! Như vậy, tác giả xuất bản sách thường “cù cưa” vào tâm lý “khai giả, in thật” để tránh thuế thủ tục xuất bản. Và kẽ hở này nếu như một đầu nậu sách áp dụng để in sách lậu thì xem như…"chắc bắp" thắng trăm phần trăm, khó tránh khỏi.

Nhà văn cũng chóng mặt

Nhà văn Bùi Anh Tấn, Trưởng chi nhánh NXB Công an nhân dân tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Sách in thêm, in nối bản mà qua mặt NXB theo tôi cũng nên xem như là sách lậu vì hoàn toàn không hợp pháp”. Và thật trớ trêu ngay sách của NXB Công an nhân dân cũng có thể bị in lậu…như chơi! Và anh đã kể cho chúng tôi nghe những chuyện "người thật việc thật" của mình cũng là thực trạng khó kiểm soát của sách lậu hôm nay. Chẳng là nhà văn Bùi Anh Tấn là tác giả của những cuốn sách viết về đề tài "thế giới thứ ba" thuộc dạng “hot”, “khát” trên thị trường như Một thế giới không có đàn bà, Les vòng tay không đàn ông... Và tác giả cũng in ngay ở NXB mà mình là trưởng chi nhánh. Nhưng rồi chính anh cũng thấy "rối mù" vì không biết sách của mình thực sự được in con số chính xác là bao nhiêu? "Theo kinh nghiệm trong nghề tôi biết vòng quay của số lượng in tỷ lệ bao nhiêu lần so với thời gian phát hành. Nhưng rồi chính tôi cũng chóng mặt vì cứ thấy sách của mình nằm tràn trên các hệ thống phát hành nhà nước, tư nhân và ...trên vỉa hè".

Thực trạng ở nhà in

Trong vai trò của một người có tác phẩm đã có giấy phép đi liên hệ in ấn, chúng tôi tìm đến nhà in trên đường Nguyễn Tri Phương, Q.5, TP.HCM. Khi biết chúng tôi chỉ in con số một ngàn bản, như thủ tục đã xin và được cấp trên giấy phép thì thật bất ngờ giám đốc điều hành đã gợi ý nên in một con số lớn hơn, họ sẵn sàng "quy hoạch" và "điều chỉnh" lại giá. Hỏi như thế liệu có phạm luật? thì nhận được câu trả lời "tất cả nhà in hiện nay đều áp dụng cơ chế mở như vậy...". Và sách lậu vẫn như "chuyện thường ngày ở huyện" chưa có cách tháo gỡ...

Phải loại bỏ sách lậu

Không chỉ sách lậu mà tất cả những gì liên quan đến "lậu" như hàng lậu, thuốc tây lậu, lương lậu… đều phải loại trừ khỏi đời sống kinh tế - xã hội. Vì nó là nhân tố "quan trọng" trong việc hủy hoại các giá trị đích thực trong một hệ thống, vi phạm luật…

Với các mặt hàng lậu thì nó sẽ gây thất thu vì trốn thuế, làm suy yếu nền sản xuất nội địa. Tuy nhiên, với sách lậu, hậu quả của việc trốn thuế, làm yếu ngành xuất bản không nghiêm trọng bằng việc gián tiếp hủy hoại giá trị sáng tạo của trí thức, giảm động lực sáng tạo của cá nhân. Tức là không giải phóng được tiềm năng tri thức nội tại của từng cá thể trong một xã hội cần coi trọng chất xám - trí thức.

 
 Nhà nghiên cứu Lê Quang Đức - Ảnh: Đông Dương

Một số quốc gia chậm phát triển, hoặc phát triển què quặt, đôi khi họ không tham gia các công ước, hiệp ước, hiệp định về bản quyền, về sở hữu trí tuệ, để họ "lợi dụng" kẽ hở pháp lý này mà "thả lỏng" cho dân chúng thụ hưởng những giá trị "lậu" từ thế giới bên ngoài. Họ duy trì một đường biên "chia sẻ" hàng lậu để nâng mức sống cho dân chúng ở một khu vực xa cách thành phố, trung ương… Họ lơ đi giá trị tác quyền để dân chúng vẫn hưởng thụ được các giá trị tri thức mà quốc gia họ chưa đủ sức để trả tiền(?!). Thế nhưng, cho dù thế nào, hiện tượng "lậu" nói chung và sách lậu nói riêng cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội.

Là một người mê sách, tôi hay la cà tất cả những chỗ nào bán sách hay, sách rẻ. Tôi đến những phố Láng Hạ, Đinh Lễ, Nguyễn Xí (Hà Nội), hay dọc các con phố Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương (TP.HCM) để ngó sách. Sách ở những chỗ này rất rẻ, chiết khấu từ 25 – 40%. Tôi mua rất nhiều từ nguồn sách này nhưng không biết đó có phải là sách lậu hay không ? Tôi cũng tự hỏi: nếu là sách lậu mà rẻ thì có nên "mua" không ? Và cũng hỏi: Làm thế nào để phân biệt đâu là sách lậu, đâu là sách không lậu ? Sao các NXB, các công ty phát hành không làm cho giá sách thấp nhất để bạn đọc mua được sách dễ dàng?... Rất nhiều câu hỏi kiểu "thiên nan vấn" như vậy không có lời đáp!

Là một người quan tâm đến sách, và có lúc gặp gỡ với vài đối tác nước ngoài, tôi thấy sách lậu đang làm ảnh hưởng nhiều đến uy tín ngành xuất bản. Nếu gộp lại thì sẽ thấy cả một mớ lý do về chuyện sách lậu "hoành hành" tại Việt Nam: khả năng chi trả tiền mua sách của bạn đọc thấp, văn hóa tiêu dùng chưa cao, lợi nhuận béo bở, ý thức thượng tôn pháp luật quá kém, quản lý nhà nước về xuất bản chưa chặt chẽ, khung phạt tài chính khi bị vi phạm quá "hẻo" so với lợi nhuận… Nhưng theo tôi lý do cơ bản vẫn là buông lỏng vai trò quản lý của nhà nước về xuất bản, in ấn và phát hành sách!_ThS. Lê Quang Đức (Chuyên viên Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch)

Các nhà văn nói gì?

Dưới góc độ một nhà văn, các anh chị nghĩ thế nào hiện tượng tác phẩm bị in lậu?

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu (luật sư, Hà Nội): Không chỉ dừng lại ở hiện

 
tượng mà với tôi, là chuyện có thật. Tập truyện Bóng đè bị in lậu khá nhiều. Việc này cũng đã ồn ào trên báo chí cách đây mấy năm nhưng đáng ngạc nhiên cho đến bây giờ khi đi xem sách trên vỉa hè tôi vẫn còn gặp tác phẩm của mình tiếp tục bị in lậu và bày bán nhan nhản. Thật trớ trêu khi nhà văn ở bên ngoài số phận của đứa con tinh thần của mình mà không biết làm gì và cũng không thể làm gì!

Nhà văn Bùi Anh Tấn:
(Trưởng chi nhánh NXB Công an nhân dân tại TP.HCM) Hai tiểu thuyết Một thế giới không có đàn bà, Không và sắc của tôi đã bị in lậu một cách khủng khiếp. Điều đáng nói ở đây là in lậu được trá hình trong vỏ bọc “hợp pháp hóa” của giấy phép, nghĩa là…in nối bản! Ở nước ta hiện nay phân biệt được hai việc “in hợp pháp” với con số đã đăng ký trên giấy phép và “in nối bản” là khó khăn vô cùng, nếu không nói mò kim đáy bể. Và nhà văn đang tiếp tục bị bóc lột và không biết bằng cách nào để bảo vệ mình.

Nhà thơ Bùi Thanh Tuấn: (Ban văn nghệ Đài truyền hình
TP.HCM
) Nhiều người nghĩ thơ ở thời điểm này chưa bị in lậu, nhưng nếu thơ được phổ nhạc thì vẫn…lậu ào ào đó thôi! Đó là bài thơ Hà Nội mùa vắng những cơn mưa của tôi đến giờ tôi chỉ mới nhận được một phần mười tiền tác quyền. Chín phần mười còn lại thì trôi nổi mà nạn in băng đĩa lậu là thủ phạm.

Anh chị có nghĩ đến một phương án khả thi nào từ góc độ đề xuất với các cơ quan trực tiếp quản lý, hay đơn giản là chính mình tự bảo vệ tác quyền chính đáng của mình?

Đỗ Hoàng Diệu: Tôi không lạc quan lắm. Đọc trên báo chí, tôi được biết Hội Nhà văn VN vừa có trung tâm bảo vệ tác quyền nhưng sự thật những việc làm của trung tâm này như chỉ mới hình thức. Việc này chắc chỉ có thể thực thi trong tương lai khi luật pháp VN đặt những hành lang pháp lý thật cụ thể. Còn bây giờ nhà văn vẫn phải cố gắng "sống chung với lũ"...

Bùi Anh Tấn: Thật vô lý khi nhà văn không bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình. Tôi cho rằng pháp luật hiện hành phải xử lý nghiêm. Phải xem in sách lậu như hành vi làm hàng giả và phải phạt thật nặng với khung luật pháp hẳn hoi chứ không như hiện nay chỉ mới cảnh cáo, phạt hành chính là chính. Nếu phạt quá nhẹ thì "nhờn thuốc", không bao giờ chấm dứt được tình trạng nhan nhản sách lậu.

Bùi Thanh Tuấn: Tôi nghĩ cần lên án việc in lậu sách vì nó góp phần tạo ra một thứ văn hóa ứng xử không lành mạnh. Bất công đối với người viết và chính nhà đầu tư. Nếu đã có luật bản quyền, cần thực thi nghiêm túc, theo tôi việc này vẫn có thể hạn chế được.

Đông Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.