Kinh nghiệm mua hàng qua mạng

12/05/2010 12:53 GMT+7

(TNTT>) Chuyện chỉ cần ngồi một chỗ với chiếc máy tính nối mạng, hoặc gọi vài cú điện thoại là đã có món hàng mình muốn đã trở nên quá đỗi bình thường. Song vẫn còn đó bao rủi ro.

Đây là phương thức mua sắm được rất nhiều người quan tâm bởi họ dễ có món hàng ưng ý với giá hời. Cũng như phương thức mua sắm truyền thống, mà dễ hiểu hơn là mắt thấy, tai nghe cộng với tiền trao cháo múc, mức độ cẩn trọng của bạn chính là chìa khóa thành công cho mọi giao dịch, dù là ảo hay thật.

Thận trọng nhiều thứ

Sự cẩn trọng thể hiện ở nhiều góc độ, đúng theo cái câu biết người biết ta. Và biết cả món hàng. Đầu tiên là chọn những diễn đàn mua bán có uy tín, số lượng thành viên tham gia đông và có tần suất giao dịch mỗi ngày lớn.

Trước bất kỳ giao dịch nào, bạn cần rà soát thật kỹ nhu cầu của mình, khả năng tài chính (lượng tiền có thể bỏ ra cho món hàng mình cần). Hầu hết những món hàng sang tay trên mạng có mức giá hời đều là hàng đã qua sử dụng. Theo đó, nếu bạn có thể bỏ một khoản tiền đủ lớn, bạn nên xem xét cân đối giữa vấn đề được mất giữa hàng mới và hàng cũ, mà cụ thể là vấn đề bảo hành. Nếu nhu cầu mua hàng mới là không thể, thì tùy theo khoản tiền mà bạn có nhiều tùy chọn khác nhau, từ hàng cũ thật sự, hàng xài rồi nhưng còn bảo hành, và thậm chí là hàng xài lướt (hàng cũ nhưng chưa sử dụng nhiều và có ngoại hình còn rất đẹp, tương đương với hàng mới).

Vấn đề quan tâm tiếp theo là định giá đúng. Tất cả các mặt hàng mới cũ đều có mức giá trung bình của nó. Thường một thiết bị gọi là xài lướt sẽ rẻ hơn từ 5-10% giá trị hàng mới cùng nguồn gốc. Một thiết bị cũ hơn, nhưng còn bảo hành thì có giá rẻ hơn từ 10-20% giá trị. Hàng cũ không còn bảo hành có giá rất mềm, đôi khi chỉ 60% giá trị thực của nó.

Theo kinh nghiệm của nhiều người thường xuyên mua hàng trên mạng, nếu không quá khắt khe, bạn nên trừ bớt 5% độ mới của món hàng. Chẳng hạn, với món hàng được rao là mới 95%, hẳn thực tế, nó chỉ mới khoảng 90%, thậm chí còn thấp hơn.

Biết người biết ta

Còn vấn đề “biết người”. Nếu món hàng do một cá nhân nào đó bán, bạn cũng nên quan tâm hơn đến lai lịch của họ. Những thông tin cơ bản bao gồm địa chỉ người bán, nơi họ đề nghị giao dịch.

Trong đa phần các diễn đàn trao đổi, mua bán, thường thông tin của người bán sẽ được thể hiện tương đối rõ, thông qua cấp bậc (xếp hạng của người bán thông qua đánh giá chung của nhiều người quan tâm và đã từng mua hàng từ người đó). Thậm chí, nếu là con buôn đúng nghĩa, sẽ có rất nhiều topic bán hàng trước đây của họ. Bạn có thể tham khảo thêm cũng như dùng công cụ tìm kiếm để tìm thông tin về người bán, ý kiến của người mua...

Việc xem xét thực tế món hàng luôn là vấn đề quan trọng nhất. Nếu không có kinh nghiệm, bạn có thể nhờ người quen có chút hiểu biết giúp đỡ. Không nên tin tưởng cái mà người bán gọi là kinh nghiệm, càng không nên tin tưởng cái gọi là thợ mà thường thấy ở việc mua bán xe. Với người quen, hẳn họ sẽ cho bạn những góp ý chuẩn xác nhất. Còn với thợ, đôi khi “gió chiều nào” họ sẽ “ngã theo chiều ấy”.

Cuối cùng vấn đề thực hiện giao dịch. Cứ theo cái kiểu tiền trao cháo múc, có lẽ là an toàn nhất. Việc chuyển khoản, giao dịch qua thẻ... càng không nên thực hiện nếu bạn chưa hiểu rõ về người bán cũng như chưa từng giao dịch với họ lần nào. Khi xem món hàng, nếu chúng không đúng với yêu cầu của bạn, về chất lượng cũng như các yếu tố định tính khác, chưa trao tiền, bạn sẽ dễ từ chối hơn.

Bùi Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.