Ngân hàng trước áp lực hạ lãi suất

10/05/2010 23:02 GMT+7

Chính phủ vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực thi giải pháp để có thể hạ lãi suất huy động xuống 10%/năm và lãi suất cho vay không quá 12%/năm.

Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên, ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng: “Với lãi suất huy động khoảng 10%, lãi suất cho vay 12%, tức là biên độ chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra 2%, các ngân hàng (NH) sẽ đứng trước thách thức lớn khi vừa phải kinh doanh có lãi nhưng vẫn đảm bảo được các chỉ số an toàn về rủi ro theo quy định. Đặc biệt các NH thương mại cổ phần quy mô nhỏ sẽ chịu áp lực hơn khi phải cạnh tranh với các NH nhà nước, NH quy mô lớn.

* Vì sao các NH nhỏ chịu áp lực lớn hơn, thưa ông?

- Quan niệm của tôi nên khuyến khích việc giảm lãi suất huy động và cho vay nhưng phải có những giải pháp hợp lý đối với NH nhỏ chứ không phải đưa ra một mức trần thống nhất cho tất cả. Trước kia, các NH thỏa thuận lãi suất huy động không quá 10,5%/năm, vừa qua là 11,5%/năm. Các NH nhỏ không đủ khả năng để huy động được vốn rẻ và dồi dào như các NH lớn nhưng họ vẫn phải kinh doanh cho nên họ buộc phải huy động với giá vốn cao hơn. Những ngày qua, tôi nghe nói vẫn còn rất nhiều NH đang áp dụng các chương trình khuyến mãi, lãi suất thưởng... để thu hút vốn.


Ảnh: A.V

* Nếu NH nhỏ tìm cách phá trần huy động cao hơn để hút khách, lãi suất cho vay cũng tăng lên, liệu thị trường có rối loạn?

- Cứ cho rằng các NH nhỏ sẽ tăng lãi suất lên để hút tiền gửi về, nhưng kinh doanh tín dụng có những giới hạn khách quan về an toàn vốn, vấn đề này NHNN có thể kiểm soát được. Ví dụ, đối với hệ số an toàn vốn CAR, NH nhỏ thì tổng lượng tiền có thể cho vay bị giới hạn bởi hệ số này. Nếu NH huy động nhiều với lãi suất cao chẳng khác gì tự sát. Vì vậy, tự khắc nó sẽ phải giới hạn ở một mức nhất định.

Chúng ta không đủ lòng tin vào điều đó. Quá sợ NH nhỏ làm rối thị trường là không đúng. Lẽ ra, nên để cho thị trường tự vận hành, cơ quan quản lý kiểm soát ở hệ số an toàn thì chắc chắn NH nhỏ cũng không dám huy động nhiều. Giả dụ, NH nhỏ huy động 13%/năm, trong khi NH lớn như Vietcombank huy động 11,5%/năm, tôi chắc rằng người gửi tiền cũng sẽ cân nhắc xem bên nào an toàn hơn. Cho nên, chúng ta không nên vì lợi ích nhất thời của một nhóm để buộc các nhóm khác tuân thủ quy định mà nó không thể làm được.

* Vậy theo ông, có thể hạ lãi suất xuống mức như Chính phủ yêu cầu được không?

- Lãi suất là một định lượng khách quan, không phải muốn hạ là hạ ngay được. Chính phủ muốn lãi suất thấp nhưng không lạm phát. Đây là cả bài toán khó. Chúng ta đang đứng trước áp lực lạm phát. Áp lực ấy, dự đoán có thể giảm nhưng tâm lý của người dân vẫn còn chưa tin tưởng vào đồng tiền và nếu có những kênh đầu tư khác sinh lợi tốt hơn, họ sẽ không gửi tiền vào NH. Một khi NH thiếu vốn đương nhiên lại nâng lãi suất lên để huy động, nâng lãi suất huy động thì phải tăng lãi suất cho vay để bảo đảm lợi nhuận tối thiểu.

* Nếu lạm phát đúng như định hướng của Chính phủ tại NQ 23 là khoảng 8% trong năm nay, theo ông liệu có hợp lý với mức lãi suất trên không?

- Định hướng của Chính phủ điều hành giữ lạm phát cả năm ở mức 8%, lãi suất huy động khoảng 10% hoặc hơn một chút cũng là hợp lý. Nhưng nó là hợp lý theo cách tư duy của người điều hành chính sách, chứ không phải là hợp lý theo tư duy người đi gửi tiền và của các lực lượng khách quan của thị trường. 

Hiện nay, những tính toán cho rằng, nếu các yếu tố khác không thay đổi thì khả năng có thể bảo đảm lạm phát được ở mức 8% - 9%. Nhưng cũng chưa dám chắc, cho nên người thực hiện chính sách cũng chưa thể làm cách nào hạ lãi suất xuống. Nếu tùy tiện giải quyết bằng cách tăng cung ứng tiền thông qua cho vay tái cấp vốn và tái chiết khấu, nghiệp vụ thị trường mở với lãi suất rẻ thì lại lo ngại lạm phát. Vì lẽ đó, không phải đơn giản muốn là có thể hạ được ngay lãi suất.

* Khả năng lớn nhất để có thể hạ lãi suất trước mắt là gì thưa ông?

- Trước mắt, theo tôi, Chính phủ có thể có những biện pháp mạnh tay hơn nếu những thông tin về lạm phát trong tháng 5 tăng không lớn, ví dụ mức 0,3% trở lại. Như vậy, NHNN có thể yên tâm hơn để nới lỏng cung ứng tiền cho nền kinh tế, góp phần giảm bớt căng thẳng về huy động vốn của các NH thương mại và hạ được lãi suất. Còn lãi suất huy động nằm ở mức 10%/năm, cho vay 13%/năm và bình quân lạm phát 8% - 9%, đó là lý tưởng cho một nền kinh tế vĩ mô lành mạnh, còn lý tưởng đó có thể thực hiện hay không thì không ai dám chắc.

Anh Vũ
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.