Mỹ bỏ rơi VNCH

27/04/2010 00:54 GMT+7

Cả Tổng thống Gerald Ford lẫn Ngoại trưởng Kissinger đều đã đặt dấu chấm hết cho chính quyền Sài Gòn trước khi cuộc chiến thực sự kết thúc vào ngày 30.4.1975.

Có nhiều tin tức nói rằng, thể chế Việt Nam cộng hòa (VNCH), tức chính quyền Sài Gòn, đã bị "khai tử" ngay sau khi Quốc hội Mỹ ngày 18.4 quyết định cúp quân viện cho quân đội Sài Gòn, tức chẳng khác nào "tước khí giới" của binh sĩ. Điều này phản ảnh qua việc, nhiều viên chức đã tìm cách cho gia đình xuất ngoại, bất chấp lệnh cấm sau đó của Tổng thống Trần Văn Hương. Còn theo tài liệu mật mà tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch và Phát triển dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, mô tả lại trong 2 cuốn sách: Hồ sơ mật dinh Độc Lập Khi đồng minh tháo chạy (2005), thì số phận VNCH xem như kết thúc ngày 23.4.1975, khi Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Gerald Ford tuyên bố một cách thẳng thừng trong một bài diễn văn tại Đại học Tulane.

"Đối với Mỹ, chiến tranh VN đã kết thúc"

Ngày 21.4, Tổng thống Thiệu từ chức ở Sài Gòn. Ngày 23.4, Tổng thống Ford đáp chuyên cơ đi News Orleans để diễn thuyết tại Đại học Tulane. Tình hình VN biến chuyển quá nhanh, và dư luận quốc tế cũng như cử tri Mỹ đang chờ đợi xem vị nguyên thủ cường quốc hàng đầu thế giới sẽ nói gì đây. Theo tài liệu thì chiều hôm đó, như để lấy thêm can đảm, Tổng thống Ford đã uống một ly cocktail trong tiệc chiêu đãi, rồi ông bước vào nơi mọi người đang chờ nghe diễn văn.

Địa điểm Tổng thống Ford diễn thuyết là sân chơi bóng trong nhà của trường đại học, nơi đã có hàng ngàn sinh viên tụ họp chờ đợi. Ông chậm rãi, nhấn mạnh từng chữ: "Đối với Mỹ, chiến tranh VN đã kết thúc".

Cả hội trường như vỡ tung ra vì tiếng vỗ tay, tiếng la hét, huýt sáo, reo hò vui mừng. Theo mô tả trong sách của tiến sĩ Hưng thì tuyên bố lịch sử của Tổng thống Ford chỉ mới vừa được đánh máy "thêm" vào bài diễn văn, khi chiếc Air Force One còn bay trên cao, trên đường đến New Orleans: "Nước Mỹ có thể lấy lại được niềm hãnh diện đã có trước chiến tranh VN. Nhưng niềm hãnh diện ấy sẽ chẳng có thể đạt được bằng cách tham dự trở lại một cuộc chiến mà riêng đối với Mỹ, nó đã chấm dứt rồi".

Ron Nessen, Phụ tá Báo chí của tổng thống, nhận xét rằng, chỉ mới 2 tuần trước đó, ông Ford còn ra trước Quốc hội đọc diễn văn xin thêm quân viện cho VNCH, mà tại Tulane, chẳng thấy tổng thống đả động gì tới việc viện trợ thêm cho chính quyền Sài Gòn nữa.

"Sao họ không chết nhanh cho rồi?"

Trước khi Đà Nẵng thất thủ 2 ngày, tướng Weyand được cử sang VN để thẩm định tình hình. Weyand lúc đó là Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ và từng đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân đội Mỹ ở miền Nam VN. Sau thời gian một tuần lễ thị sát chiến trường cũng như hội họp với các viên chức VNCH, tướng Weyand trở về Washington báo cáo cho Bộ trưởng Quốc phòng. Ngày 5.4.1975, khi đang trên đường trở về Washington D.C, Weyand nhận được lệnh bay thẳng đến Palm Springs để phúc trình thẳng cho Tổng thống Ford và Ngoại trưởng Kissinger. Nghe xong thuyết trình, Ngoại trưởng Kissinger đi họp báo. Khi đó, còn có Ron Nessen là Phụ tá Báo chí của tổng thống đi cùng. Theo lời kể lại của Nessen thì trên đường đi đến Trung tâm Báo chí để họp báo, Kissinger đã nguyền rủa: "Sao họ không chết nhanh cho rồi?" - ông rên lên trong xe. "Điều tệ hại nhất có thể xảy ra là họ cứ sống dai dẳng hoài" (“Why don't these people die fast?", he moaned in the car. "The worst thing that could happen would be for them to linger on”).

Câu nói bất chợt, buột miệng thốt ra của một vị ngoại trưởng, lại thường phản ảnh sự thật hơn là những lời tuyên bố khôn ngoan về chính sách của ông, hơn là nội dung trong những bài diễn văn, những câu trả lời trước báo giới... Theo lời tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng thì năm 1979, trong một lần nói chuyện với một người bạn Mỹ về chiến tranh Do Thái, Iran; lúc bàn tới VN thì tự nhiên, anh bạn người Mỹ thốt lên: "Ừ! Sao ông Kissinger tàn nhẫn quá nhỉ?".

Sau khi "quyết sách" của Mỹ đã rõ ràng thì tại VN, chính quyền Sài Gòn chỉ còn tồn tại có một tuần. Trước khi Tổng thống Ford đưa ra lời tuyên bố quan trọng nói trên, thì "Tổng thống một tuần" Trần Văn Hương ngay sau khi nhậm chức, đã vội ký sắc lệnh cấm di chuyển, du lịch ra hải ngoại. Quân nhân, công chức nào đã lợi dụng công vụ trốn lại nước ngoài, phải hồi hương trong vòng 30 ngày, nếu không, họ sẽ bị tước quốc tịch và bị tịch thu tài sản. Thành phần được phép xuất ngoại chỉ là người già, hoặc bệnh nhân cần đi chữa trị. Tuy nhiên, bất chấp lệnh này, làn sóng di tản đã bùng phát vào những ngày cuối cùng của tháng 4.1975, nhất là khi phòng tuyến Xuân Lộc bị phá vỡ ngày 23.4.  Sư đoàn 18 Bộ binh, Lữ đoàn 1 dù cùng các đơn vị địa phương quân và nghĩa quân di tản khỏi Xuân Lộc. Phòng tuyến này được lệnh di tản sau khi Dầu Giây mất. Tình hình chiến trường lúc đó được tính theo từng giờ, từng ngày.

Tuyết Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.