Cần xử nghiêm hành vi tấn công nhà báo

27/04/2010 00:51 GMT+7

Tình trạng nhà báo bị cản trở tác nghiệp, thậm chí bị hành hung đang gia tăng một cách đáng lo ngại.

>> Cần chặn đứng ngay nạn côn đồ hành hung nhà báo!
>>
Xử lý nghiêm những kẻ hành hung phóng viên

Nhiều và nghiêm trọng...

Chiều qua 26.4, báo điện tử Congluan.vn đã tổ chức hội thảo "Tình hình hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp". Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Trần Đức Chính, Tổng biên tập Congluan.vn cho biết, theo thống kê của Ban kiểm tra Hội Nhà báo VN, từ năm 2006 đến hết quý 1/2010, trên cả nước xảy ra 18 vụ cản trở, hành hung nhà báo, trong đó có 13 vụ hành hung. Đặc biệt, từ đầu năm 2010 đến nay, tình hình hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp gia tăng, diễn biến phức tạp với hàng loạt các vụ việc, mới nhất và nghiêm trọng nhất là vụ nhà báo Trần Thế Dũng (Báo Người lao động) bị đánh tại Lạng Sơn... Theo ông Chính, các vụ cản trở, hành hung nói trên đều có biểu hiện là đương sự biết rõ người bị tấn công là nhà báo, đang tác nghiệp mà vẫn tấn công. Thậm chí, trong trường hợp nhà báo Thế Dũng bị tấn công, đương sự còn đưa nạn nhân đến đồn công an rồi mới bỏ đi, thể hiện tính chất thách thức kỷ cương phép nước, thách thức ý chí chống tiêu cực của nhà báo.

Ngày 11.4, trong khi tác nghiệp tại sân Thiên Trường (Nam Định), phóng viên Duy Bùi của Báo Thể thao 24 giờ đã bị một nhóm người cản trở tác nghiệp, giằng máy ảnh và xóa toàn bộ ảnh mà phóng viên này đã chụp trước đó. Do sự thiếu cương quyết của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, nên mặc dù sự cố đã xảy ra được hai tuần nhưng đến nay BTC sân Thiên Trường vẫn không chịu nhận lỗi cũng như không có lời xin lỗi phóng viên Duy Bùi.

Được biết, Hội Nhà báo Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao, khẳng định: nhóm người cản trở, giằng máy ảnh và xóa ảnh của phóng viên Duy Bùi đã vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí. Hội Nhà báo đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao xử lý nghiêm khắc các cá nhân vi phạm.

Lan Phương

Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí - Xuất bản (Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông), cho rằng số liệu trên chưa phản ánh đúng thực trạng cản trở hoạt động báo chí thời gian vừa qua. "Thực tế, đã có rất nhiều vụ cản trở phóng viên tác nghiệp, diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Thậm chí, việc cản trở phóng viên tiếp cận thông tin diễn ra ngay cả ở các cơ quan công quyền, cơ quan quản lý nhà nước. Điều đáng buồn là trong số những người hành hung nhà báo, không ít người là cán bộ công chức nhà nước", ông Toàn nói.

... nhưng xử phạt chưa nghiêm

Theo ông Toàn, việc xử lý các vụ hành hung, cản trở nhà báo thời gian qua đang bộc lộ nhiều bất cập. Ông Toàn nói: "Nhiều vụ nhà báo bị hành hung với tính chất nghiêm trọng nhưng không bị xử lý hình sự". Điều này được thể hiện khá rõ trong báo cáo mà ông Trần Đức Chính dẫn ra trước đó: trong số 13 vụ hành hung các nhà báo nói trên, cơ quan tố tụng chỉ khởi tố 4 vụ, các vụ khởi tố đều theo Điều 104 của Bộ luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích, hoặc các điều luật khác, chưa có vụ nào khởi tố theo Điều 257 của Bộ luật Hình sự về tội chống người thi hành công vụ. Đặc biệt, trong 4 vụ đã khởi tố chỉ có duy nhất 1 vụ có thông tin xét xử.

Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng văn phòng luật sư Vì dân - Đoàn luật sư TP Hà Nội nói rằng, chúng ta đã có các chế tài để xử lý hành chính những hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp nhưng chưa nói rõ cơ quan nào xử phạt, các văn bản pháp luật cũng quy định rõ, các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí nhưng họ không cung cấp thì sao, đã có ai bị xử lý về hành vi này chưa?

Theo ông Toàn, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chưa cụ thể dẫn đến cơ quan chức năng khó áp dụng trong thực tiễn, khi tình huống xảy ra, vì các lý do khác nhau, trong đó có lý do: do không đủ tự tin mà cơ quan tố tụng đã không áp dụng Điều 257 của Bộ luật Hình sự. Vì thế, ông Toàn đề nghị, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp xây dựng một thông tư liên tịch, hướng dẫn thực hiện điều luật này, nêu rõ hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ theo đúng bản chất của hoạt động báo chí là hoạt động xã hội đặc biệt, vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc.

Ông Phan Lợi - Trưởng văn phòng đại diện Báo Pháp luật TP.HCM tại Hà Nội - nói: "Không nên vô cảm nhìn máu của nhà báo tiếp tục đổ để rồi tuyên bố lạnh lùng "không khởi tố" do những thương tích chưa đủ 11%".

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.