Sắp khánh thành cầu Cần Thơ

21/04/2010 00:23 GMT+7

Ngày 20.4, vẫn đang là cảnh người xe rồng rắn xếp hàng chờ lên phà vượt sông Hậu. Nhưng mọi ánh mắt của hành khách trên từng chuyến phà đều hướng về phía hạ nguồn, nơi cầu Cần Thơ sừng sững chỉ còn 3 ngày nữa là khánh thành. >> Hợp long cầu Cần Thơ \ Cầu Cần Thơ đã liền nhịp \ Khởi tố vụ án sập đổ cầu Cần Thơ \ Thợ xây cầu Cần Thơ

Ngồi trên xe qua phà, một lão nông đi từ Cà Mau trầm trồ: “Trước giờ mình đâu tưởng tượng lại có cây cầu quá cỡ vậy nè!”. Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều thế hệ người dân trên khắp vùng ĐBSCL. Mọi người chờ đợi sự kiện này với nỗi vui mừng, lòng kiêu hãnh... Len vào đó là một khoảng lặng. Trong quá trình xây dựng cầu, một tai nạn đã xảy ra: nhịp dẫn cầu bị sập, cướp đi mạng sống của 55 công nhân vào sáng 26.9.2007. Gần một năm khi xảy ra sự cố, công trình được thi công trở lại. Ngày 12.10.2009, cái bắt tay của lãnh đạo hai địa phương Vĩnh Long và Cần Thơ ở giữa cầu đã đánh dấu cột mốc quan trọng: hợp long cầu Cần Thơ. Ngày 24.4 tới đây, cầu chính thức khánh thành.

Đòn bẩy kinh tế

Theo ước tính, khi cầu Cần Thơ thông xe, một chuyến vượt sông Hậu so với qua phà sẽ tiết kiệm chi phí vận hành 20.400 đồng và giảm hao hụt giá trị hàng hóa cho mỗi xe ô tô là 12.394 đồng, thời gian sẽ rút ngắn lại 32 phút. Ông Đoàn Công Hiếu, GĐ HTX vận tải đường bộ TP Cần Thơ, cho biết: HTX của ông có khoảng 400 xe; trung bình mỗi xe mất thời gian chờ phà từ 1 - 2 giờ đồng hồ. Đối với xe tải thì tài xế có thể tắt máy để tiết kiệm nhiên liệu nhằm giảm chi phí. Nhưng nếu là xe khách thì phải mở máy lạnh suốt để phục vụ hành khách. Tính trung bình một giờ mở máy lạnh sẽ tiêu tốn trên 3 lít dầu, tính ra gần 50.000 đồng. Đó là một khoản chi phí không mang lại lợi ích gì cho xã hội.

Ông Trần Trung Hạnh, Trưởng chi nhánh xe khách Phương Trang (TP Cần Thơ), cho biết: Xe khách loại 45 chỗ ngồi của công ty ông tiêu tốn đến 6 lít dầu (gần 90.000 đồng) cho một giờ đậu chờ phà. Hiện nay, mỗi chuyến đi về giữa Cần Thơ - TP.HCM thường mất khoảng 5 giờ đồng hồ. Nhưng khi cầu hoàn thành thì thời gian chỉ mất trên 3 giờ (nhờ lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương); tuyến TP.HCM - Cần Thơ sẽ tăng từ 22 lượt/ ngày lên 32 lượt/ ngày.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp VN chi nhánh Cần Thơ, nhận định: Cầu Cần Thơ có một ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế ĐBSCL khi giải tỏa được sự ách tắc  trong vận chuyển cả người và hàng hóa. Trong vận tải, chỉ cần tiết kiệm được 10% chi phí đã là cực kỳ quan trọng. Hiện nay từ trung tâm TP Cần Thơ đi TP.HCM trung bình mất từ 6 - 7 giờ đồng hồ. Khi có cầu, thời gian giảm còn 3,5 - 4 giờ. Việc giảm được khoảng 30% - 40% chi phí giúp hạ giá thành vận tải rất nhiều. Hai cây cầu Mỹ Thuận và Cần Thơ giúp tăng hiệu quả vận chuyển lên đến 70% - 80%.

Các khu đô thị đón cầu 

TP Cần Thơ là địa phương được hưởng nhiều lợi ích nhất từ cầu Cần Thơ, kế đến là những tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang... Riêng với Vĩnh Long, cầu Cần Thơ là cơ hội để mở rộng đô thị và cơ sở hạ tầng. Theo TS Võ Hùng Dũng, nếu có một chiến lược tốt, huyện Bình Minh (Vĩnh Long) hoàn toàn có thể trở thành một đô thị vệ tinh của Cần Thơ cũng giống như Bình Dương với TP.HCM. Đầu tháng 4, tại KCN Bình Minh (xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh) cạnh chân cầu Cần Thơ, Nhà máy chiếu xạ trái cây, thủy sản cho xuất khẩu vừa được khởi công xây dựng. Tiếp theo đó là nhiều dự án xây dựng nhà xưởng cũng đang chuẩn bị khởi công, đón cầu Cần Thơ.

Ở đầu cầu phía bờ Cần Thơ, các khu đô thị Nam Long, Hưng Phú, Phú An, 586...  liên tiếp mọc lên, người ở đông đúc. Nhiều bệnh viện, siêu thị đã và đang được xây dựng. BQL Khu đô thị mới Nam Cần Thơ cho biết: Khu này có diện tích trên 2.000 ha và đã có 16 dự án khu dân cư được triển khai với diện tích khoảng

620 ha, tương đương 18.000 căn hộ. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đây sẽ là khu đô thị cảng công nghiệp lớn của TP Cần Thơ vào năm 2025.

Tỉnh Hậu Giang cũng đón đầu cơ hội phát triển từ cầu Cần Thơ bằng các dự án KCN như KCN Sông Hậu nằm trên trục đường Nam sông Hậu và hai cụm công nghiệp Đông Phú, Phú Hữu.

Chưa thu phí

Ông Phan Quang Dự, Giám đốc Cụm phà Hậu Giang đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên quản lý và khai thác cầu Cần Thơ cho biết: Sau khi thông xe cầu Cần Thơ, các phương tiện lưu thông qua cầu chưa phải đóng phí. Việc thu phí còn phải chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính. Riêng bến phà hiện tại vẫn hoạt động bình thường cho đến khi có hướng dẫn của Bộ GTVT.

Hiện cụm phà Hậu Giang có gần 300 người, trong khi nhân sự của công ty chỉ cần 200 người (theo đề án được duyệt). Số người dôi dư được giải quyết như sau: 16 người sẽ chuyển về công tác tại Bến phà Vàm Đầm (Cà Mau), 36 người sẽ theo phương tiện phà công tác ở các nơi khác, 18 người nghỉ hưu, 23 người còn lại nghỉ việc. Hiện Cụm phà Hậu Giang có 7 chiếc phà 200 tấn và 7 chiếc 100 tấn, bình quân có 800 - 900 chuyến phà mỗi ngày. Lượng xe 4 bánh là 7.500 chiếc/ngày; xe 2 bánh là 27.000 xe/ngày với khoảng 50.000 lượt hành khách.

Lưu thông qua cầu như thế nào?

Ông Nguyễn Nam Tiến, Trưởng phòng dự án PMU Mỹ Thuận, cho biết: Xe qua cầu Cần Thơ, muốn vào nội ô TP Cần Thơ thì khi qua trạm thu phí rẽ phải theo đường nhánh để vào đường Quang Trung, qua cầu Quang Trung rồi vào thành phố (không qua vòng xuyến); hoặc có thể đi thẳng đến vòng xuyến, rẽ phải vào đường Nam sông Hậu rồi qua cầu Hưng Lợi.

Muốn đi ngược lại, người tham gia giao thông chỉ cần đi theo hướng vừa nêu trên, nhưng theo làn đường bên phải của hướng đi. Những xe muốn vào cảng Cái Cui (đường Nam sông Hậu) thì đi qua vòng xuyến rẽ trái để vào đường Quang Trung đi đến cảng Cái Cui hoặc đi Nam sông Hậu. Từ cảng Cái Cui muốn qua cầu Cần Thơ hướng về Vĩnh Long, thì rẽ vào đường nhánh phía tay phải hướng đi của nút giao này; muốn đi hướng Sóc Trăng thì vào vòng xuyến rẽ trái chạy thẳng quốc lộ 1.

Từ cầu Cần Thơ đi các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau thì chạy thẳng qua nút giao ngay vòng xuyến rồi đi hết đường dẫn theo hướng Cái Răng để ra quốc lộ 1A. Đi An Giang, Kiên Giang thì khi đến nút giao tại vòng xuyến rẽ phải vào đường Nam sông Hậu, qua cầu Hưng Lợi theo quốc lộ 91B hoặc quốc lộ 91. Ngược lại, từ các tỉnh trên muốn qua Vĩnh Long thì đi chiều ngược lại, theo làn đường bên phải hướng đi.

Nếu từ Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau muốn đi về hướng Vĩnh Long thì chạy thẳng qua vòng xuyến của nút giao theo đường dẫn lên cầu Cần Thơ; về hướng cảng Cái Cui thì khi gần tới vòng xuyến của nút giao rẽ theo đường nhánh bên phải vào đường Nam sông Hậu; hoặc chạy thẳng tới vòng xuyến rồi rẽ phải. Xe chạy hướng này nếu muốn vào trung tâm TP Cần Thơ có thể đi theo đường quốc lộ 1A hiện hữu (vào đường 3 Tháng 2), hoặc vào đường dẫn đến vòng xuyến rẽ trái lên cầu Hưng Lợi hoặc lên cầu Quang Trung vào trung tâm thành phố.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận lưu ý khi người đi đường không xác định được hướng đi, vào đường 1 chiều (ví dụ đã vào đường dẫn lên cầu Cần Thơ hoặc vào đường dẫn xuống Cái Răng từ cầu Cần Thơ xuống) thì không thể quay đầu lại mà bắt buộc phải đi thẳng qua cầu hoặc đi hết đường dẫn.

Trong khi đó, nút giao với quốc lộ 1A (phía Vĩnh Long) đã có cầu vượt nên việc đi lại rất dễ dàng, chỉ cần đi đúng theo bảng chỉ dẫn.

Cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á

Ông Đỗ Ngọc Dũng, Phó tổng giám đốc BQL dự án Mỹ Thuận cho biết, tại thời điểm hiện nay, cầu Cần Thơ là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á (dài 550m) và là chiếc cầu dây văng lớn hàng thứ 7 trên thế giới.

Cầu Cần Thơ hoàn thành sau 5 năm 7 tháng kể từ ngày khởi công xây dựng (25.9.2004). Cầu bắc qua sông Hậu, nối tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ, cách bến phà Cần Thơ hiện hữu khoảng 3,2 km về phía hạ lưu. Tổng chiều dài toàn tuyến là 15,85 km, trong đó phần cầu chính (bao gồm cầu treo dây văng và các cầu dẫn hai bên) có chiều dài 2,75 km, rộng 23,1m với 4 làn xe cơ giới (rộng 4x3,5m) và 2 làn bộ hành (rộng 2x2,75m). Phần đường dẫn vào cầu dài 13,1 km với 13 cầu dẫn, trong đó 4 cầu trên đất Vĩnh Long và 9 cầu trên địa phận TP Cần Thơ). Phần cầu treo dây văng trong cầu chính gồm 7 nhịp liên tục với tổng chiều dài là 1.090m.

Có 2 tháp cầu hình chữ A bằng bê tông cốt thép dự ứng lực cao 165,3m tính từ đỉnh bệ cọc, trong đó 1 tháp đặt trên bờ sông phía Cái Vồn (Vĩnh Long), 1 tháp đặt ngay trên sông Hậu, phía Cồn Ấu (Cần Thơ). Hệ dây văng treo sàn cầu lên trụ tháp được bố trí trên 2 mặt phẳng xiên, gồm 4x42 bó cáp. Tùy theo vị trí, mỗi bó cáp gồm từ 30 đến 70 tao song song, đường kính tao 15,2 mm (gồm 7 sợi) có bố trí 3 lớp chống gỉ. Mỗi bó cáp có bố trí thiết bị chống rung. Hệ dầm mặt cầu là hệ dầm hộp gồm 2 loại: bê tông cốt thép dự ứng lực và thép. Phần móng cầu sử dụng móng cọc khoan nhồi bê tông cốt thép dự ứng lực.

Cầu Cần Thơ là cây cầu đánh dấu sự hoàn tất hệ thống cầu đường trên tuyến quốc lộ 1, từ Lạng Sơn đến Cà Mau (không kể đoạn Cà Mau - Năm Căn còn có cầu Đầm Cùng đang được xây dựng).

Mai Vọng

Tiến Trình - Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.