Hành động vì an ninh hạt nhân

15/04/2010 00:55 GMT+7

Các nhà lãnh đạo thế giới cam kết sẽ bảo đảm an toàn cho tất cả nguyên liệu hạt nhân có độ rủi ro cao trong vòng 4 năm nữa.

“Chúng ta đã nắm lấy cơ hội. Người Mỹ sẽ được an toàn hơn và thế giới cũng an ninh hơn”, Bloomberg dẫn lời Tổng thống Barack Obama phát biểu trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị An ninh hạt nhân lần thứ nhất tại Washington hôm 13.4.

Có thể nói hội nghị đã thành công vượt quá sự mong đợi của nước chủ nhà. Đại diện của 47 quốc gia đã nhất trí về sự khẩn thiết và tính nghiêm trọng của khả năng bọn khủng bố có được nguyên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân. Các nhà lãnh đạo thế giới cũng khẳng định cách tốt nhất để ngăn chặn mối đe dọa này là đảm bảo an ninh hạt nhân, bảo vệ các nguyên liệu hạt nhân và ngăn chặn nạn buôn bán các nguyên liệu này.

Theo thông cáo chung công bố vào ngày 13.4, các nước tham gia đã đồng ý nâng cao những tiêu chuẩn về an toàn cho uranium đã tinh chế ở mức cao và plutonium, đồng thời thu gom những nguyên liệu hạt nhân nằm rải rác trên toàn cầu về một số địa điểm nhất định. Hội nghị cũng đã thông qua mục tiêu đầy tham vọng của Tổng thống Obama là trong vòng 4 năm nữa phải bảo đảm an toàn đối với nguyên liệu hạt nhân có rủi ro cao.

Các bên cũng đã đồng ý trên nguyên tắc kế hoạch hành động chi tiết, theo đó từng chính phủ sẽ phải thực hiện một số bước đi cụ thể bên cạnh những biện pháp chung mà cộng đồng thế giới sẽ cùng nhau thực hiện. Kết quả sẽ được đánh giá tại hội nghị tiếp theo ở Seoul (Hàn Quốc) vào năm 2012.

Hội nghị đã chứng kiến một số thành quả đầu tiên như Ukraine đồng ý giao nộp toàn bộ uranium tinh chế ở cấp độ cao của nước này, theo sau là Chile và Mexico; Nga tiến gần đến việc đóng cửa lò phản ứng cuối cùng sản xuất plutonium cho mục tiêu quân sự, và Nga với Mỹ đã thỏa thuận giải trừ 68 tấn plutonium ở cấp độ vũ khí, đủ chế tạo 17.000 đầu đạn hạt nhân. Theo BBC, Washington sẽ hỗ trợ Moscow 400 triệu USD trong quá trình giải trừ. Toàn bộ chi phí do phía Nga ước tính là vào khoảng 2,5 tỉ USD.

Tuy nhiên, thỏa thuận mới nhất giữa Mỹ với Nga đã cho thấy một số vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Về cơ bản, nghị định thư mới được ký chỉ cập nhật thêm thỏa thuận đã được thông qua vào năm 2000, vốn chưa từng được thi hành vì một số lý do. Vì vậy, kết quả cuối cùng vẫn phụ thuộc vào ý định thực hành của các nước tham gia. Đồng thời, các chuyên gia cũng lưu ý rằng hội nghị vẫn chưa bàn thảo một số vấn đề còn tồn đọng, như việc một số nước, như Ấn Độ và Pakistan, vẫn tiếp tục sản xuất nguyên liệu cho vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, vấn đề hạt nhân của Iran vẫn “nóng”. AFP dẫn lời Trưởng chương trình hạt nhân của Iran tuyên bố hôm qua rằng nước này đã có 5 kg uranium làm giàu đến 20%.

Trong ngày làm việc cuối cùng của hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo và tổ chức quốc tế đã tập trung thảo luận chủ đề hành động quốc tế đảm bảo an ninh hạt nhân và nâng cao vai trò của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đối với an ninh hạt nhân. Tham gia góp ý kiến về chủ đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng để đảm bảo an ninh hạt nhân, các hoạt động hợp tác quốc tế cần được tham vấn và đạt được sự đồng thuận rộng rãi của các đối tác; cần tính đến đặc thù về điều kiện kinh tế - xã hội và mức độ ứng dụng năng lượng hạt nhân của mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển. Thủ tướng khẳng định lại ý nghĩa quan trọng của việc củng cố vị trí trung tâm của LHQ và phát huy vai trò quan trọng của IAEA trong việc thúc đẩy phát triển ứng dụng và bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân, cũng như sự hỗ trợ của các nước phát triển, các tổ chức quốc tế và khu vực, các nhà công nghiệp, các tổ chức phi chính phủ đối với các quốc gia đang phát triển.

Khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam trong các hoạt động của IAEA, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất cần phát huy vai trò của IAEA trong việc điều phối chương trình, hoạt động chung của các quốc gia, trong đó có việc hợp tác thực hiện kế hoạch An ninh hạt nhân 2010 - 2013 của cơ quan này. Tăng cường sự hỗ trợ của IAEA đối với các nước đang phát triển trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn, an ninh hạt nhân, nâng cao năng lực kiểm soát hạt nhân, đồng thời quan tâm tăng cường nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để cơ quan này hoạt động hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng của mình.

Cùng ngày, bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Canada Stephen Harper, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.  

Theo TTXVN

Thuỵ Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.