Đứng lên bằng nghị lực

12/04/2010 14:34 GMT+7

“Con hãy đứng dậy và tự “đi” bằng đôi chân của mình. Đó là điều rất khó nhưng con phải làm, vì cha mẹ không thể là chỗ dựa mãi cho con được”.

Câu nói ấy của người cha ban đầu như nhát dao cứa vào trái tim bé bỏng của cậu bé Thành. Nhưng đó cũng chính là “mệnh lệnh” giúp cậu đứng dậy từ đôi chân tật nguyền của mình... Đó là Lê Bá Thành (32 tuổi) ở xã Hưng Lộc, TP Vinh - một trong 9 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2009 của tỉnh Nghệ An vừa được Tỉnh Đoàn trao tặng giải thưởng.

Bài học của cha

4 tuổi, Lê Bá Thành thành người tật nguyền sau trận sốt ác tính. Đôi chân của cậu cứ ngày một teo lại. Người mẹ bồng con chạy chữa khắp nơi nhưng không có kết quả. Từ một đứa trẻ khỏe mạnh, Thành không đứng được nữa, di chuyển phải dùng hai bàn tay chống xuống đất để lết đi. Cậu không được đến trường.

Đúng hơn là cậu không thể tự vượt hơn hai cây số đường gập ghềnh từ nhà để cắp sách theo bạn. Không ai dạy cho Thành học chữ.

12 tuổi, Thành bắt đầu lờ mờ nhận ra nỗi bất hạnh của mình. Dấu hỏi to tướng cứ hiện lên trong đầu cậu: Lớn lên mình sẽ sống ra sao giữa thành phố này khi một chữ bẻ đôi không biết và biết làm gì với đôi chân teo quắt này?

Cha của Thành là một người lính. Mỗi khi về nhà, ông thường ôm con vào lòng, khuyên: “Con hãy đứng dậy và tự “đi” bằng đôi chân của mình. Đó là điều rất khó nhưng con phải làm, vì cha mẹ rồi cũng già yếu, không thể là chỗ dựa mãi cho con được. Cố gắng lên, cha tin con sẽ làm được”.

Thành bắt đầu học chữ. Cha cậu dạy cho bảng chữ cái và cách ghép vần. “Đây là bước đi đầu tiên con phải đi”, người cha nói. Cậu đánh vật với những cái chữ, con số một thời gian thì đọc được, cộng trừ rành rọt. 16 tuổi, Thành đến xin học nghề ở tiệm sửa chữa điện dân dụng. Thương hoàn cảnh cậu bé, ông chủ cũng sẵn sàng nhận. 6 tháng sau, chủ nhận vào làm luôn cho tiệm và trả lương hẳn hoi. Thành trở thành một thợ giỏi của tiệm, được ông chủ quý mến. Thành gắn bó với tiệm này 6 năm trời. 22 tuổi, Thành mở tiệm riêng, khách cứ đến ùn ùn.

Ông chủ trẻ

Tiệm sửa chữa của Thành ăn nên làm ra, nhưng cậu vẫn tỏ ra không hài lòng. Phải nghĩ cách tạo ra sản phẩm gì đó, mở xưởng sản xuất chẳng hạn, để tạo công ăn việc làm cho những đứa trẻ có hoàn cảnh như mình. Ý nghĩ ấy cứ đau đáu trong đầu cậu. Nhưng sản xuất cái gì bây giờ? Vốn đâu? Thế mạnh của mình chỉ có nghề điện, liệu làm ra sản phẩm có cạnh tranh được với người ta không? Hàng loạt vấn đề đặt ra trước mắt Thành. Tính toán mãi, rồi Thành quyết định sản xuất máy hàn điện. Ở thị trường Nghệ An, Hà Tĩnh, loại máy này chưa ai làm, phải lấy từ TP.HCM, Hà Nội về. Tính toán giá thành, Thành thấy máy sẽ giảm được 10% giá so với máy của các nhà máy khác sản xuất và mình cũng đã có lời. Thành bắt tay vào dự án khá táo bạo này.

Với số tiền tích cóp lâu nay, tiền hỗ trợ của cha mình và đi vay thêm, Thành mua thiết bị máy móc. Tự mày mò rồi cũng ra sản phẩm. Chạy thử thấy tốt, Thành tự tin làm tiếp một số máy rồi giới thiệu cho những người quen dùng thử. Vài tuần sau, những thông tin phản hồi lại đều tốt lành. Thành phấn khởi và quyết định sản xuất mặt hàng này.

Năm 2005, Thành thành lập doanh nghiệp mang tên DNTN Cơ điện Hoàng Nghĩa. Cậu làm thủ tục đăng ký sản xuất máy hàn điện, mở xưởng sản xuất. Sản phẩm máy hàn của Thành luôn bán rẻ hơn 10% so với giá các loại khác có uy tín đang bán trên thị trường, có bảo hành. Máy làm ra bán chạy, nhiều người khen. Thành mở rộng thị trường ra các tỉnh lân cận, vẫn bán tốt. “Đặc biệt, khách hàng mua họ sẽ an tâm vì được bảo hành đến nơi đến chốn, hư hỏng có thể đổi lại, mình thiệt tí nhưng được lòng khách” - Thành nói. Xưởng sản xuất từ vài ba công nhân, nay đã lên trên chục công nhân. Trong đó, có ba công nhân khuyết tật được Thành đào tạo rồi nhận ở lại làm việc.

Chưa muốn dừng lại ở đây, Thành nói công việc tiếp theo sẽ là mở rộng xưởng này, nhận nhiều hơn nữa những thanh niên cùng cảnh ngộ để tạo công ăn việc làm cho họ.

Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.