Biến dự án du lịch thành phân lô bán nền

25/03/2010 00:49 GMT+7

Không chỉ lấn mốc giới được giao, mà không hiểu bằng cách nào dự án khu du lịch quốc tế (KDLQT) Hòn Dấu ban đầu lại biến thành một dự án được phép chia lô bán nền.

>> Lấn chiếm đất làm biến dạng bãi biển Đồ Sơn

Ngày 29.3.2005, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Trịnh Quang Sử ký Quyết định 438/QĐ-UB, phê duyệt quy hoạch chi tiết KDLQT Hòn Dấu, trong đó có 5 khu resort. Ngày 1.9.2006, Chủ tịch UBND TP Trịnh Quang Sử tiếp tục ký Quyết định 1953/QĐ-UB phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quy hoạch chi tiết KDLQT Hòn Dấu, quyết định này không hề điều chỉnh diện tích của bất cứ hạng mục nào trong dự án mà chỉ “đổi tên” 4 khu resort và khu nhà nghỉ ven đồi thành các khu nhà ở nghỉ dưỡng 1, 2, 3, 4, 5. Đến ngày 13.2.2007 thì bước ngoặt của dự án đã được thông qua khi ông Trịnh Quang Sử ra Quyết định số 259 cho phép: “Điều chỉnh, bổ sung chức năng đất ở cho các khu đất quy hoạch xây dựng nhà nghỉ dưỡng thuộc KDLQT Hòn Dấu. Công ty CP DLQT Hòn Dấu có trách nhiệm huy động vốn đầu tư, xây dựng các nhà nghỉ dưỡng dạng biệt thự bán theo cơ chế kinh doanh cho các nhà đầu tư thứ phát sử dụng với mục đích phục vụ du lịch”. Ngày 30.7.2007, ông Trịnh Quang Sử lại ký Quyết định 1382/QĐ-UB cho phép điều chỉnh tăng thêm diện tích cho ba khu nhà nghỉ dưỡng 3, 4, 5 lên thêm 17.000m2 đất.

Như vậy, từ một dự án du lịch, KDLQT Hòn Dấu đã bị biến thành một dự án bất động sản mà chủ đầu tư có thể phân lô bán nền.

Đến nay, sau 5 năm triển khai, dự án KDLQT, khách sạn 5 sao, công viên nước, khu thế giới nước chưa thấy đâu ngoài vài con khủng long bằng bê tông ngày ngày “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Về việc lấn biển, giáo sư Mai Đình Yên, một chuyên gia sinh thái học, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), phân tích: “Việc lấn biển với diện tích hàng chục, hàng trăm ha cần phải có những đánh giá cẩn trọng cả hai yếu tố. Thứ nhất, cần nghiên cứu cụ thể để đánh giá tác động của gió, của sóng, thủy triều đặc biệt trong trường hợp có bão, lốc... lên diện tích lấn biển. Có nơi đã đổ hàng chục, hàng trăm tỉ đồng để xây kè, đổ đất lấn biển, thậm chí có nơi đã bán đất cho dân xây nhà, xây biệt thự, hình thành cả con phố bên bờ biển nhưng sau trận bão lớn, sóng lớn thì kè bị phá, đất sạt, nhà dân bị cuốn trôi ra biển".

Theo giáo sư Yên, việc lấn biển không hợp lý có thể dẫn đến bồi lắng, xói lở làm mất đi những bãi tắm hiện có.

Hải Sâm - Káp Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.