Nguyễn Bình Phương - Khi bố vợ và con rể đều nổi tiếng

12/03/2010 10:21 GMT+7

(TNTT>) Nguyễn Bình Phương (hội viên Hội Nhà văn VN, biên tập viên tạp chí Văn nghệ quân đội) là một người thơ “không trẻ - không già”, nhưng anh là một trong những nhà thơ trẻ sớm nhất đã âm thầm “khởi cuộc” khai phá những “miền đất mới” trong thơ đương đại Việt Nam cuối thế kỷ XX.

Sinh năm 1965 ở Thái Nguyên, sau khi tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du, Nguyễn Bình Phương trở thành một cây bút văn xuôi có hạng với 4 cuốn tiểu thuyết gây sự chú ý của dư luận văn chương: Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Thoạt kỳ thủy, Ngồi. Nhưng theo tôi, có lẽ thơ mới là bản ngã của Nguyễn Bình Phương với 3 tập thơ anh đã xuất bản trong những năm qua: Lam chướng, Xa thân, Từ chết sang trời biếc.

Đã có nhiều nhà thơ viết về Huế, nhưng với “con - mắt- thơ” của Nguyễn Bình Phương, xứ Huế thơ mộng đã hiện lên với vẻ đẹp sau: “Có thể sông Hương chảy vì những giấc mơ/Có thể vì giấc mơ mà Ngự Bình hóa núi/Cả tiếng dạ lành hiền bên bờ Phu Văn Lâu kia vì giấc mơ kia cũng nhuốm chút bùi ngùi... Trăm năm Huế ngực vẫn tròn và trắng/Lụa còn bay cuồn cuộn như rồng/Nhắm mắt/Vẫn Tịnh Tâm/Mưa gợn cong cong/Sông cũng gợn/Xa xa súng thần công và biển/Và chút gì mảnh khảnh trong đêm”...

Với bài thơ “Chớp mắt Huế” nói trên, Nguyễn Bình Phương cho ta thấy anh đã dụng công và tinh tế biết bao khi phát hiện và khơi gợi vẻ đẹp của cố đô cổ kính này qua những đường cong hiển lộ của mưa, của sông Hương đang chảy vì những giấc mơ, và của người con gái có khóe miệng sương mù đã dắt nhà thơ đi qua những con ngõ thao thức mà u vắng. Một vẻ đẹp liên tưởng đầy mộng mị theo kiểu Nguyễn Bình Phương: “Trăm năm Huế ngực vẫn tròn và trắng/Lụa còn bay cuồn cuộn như rồng”- một vẻ đẹp rất riêng của Huế trong con mắt thơ của anh.

Nguyễn Bình Phương là con rể của giáo sư - nhà văn nổi tiếng Hoàng Ngọc Hiến, vợ của anh-Hoàng Tố Mai (công tác ở Viện Văn học) cũng là một cây bút văn xuôi có cá tính. Tôi có lần hỏi vui Phương: “Cậu nổi danh là một nhà văn trẻ đầy cá tính, vợ cậu cũng gần như thế. Còn ông bố vợ cậu thì từ nửa thế kỷ qua đã quá nổi tiếng khắp trong, ngoài nước về một cá-tính-văn-chương nổi trội. Vậy thì trong đời sống sinh hoạt và đời sống văn chương, các cá tính ấy có xung đột nhau không?”. Nguyễn Bình Phương cười hiền lành cho biết: Chỉ duy nhất có một lần trình bày luận văn tốt nghiệp tại Trường viết văn Nguyễn Du, Phương và giáo sư Hiến (người phản biện) có tranh luận khá thẳng thắn về thi ca hiện đại với những quan điểm không trùng nhau. “Sau lần ấy, hình như ông bố vợ em cũng biết em vào loại “hàng  khủng” trong các buổi tranh luận về thi ca hiện đại và hậu hiện đại nên ông ấy không “chấp”. Sau này, khi em là con rể rồi thì bố Hiến cũng ít khi bình luận về thơ và văn xuôi của em. Nhưng chắc ông ấy, tuy không nói ra, cũng vẫn “âm thầm” cổ vũ cho những sáng tác thể nghiệm của em, hy vọng là thế...”-  Phương tâm sự.

Trong thơ Nguyễn Bình Phương, ta thường gặp một đời sống khác, một thế giới khác, một ngôn ngữ thi ca, một miền thẩm mỹ khác với đời sống thực tại xung quanh ta và chính những điều ấy đã khơi gợi sức liên tưởng, đã mở ra một cách nhìn sâu hơn vào những chiều kích khác nhau của tâm hồn con người: “Qua con mắt khép hờ/Mặt trăng đi thẳng vào giấc ngủ/Cuối đường gặp một ban mai bàng bạc/Ở đây có Nguyễn Trãi/Nguyễn Trãi bảo cuộc đời là dao và tre trúc/Sau đó im lặng dẫn ông đi xa mãi/ở đây Hồ Xuân Hương ngừng lại/Bà dựng nhà bằng những cơn mưa...”. Và có lẽ vì thơ được viết ra không phải là để lý giải những chuyện đó, nên những ai đọc thơ Nguyễn Bình Phương thì hãy cứ tự đồng hành sáng tạo cùng nhà thơ theo cái cách liên tưởng của riêng mình để có được những khoảnh khắc thưởng ngoạn thi ca tùy hứng...

Nguyễn Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.