Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 30: Hai cuộc đoàn tụ

21/03/2004 08:24 GMT+7

Ông Ba Quốc lên đường ra Bắc bằng ô tô quân sự, dự định sẽ đi trên đường Trường Sơn.

Ông viết trong nhật ký: "... Ra đến Pleiku thì được tin Bình Định đã giải phóng. Xe đi sang phía đèo An Khê rồi xuống đường số 1 về Hà Nội đi thẳng ra Hà Nội. Lúc này tin chiến thắng cứ dồn dập. Quân đội, pháo, tên lửa và các phương tiện chiến tranh rầm rập chuyển vào, khí thế hừng hực, người người nô nức. Đi ba ngày đêm thì về đến Hà Nội, đúng vào lúc tiếng pháo đầu tiên đốt mừng chiếm Dinh Độc Lập. Hà Nội vui như bể tung ra, đâu đâu cũng nghe tiếng reo hò... Tới trạm tiếp đón của cơ quan, nghỉ ngơi một lát rồi được cơ quan đưa xe về nhà bố ở khu tập thể Kim Liên. Từ trên lầu bước xuống, nước mắt dàn dụa, bố nghẹn ngào: Mày đấy ư con...! Rồi bố run rẩy ôm lấy đứa con hơn 20 năm xa cách trước sự xúc động của bà con xung quanh. Dắt tay con lên nhà, bố chỉ tấm bản đồ treo trên tường với những mũi tên bằng chì đỏ, bố nói bố chấm không kịp với tin chiến thắng. Vợ chồng Dung-Hòa (vợ chồng người em trai ông Ba Quốc - PV) cũng về kịp. Cả nhà đông nghẹt người, cười nói thăm hỏi nhộn nhịp...". Về chuyện ông Ba Quốc gặp người cha già của mình, anh con trai của ông ở miền Bắc kể: "Lúc đó ông nội tôi đang dọn cơm trên nhà, nghe bố tôi về ông bàng hoàng quăng cả mâm cơm xuống đất, chén bát vỡ tan hết cả. Ông nội tôi không thể tin rằng sẽ có ngày còn gặp được con mình".

GỬI ANH GIAO Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 30: Hai cuộc đoàn tụ - Ảnh 1.

Ảnh chụp bài báo đăng trên Thanh Niên ngày 21.3.2004

Ông Ba Quốc viết tiếp: "Chú Dung lên báo cho mẹ con Thanh xuống, lý do là tôi không thể về nhà kịp, vì lúc đó cơ quan có lệnh phải vào gấp Sài Gòn để tiếp quản Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo của địch. Đáng lẽ tôi đã nhận được lệnh trở lại ngay trên đường ra Hà Nội nhưng vì xe rẽ xuống Quốc lộ 1 nên lệnh không truyền tới kịp. Lúc ở cơ quan về lại nhà bố thì Thanh và các con đã xuống. Thanh già đi nhiều, tóc đốm bạc, da nhăn nheo, nhưng nét mặt vẫn dịu dàng hiền hậu như xưa. Lúc ra đi thì các con chưa biết gì, bây giờ thì con gái đã lấy chồng có 2 cháu, chồng là thiếu úy quân đội. Còn con trai bây giờ đã là công nhân xí nghiệp quốc phòng. Chồng vợ, cha con gặp nhau, nước mắt quanh tròng, mừng mừng tủi tủi. Buổi chiều cơm nước xong, khách đã vãn, chỉ còn lại cha con, vợ chồng, ông cháu, anh chị em quây quần hỏi han, chuyện kháng chiến, chuyện của Xuân và các con trong Nam, rồi những chuyện thăng trầm của cuộc sống, của tình người trong hai mươi năm... Đến nửa đêm, Thanh hỏi với ý trách móc: Sao anh lại đi ngay? Nhưng rồi Thanh cũng hiểu công việc và rất thương chồng...".

Ông Ba Quốc đã đoàn tụ với vợ con chỉ một hôm như vậy, hôm sau ông lại vào Sài Gòn. Anh con trai ông Ba Quốc ở miền Bắc nói: "Sau cuộc gặp đó, một năm sau bố tôi mới trở lại". Còn bà Ngô Thị Xuân, vợ ông ở Sài Gòn thì kể: "Vào ngày 5.5.1975 nhà tôi mới về. Lúc ông về thì tôi đang dọn dẹp nhà cửa. Thấy ông bước vào mấy đứa nhỏ bảo: Mẹ ơi, bố về ! Ông chả nói gì cả, chỉ cười và chơi với con một lúc rồi vào cơ quan.

Lúc ấy ông mặc đồ bộ đội, đội mũ cối". Còn ông Ba Quốc thì viết trong nhật ký: "Gặp vợ con ở Hà Nội một hôm, lại một cuộc chuẩn bị "vì nhiệm vụ" đối với cả người ở lẫn kẻ đi. Gần trưa hôm sau xe đón sang sân bay Gia Lâm, lên máy bay quân sự, hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 6 giờ chiều... Trên đường về nhà, ngang qua một quán phở, một đám trẻ con bu theo: Ê ê... anh bộ đội! Ủa, bộ đội à... Đúng rồi, quần áo, mũ cối, dép râu, ba lô... đúng là anh bộ đội rồi. Hơi đỏ nhưng mặt, trước cái nhìn của đầy cảm tình những trong người quán, lòng thấy vui trong vui... 

... Về đến cư xá khoảng 9 giờ tối. Bọn trẻ con đang chơi chạy theo trầm trồ: Bố thằng Q. về, bố thằng Q. về... Có đứa chạy trước gọi Q. thằng Q., rồi các con chạy ra đón bố. Chưa kịp vào nhà kể những chuyện xảy ra một năm qua...

Trong thời gian mẹ và anh trai bị bắt, anh trai lớn đi học và đi làm, Q. ở nhà mỗi khi thò đầu ra cửa là bị một số trẻ con trong cư xá chọc quấy: Ê... con Việt cộng... Có hôm bị chúng xúm lại đấm đá... Nhưng một hôm, Q, giấu một con dao cắt bánh mì vào cạp quần, chờ cho tụi trẻ tới chọc quấy, Q. rút dao ra đâm lia lịa... Thế là từ hôm sau, Q. trở thành "đầu đảng" của đám trẻ con trong cư xá, được bọn trẻ phục tùng.

Một chuyện khác nghe kể lại: Chỉ sau hai bữa Sài Gòn được giải phóng, anh P., theo yêu cầu của cơ quan tình báo miền, đã đem xe lại đón mẹ con Xuân lên cơ quan (lúc này đặt tại Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo cũ). Trên đường đi, anh P. chỉ chiếc vali trong xe, nói: Chuyến này tôi sẽ để mẹ con nó ở nhà, nhất định đi làm cách mạng. Anh P. hồi trước là bí thư của tướng Lâm Quang Viên (Đặc ủy trưởng Trung ương tình báo trước Nguyễn Khắc Bình). Tôi được giao nhiệm vụ móc nối làm việc cho ta, nhưng anh này sau đó đã bỏ cuộc... 

Các ông Hoàng Văn Giàu, luật sư Trần Văn Tuyên và một số bạn bè tìm gặp. Họ có chung một ý kiến: Giang sơn gấm vóc này từ nay thực sự là của người Việt Nam. Chúng tôi mừng đất nước thoát nạn ngoại xâm...".

Từ đây, ông Ba Quốc lại bước vào một nhiệm vụ mới, một nhiệm vụ cũng dài lâu, gian khổ và ông cũng làm được những chuyện xuất sắc không kém những việc mà ông đã làm trong 20 năm chống Mỹ. Đang nói chuyện với ông, nhìn trên tường, lướt qua những tấm huân chương, chúng tôi thấy có một tấm "Huân chương Chiến công hạng nhất" được Nhà nước tặng cho ông trong nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc... (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.