Ông Trump sẽ làm gì trước tiên nếu thắng nhiệm kỳ 2?

Khánh Như
Khánh Như
19/12/2023 08:51 GMT+7

Theo Reuters, nếu trở thành tổng thống Mỹ lần thứ 2, trước tiên ông Donald Trump sẽ bổ nhiệm hàng loạt quan chức trung thành để tránh những vấn đề mà ông gặp phải trong nhiệm kỳ đầu.

Theo Reuters, nếu đắc cử nhiệm kỳ 2, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ bổ nhiệm những người trung thành vào các vị trí chủ chốt trong Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). 

Các trợ lý và nhà ngoại giao của Mỹ từng làm việc với ông Trump cho rằng điều này sẽ giúp ông tự do hơn trong việc ban hành các chính sách theo chủ nghĩa biệt lập. Trong nhiệm kỳ 2017-2021, ông Trump đã gặp khó khăn trong việc áp những chính sách đôi khi được cho là "thất thường" lên cơ quan an ninh quốc gia Mỹ.

Các trợ lý hiện tại và trước đây cho biết việc có thêm nhiều người trung thành sẽ cho phép cựu tổng thống thúc đẩy các ưu tiên chính sách đối ngoại của mình nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Ông Trump sẽ làm gì trước tiên nếu thắng nhiệm kỳ 2? - Ảnh 1.

Ông Trump vận động tranh cử ở bang Nevada ngày 17.12

REUTERS

Theo ông Michael Mulroy, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề Trung Đông dưới thời ông Trump, cựu tổng thống có thể sẽ bổ nhiệm những cá nhân khó có thể đối đầu với ông.

Tất cả tổng thống Mỹ đều có quyền bổ nhiệm các vị trí cấp cao nhất trong bộ máy liên bang, bao gồm Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và CIA.

Ông Trump trước đây đã xung đột với các quan chức tại Lầu Năm Góc về một số vấn đề trong nhiệm kỳ đầu tiên, từ lệnh cấm quân nhân chuyển giới cho đến quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria năm 2018.

Ông Trump muốn định hình lại hoàn toàn chính sách đối ngoại của Mỹ?

Ngoài ra, trong các phát biểu gần đây, bản thân ông Trump cũng cho biết ông có kế hoạch khôi phục sắc lệnh hành pháp mà ông đã ban hành trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ đầu tiên. Những lệnh này sẽ cho phép ông sa thải quan chức dễ dàng hơn.

Về chính sách đối ngoại, các trợ lý cho rằng nếu quay lại nắm quyền một lần nữa, ông Trump sẽ sớm cắt viện trợ quốc phòng cho châu Âu và thu hẹp hơn nữa mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Theo 4 người từng trò chuyện với ông Trump, không giống như giai đoạn trước cuộc bầu cử năm 2016, ông đã xây dựng được một đội ngũ những người có kinh nghiệm quan trọng về chính sách đối ngoại và sự tin tưởng cá nhân của ông.

Những cố vấn đó bao gồm ông John Ratcliffe, giám đốc tình báo quốc gia thời ông Trump, cựu Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, ông Kash Patel, người từng giữ một số chức vụ trong cộng đồng tình báo và quốc phòng. Không ai trong số những người này bình luận về thông tin.

Mặc dù các chính sách cụ thể của những cố vấn không chính thức này khác nhau ở một mức độ nào đó, hầu hết đều là những người lớn tiếng bảo vệ ông Trump kể từ khi ông rời nhiệm sở. Họ cũng bày tỏ lo ngại rằng Mỹ đang phải trả quá nhiều để hỗ trợ cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine.

Vì sao ông Trump có cơ hội lớn để quay lại Nhà Trắng?

Tám nhà ngoại giao châu Âu được Reuters phỏng vấn cho biết có những nghi ngờ về việc liệu ông Trump có tiếp tục hỗ trợ các đồng minh NATO hay không. Những người này lo ngại ông sẽ cắt viện trợ cho Ukraine.

Ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia thứ ba của ông Trump, tin rằng ông sẽ rút khỏi NATO. Một quyết định như vậy sẽ gây chấn động đối với các quốc gia châu Âu vốn phụ thuộc vào sự đảm bảo an ninh tập thể của liên minh trong gần 75 năm. 

Tuy nhiên, 3 cựu quan chức khác của chính quyền Trump, 2 trong số họ vẫn còn liên lạc với ông, đã hạ thấp khả năng đó. Đội ngũ tranh cử của ông Trump từ chối bình luận về bài viết này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.