"Ông tiên" cây

30/04/2012 08:32 GMT+7

Ông Nguyễn Quang Tân (SN 1951, trú thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, H.Triệu Phong, Quảng Trị) một đời dồn sức làm 2 việc: phục vụ dân và trồng cây.

 
Không những trồng cây xanh, ông Tân còn trồng cây cảnh để trang trí tại các sân trường - Ảnh: Nguyễn Phúc

Vùng cát buổi ban trưa nóng hâm hấp, tôi theo những con đường ngoằn nghèo tìm đến nhà ông Tân khi cả nhà ông đang dùng bữa. Ông dừng đũa, níu tôi vào ăn chung cho bằng được. Chuyện đời ông rõ dần lên mồn một qua giọng nói tự nhiên, nhẹ nhàng trái ngược hẳn với tiếng ve kêu rì rầm ngoài sân. 

“Ông quan” mê trồng cây

Ông Tân là người địa phương chính gốc, buổi chiến tranh ông làm du kích bảo vệ đất quê hương, sau giải phóng được sắp xếp công tác trong UBND xã Triệu Trạch. Làm việc có trách nhiệm, được dân tin yêu nên quãng thời gian làm “quan” của ông Tân khá dài và cũng khá “hoành tráng”: 20 năm làm Bí thư Đảng ủy, 5 năm làm Chủ tịch UBND, 5 năm làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc.

Lạ đời rằng trong thời gian được làm quan, ông không “tranh thủ” để kiếm chỗ này một ít chỗ kia một ít mà chỉ quan tâm đến... chuyện tào lao (theo cách nói vui của ông Tân). Chưa ai ép ông làm bao giờ (mà dẫu có muốn ép cũng chẳng được) nhưng từ những năm 1990 ông đã bắt đầu “nghiện” trồng cây. Người dân khắp xã này ban đầu cũng rất bất ngờ với hình ảnh ông “lãnh đạo” chiều chiều  xắn ống quần cuốc đất trồng cây ở những nơi công cộng rất ra dáng nông dân. Nhưng ông đã làm cho họ quen mắt khi duy trì công việc đều đặn hằng tuần, hằng tháng. “Tui làm cán bộ nên được đi nhiều nơi, đi đến đâu thấy có bóng mát là thèm. Quê tui là vùng cát cằn khô, cây cối khó mà xanh tươi được nhưng vì mong ước quá nên gắng trồng. Mà nói thật, kể cả không làm cán bộ tui cũng trồng, có khi lại trồng cây nhiều hơn vì có thời gian rảnh” - ông Tân xuề xòa.

Không theo một trình tự nào nhưng lần lượt từ trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học, trạm xá, đình làng…đều được ông Tân phủ xanh với hàng trăm cây bóng mát. Ông lại có thói quen làm việc một mình, rảnh lúc nào làm lúc đó, đôi khi lặm cặm lụi cụi nhìn rất thương. Bởi trồng cây là một công việc không hề dễ dàng, trong khi cái xứ Triệu Trạch lâu nay vốn chỉ được biết đến với những trảng cát cằn khô, cây cối không quắt queo vì thiếu nước thì cũng vàng vọt với cái nắng thiêu người. “Muốn trồng cây tui phải kéo đất thịt ở nơi khác về, chọn ngày nào dịu mát mới động cuốc. Trồng xong thì lại bồn chồn ngóng xem cây có sống nổi không. Được cái, hình như cây cỏ cũng thương cho công sức của tôi nên cây nào cũng xanh tốt và vươn lên cao vút” - ông Tân không giấu sự tự hào.

Vì với mục đích làm bóng mát, nên ông Tân chỉ “khoái” các loại cây như bàng, phượng, xà cừ, đa, tre cảnh... Ban đầu ông chỉ quẩn quanh trong xã, thấy cây nào thì bứng về hoặc xin, nhưng về sau ông cất công đi xa hơn để tìm, thậm chí phải mua vì chẳng ai hơi đâu mà cho ông mãi. Vậy nên người dân mới có chuyện tiếu lâm rằng, ông Tân đi trên đường mà thấy cây con nào ưng ý thì phanh xe hét toáng lên như thể bắt được vàng.

Dần dà cả quãng thời gian còn đương chức, ông không còn nhớ mình đã trồng không biết bao nhiêu gốc cây, tạo bóng mát cho bao nhiêu người. Đến tháng 9.2011, ông nghỉ hưu và càng hăng hái hơn trong công việc mà bấy lâu mình đã theo đuổi. “Nhiều người nói tui hay làm tào lao nhưng họ không biết chính họ và con cái họ hằng ngày đang hưởng cái sự tào lao của tui. Nhưng tính tui rất lạ, không riêng chi chuyện trồng cây mà ví như đi trên đường có vũng nước là tui lấy đất lấp lại, thấy ai phá đường, vứt rác lung tung là tui lại nhắc nhở, nhắc không được thì ngửa cổ lên chửi” - ông Tân tâm sự.

Cũng từ dạo về hưu, cái thú trồng cây của ông có vẻ còn... sang trọng hơn. Dẫu lương hưu chỉ tròm trèm 1,6 triệu đồng/tháng nhưng ông đổ hết vào việc đúc chậu, mua hoa kiểng. Nhiều người kháo nhau rằng mát tay như ông Tân chuyển sang nghề trồng cây kiểng không giàu cũng khá, không ngờ cứ có chậu kiểng nào đẹp ông đều lần lượt tự nguyện đem tặng các trường học. “Có chậu cả mấy triệu bạc tui cũng tặng chớ không tiếc. Để ở nhà chỉ mình tui ngắm còn đem ra trường thì mọi người cùng ngắm. Đó là chưa nói có bóng râm rồi thì cũng phải có không gian hoa lá cho đẹp nữa chứ” - ông cười hà hà. Chỉ thương cho bà Tỉ (Phan Thị Tỉ, vợ ông) nhiều lần giận tím gan bởi ông chồng hay lo việc bao đồng. “Vợ tui có cái hay là việc chi tui làm cho tập thể là không can mà chỉ lo tui mệt. Có khi tui biết trong bụng bà tức đó nhưng mà vẫn không nói ra” - ông Tân tâm sự. 

Trồng thì dễ, chăm mới khó

Ông Tân bảo với ông, trồng cả trăm cả ngàn cây xanh là việc đơn giản nhưng vấn đề là chẳng có ai chăm nom trong khi một mình ông thì khó mà ôm xuể. “Đất cát ở đây không như nơi khác, chỉ cần gieo xuống là cây bám rễ mà khi trồng xong còn phải lo đủ kiểu thì cây mới sống được” - ông nói.

Có lẽ ý thức được việc trồng cây không phải là của riêng mình nên ông Tân đặc biệt chú trọng đưa cây xanh vào trường học. Bởi chẳng có nơi nào giáo dục việc trồng cây cũng như ý thức bảo vệ môi trường tốt hơn nơi này. Ông cố ý làm việc vào giờ ra chơi hoặc lúc tan trường để gây sự chú ý. Với bản tính tò mò, lũ học trò sẽ chủ động đến với ông.

Ngày nay, ông Tân không còn đơn độc khi gieo mầm sống cho một cây mới hay chăm sóc vườn cây, bởi mỗi lần như vậy đều có đám trẻ nhỏ tíu tíu, chuyện trò cùng ông. “Tóc ông Tân bạc phơ như ông tiên trong truyện cổ tích. Ông đã hóa phép để cây xanh tươi tốt trên đất cát cằn cỗi này. Chúng em giúp ông cũng sẽ trở thành tiểu thần tiên” - em Ngô Xuân Trường, học sinh trường tiểu học số 1 Triệu Trạch lém lỉnh.

Cô giáo Trần Thị Hải Lý, Hiệu trưởng nhà trường, cũng không tiếc lời ngợi khen: “Bác Tân trồng cây rồi tặng cây cho nhà trường để tạo bóng mát, tạo không gian, chúng tôi rất biết ơn nhưng điều làm chúng tôi càng khâm phục là bác đã góp phần chỉ cho các em học sinh biết yêu thiên nhiên, cây cỏ mà đôi khi trong tiết giảng chúng tôi chưa kịp nói hết”.

Riêng ông Tân thì chỉ bảo rằng khi nào còn sức ông sẽ còn trồng cây, được thêm cây nào hay cây đó. Bởi rồi đây sau khi ông về với cát bụi, nhìn những hàng cây bóng mát người ta vẫn còn nhớ về ông...

Chia tay ông khi nắng vẫn như chưa chịu thôi thiêu đốt mặt đất, nhưng dưới những bóng cây xanh mát rượi trong sân trường, đám trẻ vẫn có thể hồn nhiên nô đùa tíu tít. Từ đằng xa, ông Tân ngoảnh lại, đưa tay vuốt mái tóc bạc phơ, nhoẻn miệng cười, một nụ cười đầy mãn nguyện.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.