“Nữ tướng”… cua đinh

22/02/2013 10:41 GMT+7

Bà Trịnh Thị Nguyệt, ngụ ấp Phú Khởi (xã Thạnh Hóa, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) là người phụ nữ đầu tiên mở đường nuôi cua đinh thành công ở ĐBSCL.

Theo bà Nguyệt, cua đinh kháng thể rất mạnh, ít sinh bệnh, nếu cho ăn đầy đủ mỗi năm cua đẻ 3 - 4 lần, mỗi lần đẻ 8 - 15 trứng. Mùa sinh sản của chúng từ tháng 7 - 12 âm lịch. Sau khi đẻ trên cát xong, chúng lấp lại, bỏ đi và khoảng 100 ngày sau thì trứng nở con. Cua đinh rất háu ăn. Thức ăn chính là tép, cua, ốc, cá con, ruột gà, ruột vịt... Ưu điểm của chúng là nuôi chóng lớn. Năm đầu tăng trọng từ 800 gr - 1,5 kg, năm sau lớn nhanh hơn (từ 2 - 4 kg/con), có con vượt lên 7 - 8 kg.

“Nữ tướng”… cua đinh
Bà cho cua đinh ăn

Nhờ có kinh nghiệm nhiều năm nuôi ba ba ấp trứng nhân tạo thành công, bà Nguyệt đã mạnh dạn cho ấp trứng cua đinh nhân tạo. Năm 2009, bà cho ấp 1.000 trứng, nở được 1.000 con. Bà nói ấp trứng nhân tạo cho cua đinh khó hơn trứng ba ba, phải theo dõi thời tiết thường xuyên. Hiện nay, trang trại cua đinh của bà Nguyệt có đến 3.000 con, trong đó có 1.000 con cua đinh bố mẹ, 1.500 con hậu bị và trên 500 cua đinh con. Cua đinh hậu bị được nuôi trong 4 hồ lớn, diện tích 128 m2. Ngoài ra còn có trên 120 hồ lớn, nhỏ nuôi cua đinh giống và cua đinh con với tổng vốn đầu tư gần 3 tỉ đồng.

“Nữ tướng”… cua đinh
Cua đinh bố mẹ

Ở tuổi 60, bà Nguyệt vẫn ngày ngày dãi nắng dầm mưa chăm sóc trang trại cua đinh của mình. Được hỏi về bí quyết thành công, bà cho biết nuôi cua đinh phải cần cù chăm sóc, kịp thời phát hiện bệnh; phải cập nhật giá cả hằng ngày để điều tiết giá lên xuống mới được lãi cao. Bà cũng thường tham gia các hội chợ nông nghiệp tại TP.Cần Thơ, TP.HCM để tìm kiếm khách hàng, tìm đầu ra cho cua đinh. Năm 2012 vừa qua, bà bán ra 400 cua đinh con với giá 500.000 đồng/con; riêng cua đinh giống trọng lượng 2 - 3 kg/con bán với giá 1,5 triệu đồng.

“Nữ tướng”… cua đinh
Cua đinh hậu bị

Trang trại nuôi cua đinh Lâm Nguyệt (tên 2 mẹ con) là mô hình nuôi cua đinh đẻ thành công duy nhất trong tỉnh Hậu Giang và ngày càng nhân rộng. Đây là loài động vật hoang dã, dù không thuộc dạng quý hiếm nhưng có nguy cơ tuyệt chủng nên cần được bảo tồn và giúp nông dân có thu nhập.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.