Một nền giáo dục đàng hoàng

13/02/2013 14:00 GMT+7

(TN Xuân) Phóng viên Thanh Niên đã gặp gỡ, trao đổi với nhiều người để ghi nhận những mong ước về một nền giáo dục Việt Nam trong tương lai.

Cần sự thanh sạch

 
Ảnh: H.Đ.Bình

Không đi vào những lối mòn thường thấy nên chủ đề năm học mới của Trường ĐH Hoa Sen thật sự gây ấn tượng. Trong cảm xúc ấy, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Trân Phượng (ảnh), Hiệu trưởng nhà trường xung quanh những  mong muốn cho giáo dục.

Thưa bà, vì sao trường lấy chủ đề năm học này là "Sống tử tế, học đàng hoàng, kết nối năm châu", và tại sao sống tử tế được đặt lên hàng đầu?

Chủ đề năm nay, thật ra là cho 3 năm học sắp tới, có chút khác thường. Đó không phải là ý định từ đầu của chúng tôi - làm cái gì khác thường. Tôi đã bắt đầu bằng câu hỏi rất giản dị: “Anh/chị mong muốn gì cho năm học mới?”. Khi tập hợp những điều mong muốn thành tâm của các đồng nghiệp, những người “hay chữ” nhất trong chúng tôi đã diễn đạt nó thành như vậy. Nhiều người đều thấy hình như cách diễn đạt đó nói lên được mong muốn mạnh mẽ nhất, không chỉ của người làm giáo dục, mà cả của sinh viên, gia đình họ, của toàn xã hội.


Giá trị của một nền giáo dục đích thực không chỉ đảm bảo bằng tiền, mà đòi hỏi người dạy phải tử tế, người học phải đàng hoàng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
 

Hình như đó vừa là điều căn cơ nhất mà bất kỳ nền giáo dục chân chính nào cũng không thể không hướng tới mà lại cũng là điều thiếu vắng, kém cỏi, hiếm thấy hiện nay trong thực tế cả trong và ngoài nhà trường.

Thật ra, chỉ cần nói “sống tử tế” cũng gói ghém đủ ý rồi vì ý này bao hàm “học đàng hoàng”. Và làm sao có thể “sống tử tế” trong xã hội hôm nay mà không kết nối với năm châu, không tự coi mình là công dân toàn cầu, là một phần của cuộc sống toàn nhân loại?

Là một người quản lý giáo dục lâu năm, theo bà, những gì là cần thiết để giúp giáo dục Việt Nam thật sự phát triển?

Cần thì nhiều cái rất cần. Cần thầy giáo đúng nghĩa nên tôi mong các trường được tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa để tuyển giảng viên từ nhiều nước, kể cả người Việt sau khi du học thành tài hoặc đã có kinh nghiệm từ quốc tế. Cần có môi trường cho nghiên cứu và bồi dưỡng nội lực nghiên cứu thông qua hợp tác quốc tế. Đối với toàn ngành giáo dục, tôi cho điều cần nhất vẫn là thầy đúng nghĩa là thầy, được đào tạo đàng hoàng để đủ sức làm thầy, được trả lương tử tế để có thể sống tử tế, dạy đàng hoàng. Cần đất xây trường, cần chấm dứt thu thuế giáo dục bằng “trực thu” vì trong mọi thứ thuế gián thu, thuế thu nhập cá nhân lẽ ra đã có phần dành cho giáo dục. Nhưng nếu nói cần nhất trong mọi điều cần thiết, tôi sẽ nói chúng ta cần tạo điều kiện để giáo dục được sạch vì giáo dục không thanh sạch thì không thể nào còn gọi là giáo dục.

Nếu có một mong muốn cho giáo dục Việt Nam, cụ thể là giáo dục ĐH, bà sẽ mong ước gì?

Tôi không thấy có cơ sở để trông cậy ai khác hơn là ở chính những người đang làm giáo dục, sống bằng nghề làm giáo dục; những người đang trực tiếp chắt chiu dành dụm, hy sinh để đầu tư cho sự học của con em mình; ở người học nữa. Tôi mong những tác nhân trực tiếp đó của giáo dục nước nhà hiểu ý nghĩa, giá trị đích thực của giáo dục. Nó không thể chỉ bảo đảm chất lượng bằng tiền, nó đòi hỏi người dạy phải dạy tử tế, người học phải học đàng hoàng.

Thùy Ngân

Học sinh nên rời bàn học

 
Ảnh: M.Q

Nền giáo dục Việt Nam thực sự mang đến cho học sinh, sinh viên một nền tảng kiến thức cực kỳ vững chắc không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Thế nhưng, nước ta thua xa các nước bạn về kỹ năng.

 

Nếu tôi là người đứng đầu ngành giáo dục, tôi sẽ quyết tâm giảm tải chương trình, học sinh sẽ được rời bàn học để ra sân thể thao, tham gia nhiều hoạt động xã hội để phát triển kỹ năng

Tôi nhận thấy các em học sinh trường chuyên và nhiều sinh viên lúc nào cũng chỉ biết đến việc học.

Khi rời khỏi bàn học, bước ra ngoài xã hội các em ngơ ngác, không hòa nhập được với tốc độ phát triển mạnh mẽ của cuộc sống xung quanh. Nhận thức về xã hội, về thế giới chậm chạp, trong khi giải quyết các bài toán gai góc trong sách thì cực nhanh. Đó chưa phải là một điều đáng mừng.

Thế giới phẳng, mỗi bạn trẻ là một công dân toàn cầu. Nếu nền giáo dục Việt Nam cứ mãi chạy theo thành tích, thiên về kiến thức thì sẽ chỉ đào tạo ra những con người có tư duy theo lối mòn, chỉ biết đến sách vở, lạ lẫm, không thể hòa nhập với thế giới.

Con em chúng ta chỉ học giỏi mà không biết đá banh, không biết chơi đàn, không biết cảm nhận một bức tranh hay thờ ơ với những buổi trình diễn nghệ thuật… Các em không có cơ hội để thể hiện hết khả năng trong con người mình, nếu có thì cũng rất ít, và chúng ta cũng chưa biết cách khơi dậy những tiềm ẩn đó trong học sinh.

 
Học sinh - sinh viên cần tham gia nhiều hoạt động bên ngoài chứ không chỉ chúi đầu vào việc học - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nếu tôi là người đứng đầu ngành giáo dục, tôi sẽ quyết tâm giảm tải chương trình, học sinh sẽ được rời bàn học để ra sân thể thao, đến bảo tàng, học đàn, học vẽ, tham gia câu lạc bộ, trau dồi ngoại ngữ, tham gia nhiều hoạt động xã hội để phát triển kỹ năng. Nếu tôi đứng đầu đất nước, tôi sẽ thay đổi cơ chế, đầu tư ngân sách lớn cho giáo dục: cấp đất, xây dựng những ngôi trường văn minh, hiện đại, quy mô. Đầu tư đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn, ngoại ngữ, năng động, sáng tạo. 

Trần Trang Cẩm Tú
(phụ huynh học sinh)

Hãy mở lòng

 
Ảnh: Mỹ Quyên

Tôi nhận thấy chương trình học vẫn còn khuôn mẫu và phần lớn các thầy cô dạy, chấm bài còn cứng nhắc. Học sinh làm đúng ý mới được điểm, có một cách cảm nhận khác đi là không được điểm, như vậy triệt tiêu sự sáng tạo cũng như tư duy đa chiều vốn rất cần thiết cho việc học tập cũng như làm việc.

Sự nhàm chán, buồn tẻ trong giờ học sẽ khiến cho học sinh, sinh viên học chỉ để đối phó với thi cử chứ không thể bộc lộ được tư duy sáng tạo của bản thân. (Trần Thị Bảo Trâm - Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)

Môi trường năng động và thân thiện

 
Ảnh: Mỹ Quyên

Nếu là hiệu trưởng một trường ĐH, điều tôi muốn làm là sẽ tạo một môi trường năng động vừa giúp sinh viên chủ động, sáng tạo, độc lập trong việc học, nhưng vẫn không làm cho khoảng cách thầy - trò trở nên lỏng lẻo, xa cách.

Nếu là giảng viên, tôi sẽ thân thiện, gần gũi hơn với học trò của mình, tạo không khí vui vẻ, thoải mái, say mê trong mỗi giờ lên lớp. Được như vậy, sinh viên sẽ tập trung vào giờ học, hứng thú, muốn trao đổi, thảo luận và nhờ đó, việc học trở nên nhẹ nhàng mà hiệu quả. (Lê Thị Loan - Sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)

Dạy vì nhu cầu của người học

 
Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ai làm giáo dục cũng đều mong muốn những người trong độ tuổi được đến trường và học được. Tức là chương trình phải phù hợp với người học, không nặng nề, đúng với độ tuổi của học sinh.

Lớp học nên có sĩ số vừa phải. Ngoài chương trình chính khóa, nên tăng cường thêm nhiều hoạt động ngoài giờ để giúp học sinh tìm hiểu thiên nhiên, gắn bó cộng đồng. Điều quan trọng nhất là làm thế nào cá thể hóa việc dạy học, nhà trường  dạy vì sự phát triển của từng con người, theo sở trường và nhu cầu của người học. Và trên hết hãy hiện thực hóa khẩu hiệu mỗi ngày đến trường là niềm vui. (PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Giữ cho con trẻ sự trong sáng

 
Ảnh: Bảo Anh

Điều đầu tiên và cũng giản dị tôi mong muốn ở ngành giáo dục là người lớn cần hiểu biết về trẻ em, ấy là nhìn thấy ở các em không phải là những người lớn thu nhỏ mà là nhìn thấy ở từng em một thực thể phát triển. Trước hết phải tôn trọng trẻ: Trẻ giỏi cái gì phải tôn trọng cái đó, thích cái gì ta tôn trọng cái tự nhiên đó. Đấy là nguyên lý căn bản của giáo dục.

Học để sống khác với học để thi. Học để sống bình thường sao cho tự nhiên, vui vẻ, hạnh phúc. Các em tham gia hoạt động giáo dục một cách náo nức, không phải nơm nớp lo lắng về những bảng đánh giá, xếp loại. Xếp loại làm sao được con người khi mỗi người hiện đại là một cá thể có giá trị riêng biệt. Em này có thể học toán, văn nhưng không biết làm gì khác; em khác có thể là một người bạn rất tốt của mọi người, biết quét nhà, rửa bát, nấu cơm, giúp đỡ gia đình...

Thời học tiểu học là thời hình thành nhân cách, với chất người và chất cá nhân, làm nên cái gốc văn hóa của đời người. Tiểu học là bậc học hoàn chỉnh, thuần Việt, vững chắc như gốc cây, như móng nhà. Thời học tiểu học phải đọng lại trong em niềm vui và hạnh phúc đi học, đi với em suốt đời. Cũng không nên biến mẫu giáo thành bậc học. Hãy để cho bé được hưởng trọn vẹn hạnh phúc tuổi thơ hồn nhiên trời cho.

Giản Tư Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED): Cái đầu khai minh và trái tim xúc cảm 

 
Ảnh: Đ.N

Nền giáo dục mà tôi mong muốn là nền giáo dục có khả năng khai sáng trí tuệ, nuôi dưỡng tâm hồn và rèn luyện thể chất cho người học để giúp họ giỏi làm người, giỏi làm việc và giỏi làm dân.

Nói một cách khác, đó là một nền giáo dục có khả năng tạo ra những con người có thân thể khỏe mạnh, cái đầu khai minh và trái tim xúc cảm. Để có được nền giáo dục mong muốn nói trên thì chúng ta phải tái cấu trúc hệ thống giáo dục. Trong đó, quan trọng nhất là xác định lại mục tiêu của giáo dục và thay đổi cách vận hành của nền giáo dục thông qua việc định nghĩa lại vai trò của năm chủ thể then chốt trong nền giáo dục.

Trong nền giáo dục tiến bộ, thầy cô và nhà trường sẽ không xem học trò như những công cụ của mình trong việc tạo ra những thành tích có lợi cho thầy/cho trường, nhưng lại không có lợi cho trò. Còn cha mẹ sẽ không xem con cái của mình như những công cụ để hiện thực hóa giấc mơ của chính mình, sẽ không bắt con mình phải học để làm kỹ sư, trong khi tố chất con mình chỉ hợp với công việc của một nhiếp ảnh gia, sẽ không cố sức để biến con mình thành chính mình mà sẽ giúp con mình trở thành chính nó.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập): Quan tâm đến những con người cụ thể          

 
Ảnh: Đ.N

Tôi muốn nghề giáo được xem là một nghề chuyên nghiệp như những nghề chuyên nghiệp thực thụ khác, ví dụ như nghề kỹ sư, luật sư, bác sĩ… Không cần "vinh danh", không cần sự "phong thánh" như hiện nay, mà chỉ cần sự tôn trọng như bất cứ một nghề chuyên nghiệp nào.

Tôi muốn nền giáo dục của Việt Nam chú trọng vào thực chất và tập trung nhiều hơn vào việc dạy người, không bị những sức ép của thành tích, của những cuộc đua "đẳng cấp", "danh hiệu", những "xếp hạng đại học" hoặc "xếp hạng nền khoa học" với những chỉ số về "công bố quốc tế", về số lượng tiến sĩ, giáo sư… mà quan tâm thực sự đến những con người cụ thể và giải quyết những vấn đề cụ thể. Tôi muốn các nhà tuyển dụng bớt chú trọng vào bằng cấp của người học mà vào năng lực thật vì chỉ có như vậy thì các trường của chúng ta mới chú trọng việc thực học và người học mới không bỏ tiền chạy chọt để có bằng cấp bằng mọi giá như hiện nay.

Tôi mong muốn các trường sư phạm thà đóng cửa, đóng ngành chứ không thèm nhận những sinh viên kém cỏi nhất không thi đậu vào đâu được để đào tạo cho có, cho đủ chỉ tiêu. Thay vì để cho sinh viên tẩy chay ngành sư phạm, các trường sư phạm hãy tẩy chay các sinh viên kém tài và thiếu đạo đức, mà chỉ nhận những người có tài năng, có tư cách, có lòng tự trọng và nỗi đam mê nghề nghiệp cháy bỏng, vì chỉ những người như vậy mới xứng đáng làm thầy.

Tuệ Nguyễn - M.Quyên - Đ.Nguyên - T.Ngân
(ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.