Nhường suất đăng kiểm cho xe vận tải?

25/04/2023 06:21 GMT+7

Đó là kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM trước tình trạng xe vận tải nằm bãi vì không thể đăng kiểm, gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa.

70% xe nằm bãi vì vướng đăng kiểm

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm và Sở GTVT TP.HCM, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết mặc dù đã có nhiều giải pháp được áp dụng nhưng tình trạng ùn tắc đăng kiểm vẫn diễn ra phổ biến, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) vận tải. Một số DN gần hết hạn đăng kiểm (ví dụ ngày 23.4 hết hạn) đã chủ động đăng ký lịch hẹn đăng kiểm trước 15 - 30 ngày nhưng trung tâm đăng kiểm (TTĐK) trả phiếu hẹn đến ngày 17.5 và cũng không có thông tin hỗ trợ phương tiện trong thời gian chờ đợi được lưu hành tạm. 

Hiệp hội này kiến nghị cho phép ưu tiên phương tiện kinh doanh vận tải gần hết hạn hoặc hết hạn đăng kiểm đăng ký lịch hẹn trước, cho xe được lưu hành tạm trong khi chờ đến lượt đăng kiểm lại. Đồng thời, kéo giãn thêm chu kỳ đăng kiểm nếu hệ số an toàn vẫn có thể còn đáp ứng... Trước đó, Hiệp hội Vận tải ô tô VN cũng đề nghị Bộ GTVT cho phép thực hiện giãn chu kỳ kiểm định đối với xe không kinh doanh vận tải đang lưu hành ngay từ chu kỳ kiểm định hiện tại.

Nhường suất đăng kiểm cho xe vận tải? - Ảnh 1.

Tài xế xếp hàng chờ lấy phiếu hẹn tại một trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM sáng 24.4

CTV

Sở dĩ các hiệp hội phải cấp bách đồng loạt gửi kiến nghị "cầu cứu" là bởi nếu người dân đi đăng kiểm khổ 1 thì DN vận tải khổ 10 khi sở hữu rất nhiều đầu xe. "Gần 70% đội xe của tôi hết hạn đăng kiểm trong giai đoạn tháng 5, tháng 6 này phải nằm nhà khoảng 20 ngày vì không đăng kiểm được. Xe du lịch 1.5 này hết hạn thì lịch hẹn đăng kiểm tới 20.5; xe tải tới 17 - 20.5 hết hạn thì 10 - 15.6 mới có lịch đăng kiểm", ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, cho biết. 

Xếp hàng xuyên đêm chờ đăng kiểm, tài xế ngao ngán ‘cả ngày nhích được trăm mét’

Chụp ảnh một TTĐK tại TP.HCM sáng 24.4 toàn thấy tài xế xe máy xếp hàng chờ "bốc số", ông Thanh giải thích các TTĐK thông báo không cho xe tới xếp hàng, phát phiếu hẹn online nhưng tài xế không đăng ký được phiếu hẹn online nên phải chạy xe máy đến nhận phiếu giấy phát tay. 

"Xe nằm nhà chờ thì không nhận được đơn hàng, còn phải tốn thêm chi phí thuê bến bãi, trả công cho tài xế… Chưa kể quy định chi tiết ở mỗi trạm đăng kiểm không đồng bộ, trạm yêu cầu thế này, trạm đòi phải thế kia nên nhiều khi xe tới hẹn lên rồi vẫn không đăng kiểm được chỉ vì những lỗi rất nhỏ mang cảm tính. Vận tải từ năm dịch đến giờ chỉ chực phá sản, giờ thêm đòn đăng kiểm này, chắc cả năm nay chỉ lo xếp hàng, bốc số thôi chứ còn làm ăn gì", ông Nguyễn Ngọc Thanh cám cảnh.

Tương tự, bà Q.H, Tổng giám đốc Công ty vận tải Đ.V (trụ sở Q.7, TP.HCM), nhẩm tính từ đội xe gần 70 chiếc, qua gần 2 năm dịch bệnh, Đ.V phải bán bớt gần nửa số xe để tiết giảm chi phí. Đến nay, công ty đang tiếp tục phải bán dần bán mòn, chỉ còn gần 20 xe vì "chịu trận" đăng kiểm. 

"Trong 20 xe đó thì chạy tới chạy lui mãi mấy tháng trời mới đăng kiểm được vài chiếc. Giờ có dám ký hợp đồng với công ty nào đâu, ai gọi chạy thì chạy túc tắc kiếm cơm ngày vậy thôi. Vận tải hàng hóa cứ đà này thì sớm muộn cũng phá sản hàng loạt", bà Q.H lo ngại.

Vận tải hàng hóa "nằm bãi", các phương tiện của nhiều DN vận tải cũng không khá khẩm hơn. Đại diện nhà xe Toàn Thắng (trụ sở Bà Rịa-Vũng Tàu) thông tin tình hình đăng kiểm tại Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, Toàn Thắng cứ đều đặn hằng tuần sẽ gửi danh sách phương tiện đăng kiểm tới TTĐK, đóng phí theo hợp đồng. 

Đều đặn 6 ngày/tuần, mỗi ngày có hơn 10 xe được đăng kiểm. Thế nhưng, hiện nay rất nhiều phương tiện đổ từ TP.HCM về Bà Rịa-Vũng Tàu đăng kiểm nên tài xế phải mang xe ra chờ từ 3 - 4 giờ sáng mà đến chiều vẫn không tới lượt. Có xe chạy đi chạy lại, ngày nào cũng chờ như vậy hàng tuần trời. Xe mới mua đến nộp hồ sơ để cấp tem mà cũng 3 ngày chưa xong. 

"Trước chúng tôi thuê hẳn 1 người phụ trách việc mang phương tiện đi đăng kiểm hằng ngày, mỗi xe đăng kiểm mất gần 2 giờ, cứ xong xe này về làm tới xe kia. Giờ thì mỗi tài xế phải tự chạy xe tới chầu chực mấy ngày trời. Xe chở khách, xe cho thuê chạy dịch vụ…, rất nhiều phương tiện đang gặp khó khăn vì đăng kiểm", đại diện nhà xe Toàn Thắng cho biết.

Gia hạn ngay để giảm ùn tắc

Đồng tình với các đề xuất "hạ nhiệt" đăng kiểm của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, phân tích: Nguyên nhân gây tai nạn ô tô của thế giới chủ yếu là do người lái mất tập trung (94%), còn lại 6% là lỗi kỹ thuật xe, lỗi cơ sở hạ tầng và lỗi do các thành phần khác. VN chưa có thống kê về nguyên nhân gây tai nạn ô tô nhưng các loại xe hiện nay dùng công nghệ của các nước tiên tiến và hạ tầng giao thông cũng trên nền tảng công nghệ các nước tiên tiến, thì nguyên nhân gây tai nạn giao thông cũng sẽ theo xu hướng thế giới. Nghĩa là, do lái xe mất tập trung là chính, còn từ lỗi kỹ thuật xe, lỗi cơ sở hạ tầng sẽ chỉ chiếm phần nhỏ.

"Từ cách tiếp cận trên, việc giãn thêm chu kỳ đăng kiểm, cho xe được lưu hành tạm trong khi chờ đến lượt đăng kiểm lại để giải quyết căng thẳng trong giai đoạn cấp bách hiện nay là hoàn toàn hợp lý. Giải bài toán đăng kiểm về dài hạn cũng cần đứng trên góc tiếp cận như vậy để đưa ra những giải pháp căn cơ, hợp lý", PGS-TS Phạm Xuân Mai nhấn mạnh.

Không ủng hộ ưu tiên đăng kiểm cho đối tượng phương tiện nào bởi dễ gây tác động tiêu cực trong cộng đồng, song, TS Dương Như Hùng (Khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng kiến nghị phân loại và cho phép thực hiện giãn chu kỳ kiểm định đối với một số đối tượng phương tiện đang lưu hành ngay từ chu kỳ kiểm định hiện tại. Đối tượng nào được gia hạn là dựa vào nguy cơ gây tai nạn, mức độ ảnh hưởng. Đơn cử, xe cá nhân thường có chỉ số an toàn cao hơn, mức tác động nhỏ thì được ưu tiên gia hạn; xe container, xe tải đời cũ thì phải kiểm định ngay. Thời gian gia hạn cũng phải được tính toán dựa trên những số liệu đầu vào cụ thể, khoa học. 

"Cần đánh giá xem năng lực kiểm định của hệ thống hiện nay thế nào, so với trước đây giảm bao nhiêu phần trăm, thời gian hẹn lịch đăng kiểm là bao lâu…, từ đó mới tính ra được thời gian cần gia hạn thêm là bao nhiêu cho phù hợp thực tế. Những địa phương ảnh hưởng nặng thì các biến số khác nhau cũng sẽ ra kết quả thời gian gia hạn khác nhau. Không thể đánh đồng hết, ra một mẫu số chung không dựa trên cơ sở nào như hiện nay", ông Hùng lưu ý.

Cũng theo TS Dương Như Hùng, những biện pháp trên chỉ là "thuốc giảm sốt" tạm thời. Hệ thống đăng kiểm của VN đang sai từ mô hình - các công ty đăng kiểm cạnh tranh nhau, bên nào thu phí thấp hơn, đăng kiểm dễ hơn thì hút được nhiều khách nên mới phát sinh tiêu cực. Chủ phương tiện thì chỉ cần nhanh, dễ; chủ TTĐK thì chỉ cần nhiều khách, nhiều tiền. "Mô hình sai nên sửa chỗ này cũng sẽ lòi cái sai khác, sửa phải sửa từ gốc", ông nhấn mạnh.

Ở nước ngoài, họ tạo ra hệ sinh thái đăng kiểm mà quyền lợi của người này gắn với người khác, gắn với quyền lợi của cả xã hội. Mỗi đối tượng trong hệ sinh thái sẽ giám sát lẫn nhau. Đó là TTĐK, công ty bảo hiểm và chủ phương tiện. Phương tiện nào cũng phải mua bảo hiểm, các công ty này sẽ chỉ định những đơn vị đăng kiểm trong mạng lưới của công ty. Khi đó, TTĐK mà tiêu cực, dễ dãi thì nguy cơ tai nạn, bảo hiểm phải đền tiền rất lớn nên họ sẽ kiểm soát chặt. Trong khi đó, người dùng đi xe không đảm bảo, gây tai nạn thì cũng phải đóng phí bảo hiểm nặng nên họ sẽ không dám. Đó là hệ sinh thái hiệu quả và tối ưu.

TS Dương Như Hùng, Khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.