TNO

Những tật xấu nên tránh khi dùng Facebook

19/01/2015 08:08 GMT+7

(iHay) Những 'anh hùng bàn phím' đang làm lây lan rất nhiều tật xấu trên các trang mạng xã hội.

(iHay) Những 'anh hùng bàn phím' phơi bày khá nhiều tật xấu trên các trang mạng xã hội. Đáng chú ý khi những tật xấu này phổ biến và 'lây nhiễm' ngày càng nhiều hơn.

>> Mạng xã hội thời khó hiểu: Càng dở, càng "hốt" like

 

Vạch lá tìm sâu

MC Trấn Thành từng cho rằng phần lớn dân mạng hiện nay đã và đang tham gia vào trào lưu “không vừa lòng với bất cứ điều gì”. Khi gặp bất kỳ vấn đề gì vẫn tìm cách “moi móc” mặt tiêu cực cho bằng được.

Dạo khắp các mạng xã hội dễ nhận thấy điều này. Một gương học sinh, sinh viên nghèo nỗ lực học tập và đạt thành tích cao vẫn có người chê bai “vậy mà giỏi gì”, “âu cũng là do hên”.

Một thí sinh hát vô cùng hay, nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của ban giám khảo cuộc thi, vẫn có ý kiến bảo “hay cái quái gì mà hay”.

Tương tự, MC Nguyên Khang cũng cho biết dường như dân mạng ngày càng mắc phải tật xấu này, họ cố gắng chê bai bất kỳ ai, chê cho hả dạ mới thôi.

Hay như các vlogger nổi tiếng như Phở Đặc Biệt, HuymeProduction cũng từng là nạn nhân trong chuyện này. HuymeProduction thẳng thắn nhận định “dân mạng thường bấm bàn phím trước và suy nghĩ sau, trước mỗi nhân vật, sự việc, đều tìm cách soi mói, vạch lá tìm sâu để bình phẩm với những lời lẽ không hay mà không nghĩ đến việc hành động ấy sẽ làm tổn thương người khác”.

Chế ảnh, ném đá hội đồng

Không thể phủ nhận chế ảnh là trào lưu hài hước, đem lại những tiếng cười, giúp xả stress. Tuy nhiên không ít thành viên lạm dụng quá mức trào lưu này mà hành động lố.

Trên các diễn đàn, mạng xã hội, không quá khó để bắt gặp những hình ảnh kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Không ít nam sinh, nữ sinh bị ghép vào ảnh những nhân vật khỏa thân, hay bị người khác cố tình ghép vào những hình ảnh tang tóc… khiến người xem bức xúc. Vì xuất hiện trên mạng nên những hình ảnh này dễ dàng lan truyền và phủ sóng khắp mọi nơi.

 

Cách đây không lâu, vì bị ghép ảnh chân dung vào tấm hình quảng cáo in ảnh cô gái mặc áo rộng cổ, một nữ sinh trường THPT Hai Bà Trưng (Thạch Thất, Hà Nội) đã uống thuốc sâu tự tử vì không chịu nổi sự trêu chọc ác ý của bạn bè.

Ngoài ra, hiện tượng "ném đá hội đồng" cũng đã và đang trở thành vấn nạn đáng báo động. Hễ ghét ai, không vừa lòng ai, dân mạng sẵn sàng đem hình ảnh bêu riếu, sau đó kêu gọi cộng đồng cùng đồng loạt thẳng tay ném đá. Họ không ngần ngại chỉ trích, xúc phạm với lời lẽ thậm tệ đến cả người thân, gia đình của nạn nhân…

Nghệ thuật “ném đá”

Trao đổi về những thói quen xấu này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn thẳng thắn cho biết đây là hiện tượng có thật. “Không hài lòng bất kỳ điều gì, không hài lòng ai, không muốn thừa nhận mà chỉ thích thích phê bình, muốn chửi đổng, muốn phê phán, muốn vạch lá tìm sâu… chính là bệnh truyền nhiễm của cái tôi. Và “bệnh” này quá dễ lây lan nên hàng loạt cá nhân đón ngay bệnh ấy vào người, ai cũng có thể mắc phải”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nói.

Ông Sơn khẳng định: “Nguyên nhân chính dẫn đến trào lưu này đó là sự không muốn chấp nhận ở người khác, không muốn thừa nhận người khác song hành cùng với sự huyễn hoặc về mình khi nghĩ mình là số một, nghĩ mình "thay trời hành đạo", "dẹp loạn thế gian" hoặc là "thần thánh hóa" một hướng đi, một cá nhân hay một "thiên đường" ở cõi nào đấy. Ngoài ra sự đố kỵ, gato (ghen ăn tức ở, theo ngôn ngữ của dân mạng thường dùng – nV), ganh ghét cũng là một phần nguyên nhân”.

“Không hài lòng với bất kỳ điều gì” sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn là khiến những người trong cuộc bị chê trách sẽ cảm thấy buồn, với những lời “chặt chém” mang tính bạo lực, những lời nhận xét vô cảm thiếu nhân văn. Hay những sự chê trách mang dáng dấp của sự vạch lá tìm sâu sẽ làm cho nạn nhân chán nản, dần dần sẽ mất đi cảm xúc, mất đi hứng thú trong công việc, qua đó tạo nên một lớp người trẻ ích kỷ, một số cá nhân thích an toàn, thiếu tính đột phá, thiếu tự tin và thiếu sức sáng tạo.

 

Còn thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Giám đốc chiến lược Trung tâm đào tạo kỹ năng sống & Chăm sóc tinh thần Viet Idea cho rằng ở Việt Nam, nhiều bạn trẻ vẫn còn vô tư tin rằng “thế giới ảo” là “ảo” nên sẽ khó thể tác động được cuộc sống thật của bản thân. Giao tiếp qua mạng không chịu sự chi phối hoặc những ràng buộc của những quy tắc ứng xử ngay trực tiếp nên rất dễ xảy tình trạng sự việc nào không vừa lòng số đông là sẽ bị “ném đá hội đồng” với những lời lẽ thiếu văn hóa hoặc những ngôn từ thiếu chuẩn mực. Điều nay vô hình trung cũng tố cáo chính chủ nhân anh hùng bàn phím về nền tảng văn hóa của chính mình.

Ông An khuyên, nếu trước một tình huống vô lý, đáng ghét, không vừa lòng, hãy nghĩ thử việc đó có liên quan trực tiếp đến bản thân hay không, hãy chủ động tìm hiểu nguyên nhân, đặt chân vào chiếc giày của người khác để hiểu vì sao họ lại hành động như vậy và từ đó, với sự đồng cảm, ta có thể đưa ra những cách ứng xử nhẹ nhàng và nhân văn. Còn ngược lại, nếu những điều đó không liên quan gì đến ta, tốt nhất không cần tự làm mệt và làm khổ mình.

“Ném đá như thế nào là một nghệ thuật và người ném đá cũng là một người nghệ sĩ. Ngôn là người, vì vậy hãy thật sự cẩn trọng với những phát ngôn của chính mình. Góp ý trên tinh thần xây dựng, cầu thị sẽ góp phần làm cho hình ảnh của bạn đẹp hơn trong mắt người khác. Hãy nên nhớ, mỗi người đều có các nhìn nhận và cảm nhận vấn đề khác nhau. Hãy chấp nhận sự khác biệt”, ông An nói.

Vì quá ngán ngẩm khi chính mình không ít lần là nạn nhân của việc ném đá hội đồng nên MC Trấn Thành từng thốt lên “tôi không thể nào dùng băng keo bịt miệng từng người được”. Anh khuyên trước khi phê phán người khác nên tự hỏi “nếu là mình thì mình có làm tốt được như họ hay không” và mong mọi người hãy nhìn vào những điểm tích cực của một vấn đề, hãy đón nhận một cách tích cực chứ đừng chê bai chỉ trích.

Xuân Phương
Ảnh minh họa: Shutterstock

>> Lệ Rơi đứng đầu Top 10 hiện tượng mạng xã hội 'hot' nhất năm 2014
>> Flappy Bird bị gỡ và ‘thói GATO’ của mạng xã hội
>> Nghệ thuật xài mạng xã hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.