Những phi công Việt Nam đầu tiên và kỷ niệm ‘chết động cơ máy bay giữa trời’

23/04/2024 16:02 GMT+7

Những lớp phi công đầu tiên của Việt Nam từ Trung đoàn Không quân vận tải 919, sau này là Đoàn bay 919, đã trưởng thành trong những năm tháng gian khổ của kháng chiến chống Mỹ, vượt qua những thử thách 'không tưởng'.

Chương trình giao lưu “Hành trình chinh phục bầu trời” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức sáng 23.4, nhằm kỷ niệm 65 năm hình thành và phát triển của Đoàn bay 919 mà tiền thân là Trung đoàn Không quân vận tải 919 (1.5.1959 - 1.5.2024).

Cựu phi công Phạm Huy Vận (phải) và cựu phi công Trần Hữu Thọ

Cựu phi công Phạm Huy Vận (phải) và cựu phi công Trần Hữu Thọ

MẠNH HƯNG

Nhớ lại những ngày gian khó, khi là lứa phi công thứ ba của Trung đoàn Không quân vận tải 919, nhưng cũng là lứa phi công đầu tiên được đào tạo hoàn toàn tại Việt Nam, ông Phạm Huy Vận, nguyên phi công, Phó đoàn trưởng Đoàn bay 919, không khỏi xúc động.

“Khi đó đang chiến tranh chống Mỹ. Các phi công lớp trước thành giáo viên dạy chúng tôi, không có giáo trình, giáo án gì ngoài kinh nghiệm 5 - 6 năm bay truyền lại cho các khóa sau. Lớp học cũng không là lớp là trường vì cả trung đoàn phải đi sơ tán. Khai giảng thì ở nhà dân, học thì ngoài đình, ngoài chùa”, cựu phi công Phạm Huy Vận chia sẻ.

Ông kể, năm 1967, Mỹ đánh Hải Phòng và Kiến An rất ác liệt, lớp học bay không bao giờ được yên ổn, đang học địch đánh lại chạy xuống hầm. Nhẽ ra lớp học bị xóa sổ khi Mỹ ném bom xuống sân bay Kiến An, cháy hết cả doanh trại, nhưng rất may học viên đều được an toàn. Ngày tốt nghiệp mới mượn được gian nhà của dân, 3 sĩ quan của trung đoàn xuống làm giám khảo.

Nhờ những ngày rèn luyện trong chiến tranh và chiến đấu, ông lái được máy bay Li2 (Lisunov) rồi TU134, sau đó được đưa sang Liên Xô đào tạo chính quy tại trung tâm huấn luyện bay.

Thời điểm đó, phi công bay dựa vào kinh nghiệm là chính, với những tình huống bất ngờ như máy bay chết động cơ giữa đám mây cũng phải bình tĩnh để xử lý. Dòng máy bay cường kích Ilyushin Il-2 của Liên Xô chế tạo không có điều hòa. Bay càng cao thì càng bị tác động bởi nhiệt độ bên ngoài, càng rét và lạnh.

“Có lúc tay chạm vào thành máy bay mà lạnh như bị điện giật. Do không có radar dẫn đường, có đám mây là mặc nhiên chui vào, khi nào thấy ánh sáng thì lại bay ra. Thậm chí, có lần chúng tôi đang bay nhìn ra ngoài thấy cánh quạt đứng yên vì lạnh quá, không nghe tiếng động cơ mới biết là động cơ bị "chết". Lúc đó, phi công xử lý bằng cách cầm vào tay ga lắc đi lắc lại một chút, động cơ sẽ chạy lại”, ông Vận chia sẻ.

Cựu phi công Trần Hữu Thọ xúc động nhớ lại những năm tháng bay chiến đấu tại chiến trường

Cựu phi công Trần Hữu Thọ xúc động nhớ lại những năm tháng bay chiến đấu tại chiến trường

MẠNH HƯNG

Cựu phi công Trần Hữu Thọ, lứa phi công thứ hai của Trung đoàn Không quân 919, năm nay đã trên 80 tuổi, nhiều lần rơi nước mắt khi nhớ lại những ngày tháng chiến đấu gian khổ mà anh hùng. Như năm 1968, khi ông cùng đồng đội xuất kích vào ném bom chi viện cho chiến trường Thừa Thiên - Huế, khi bay qua Khe Sanh (Quảng Trị), cảm thấy rất xót xa khi thấy được khung cảnh đất nước bị tàn phá.

"Trên đầu mẹ là máy bay của chúng con"

Trong tiếng động cơ vang rền, cánh quạt quay, ông Thọ xúc động nhớ đến bố mẹ khi bay qua quê nhà, trong lòng thầm nói: “Mẹ ơi, trên đầu mẹ là máy bay của chúng con, không phải máy bay địch. Giờ con đã trưởng thành, về trả thù cho bố mẹ.”

Giai đoạn năm 1965 - 1967, những phi công quân sự như ông Thọ bay suốt ngày đêm để thả dù, chi viện biên giới cho Lào, hay chi viện cho miền Nam. Có những chuyến bay thả hàng cứu trợ lũ lụt, ông phải điều khiển máy bay cách 5 - 7 m so với mặt đất và thả hàng trúng đích mà không được xa quá vì người dân không bơi ra lấy được.

“Điều vui mừng nhất trong cuộc đời phi công quân sự là thời khắc khi bay về đơn vị vào đúng dịp giao thừa và nhận được thư và lẵng hoa của Bác Hồ gửi tặng động viên,” ông Thọ nói.

Những phi công Việt Nam đầu tiên và kỷ niệm ‘chết động cơ máy bay giữa trời’- Ảnh 3.

Khách mời tham dự buổi giao lưu

MẠNH HƯNG

Năm 1993, Đoàn bay 919 chuyển sang lĩnh vực hàng không dân dụng trực thuộc Vietnam Airlines, những phi công quân sự ngày trước cũng chuyển sang và đều hoàn thành các nhiệm vụ được giao là mục tiêu phát triển kinh tế. Những phi công quân sự khi xưa nay chuyển ngành, mang màu cờ sắc áo của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam còn rất non trẻ.

Thiếu tướng Bùi Tố Việt, Phó chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, cho biết Trung đoàn không quân 919 năm xưa nay là Đoàn bay 919, nòng cốt của hàng không dân dụng Việt Nam. Đoàn bay 919 là lực lượng dự bị hùng hậu, sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, lực lượng dự bị được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao.

Ông Tô Ngọc Giang, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, Đoàn trưởng Đoàn bay 919, cho biết suốt 30 năm phát triển của Vietnam Airlines, Đoàn bay 919 luôn được đánh giá là đơn vị nòng cốt, then chốt trong các hoạt động và khai thác các dòng máy bay hiện đại nhất của Vietnam Airlines trong từng thời kỳ như A320, B777, A330, nay là B787 và A350. Đoàn bay cũng đảm nhận những chuyến bay chở khách, chuyên cơ, bảo đảm chỉ số đúng giờ cao, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.