Những nhà báo đã ngã xuống trên chiến trường Việt Nam

06/06/2005 21:57 GMT+7

Cách đây hơn 1 tháng, tại sân thượng khách sạn Rex (TP.HCM) đã diễn ra một cuộc họp mặt độc đáo: gần 90 phóng viên kỳ cựu thuộc nhiều nước đã tề tựu về đây nhân 30 năm ngày Việt Nam thống nhất, chấm dứt chiến tranh. Cuộc chiến mà tất cả họ đều đã bị cuốn vào theo từng thời điểm khác nhau nhưng đều có chung một nhiệm vụ: cung cấp thông tin. Trong hành trang của nhiều người trong số họ có một cuốn sách độc đáo - cuốn Hồi niệm (Requiem)...

Từ thời chống Pháp, Việt Nam đã là tiêu điểm để các phóng viên chiến trường được cử đến chụp ảnh, đưa tin... Rất nhiều người trong số họ đã thiệt mạng hoặc bị thương. Hai phóng viên Mỹ Tim Page và Horst Faas - cũng từng bị thương khi đang tác nghiệp tại chiến trường Việt Nam - đã thu thập các bức ảnh về chiến tranh Đông Dương của các phóng viên ảnh đã chết trong cuộc chiến tranh này bất kể quốc tịch, chính kiến của họ. Sau 4 năm, Tim Page và Horst Faas đã tập hợp được hàng ngàn bức ảnh của 135 tác giả (72 phóng viên - liệt sĩ cách mạng, 16 phóng viên Mỹ, 12 Pháp, 11 phóng viên chế độ Sài Gòn, 4 Nhật, còn lại thuộc các quốc tịch: Úc, Áo, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Singapore, Campuchia) chọn lọc ảnh rồi đưa vào bộ sưu tập mang tên Hồi niệm (Requiem) do NXB Random (Mỹ) ấn hành tháng 11/1997, sau đó đưa đi triển lãm trên khắp thế giới.

Phóng viên chiến trường Huỳnh Thanh Mỹ (AP - anh ruột Nick Ut) tử nạn năm 1965

Hồi niệm dẫn người xem đi qua 3 thập niên chiến tranh ở Đông Dương, từ những bức ảnh của Everette, Dixie Reesa (Mỹ) chụp cảnh đồng bằng sông Hồng, Campuchia, dân tộc thiểu số miền Trung Việt Nam... của Pièrre Jahan, Robert Capa chụp chiến trường Điện Biên Phủ trong thập niên 1950 đến những bức ảnh được coi là "khuôn mẫu" cho các phóng viên chiến trường của Larry Burrows (Tạp chí Life). Ngày 25/1/1963, tạp chí này đã tung ra phóng sự ảnh Du kích Việt cộng bị bắt và bị giết dài đến 14 trang do Larry Burrows thực hiện. Còn phóng sự ảnh Một chuyến đi với Yankee Papa 13 được L.Burrows thực hiện khi đi theo cuộc hành quân trực thăng vận. Bức ảnh cuối cùng của phóng sự là hình ảnh cơ trưởng James Farley gục khóc ở hậu cứ vì... Yankee Papa 13 đã sụp đổ hoàn toàn. Henri Huet (người Pháp, sinh ở Đà Lạt) cũng là một tay cự phách trong làng săn ảnh chiến trường. Những bức ảnh của ông gây ấn tượng mạnh: nét kinh hoàng của một bà mẹ và những đứa con nhìn qua khoảng trống đôi chân lính Sư đoàn kỵ binh bay số 1 đứng dạng chân (Bồng Sơn, Bình Định 1966), hoặc xác lính dù Mỹ được cột dây kéo lên máy bay trực thăng (không thể hạ cánh vì hỏa lực rất mạnh). "Lính Sư đoàn kỵ binh bay số 1 đang dẫn một binh sĩ giải phóng quân ra khỏi hầm trú ẩn. Người lính này bị thương sau khi cầm chân quân đội Mỹ suốt một tiếng đồng hồ bằng súng máy. Đại tá John Morre nói: "Nếu người lính này thuộc quân đội Mỹ, tôi sẽ đề nghị tặng huân chương cho anh ta". Đó là lời chú thích dưới một bức ảnh do phóng viên chiến trường người Nhật Kyoichi Sawada chụp tại Bồng Sơn (Bình Định), cho thấy sự tàn khốc của chiến tranh và sự chống trả kiêu hùng của những người cầm súng bảo vệ quê hương. Chính tại chiến trường Việt Nam đã đem lại vinh quang cho Sawada khi anh chụp bức ảnh Lánh nạn nổi tiếng (giải Pulitzer 1966 - Báo Thanh Niên đã giới thiệu về bức ảnh này trong số báo ngày 14/5/2005). Cuộc chiến này cũng đã cướp đi mạng sống của Sawada: anh tử nạn tại Campuchia năm 1970.

Một bức ảnh trong phóng sự Một chuyến đi với Yankee Papa 13

Ảnh của phía Mỹ và đồng minh thường tập trung ghi lại những gì con người đã phải chịu đựng trong chiến tranh cùng với những tổn thất, nỗi sợ hãi hoảng loạn ở chiến trường của "quân lực mạnh nhất thế giới". Còn ảnh của các chiến sĩ cách mạng là sự chi viện ồ ạt từ hậu phương ra mặt trận (ảnh của Hồ Ca, Bùi Đình Túy), những trận địa pháo từ Vĩnh Linh yểm hộ các cuộc tiến công ở vùng vĩ tuyến 17 (Lương Nghĩa Dũng), những cuộc công đồn diệt bót của du kích vùng Cà Mau, U Minh (Trần Bỉnh Khuôi)... Ở Hồi niệm có nhiều hình ảnh xúc động ghi lại lần chụp sau cùng của các nhà nhiếp ảnh hoặc những tấm ảnh lấy từ cuộn phim cuối cùng mà họ vừa bấm máy, rồi... ngã xuống. Charlie Chellapal đang chụp ảnh một người lính lom khom giữ khuôn mặt của một đồng đội bị thương vì giẫm phải mìn, C.Chellapal vừa bấm máy thì quả mìn thứ hai phát nổ - tất cả đều chết (Củ Chi 1966). Dickey Chapelle có lẽ là nữ phóng viên chiến trường đầu tiên trên thế giới theo thủy quân lục chiến có mặt ở Iwo Jima và Okinawa (Nhật Bản - chiến tranh thế giới lần 2). Ở Việt Nam, chị đã chụp được những bức ảnh đủ làm bằng chứng về tội ác như cảnh một lính VNCH sắp sửa hành quyết một người bị nghi là Việt cộng bằng khẩu Colt 45. Dickey Chapele bị trúng đạn ở Chu Lai (1965), chính Henri Huet đã chứng kiến và chụp được những phút hấp hối của chị khi vị linh mục tuyên úy làm những nghi thức sau cùng... Có một điều khá hy hữu: phóng viên chết đầu tiên ở Việt Nam là Robert Capa (Mỹ) - anh giẫm phải mìn ở Thái Bình ngày 25/5/1954 khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cuối còn phóng viên chết cuối cùng của giai đoạn chống Mỹ lại là một người Pháp: chị Michel Laurent tử nạn tại Xuân Lộc ngày 28/4/1975...

Hồi niệm là một câu trả lời rõ ràng, sống động và trung thực về cuộc chiến ở Việt Nam.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.