Những lọ nến thơm giống như ly kem, bánh ngọt.

25/07/2023 15:19 GMT+7

Bằng những kiến thức được học từ ngành hóa học cùng quá trình dài ham học hỏi, nhóm sinh viên của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đã cho ra đời những lọ nến thơm trông như những ly kem, bánh ngọt.

3 năm nghiên cứu và học hỏi

Bằng niềm say mê với ngành hoá học, nhóm nữ sinh viên của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, là Vũ Ngọc Mai Khanh, Lê Bảo Hân, Mai Phạm Quỳnh Giao và Võ Thị Ngọc Nhi... đã mày mò nghiên cứu về các sản phẩm nến thơm từ năm nhất đại học. Đến năm 3, nhóm này đã cho ra thị trường những ly nến thơm được bài trí bắt mắt như những ly kem, bánh ngọt.

Những lọ nến thơm trông 'ngon' mắt - Ảnh 1.

Sản phẩm nến thơm trông thật "ngon" mắt của nhóm sinh viên ngành hóa

NVCC

Mai Khanh cho biết trong vòng 3 năm, nhóm đã phải làm ra rất nhiều các mẫu nhỏ để thử nghiệm tại nhà và đi khảo sát người tiêu dùng: “Chúng mình đã đi khoảng 90 công ty cung cấp tinh dầu để xem số lượng, mẫu mã, chất lượng và giá cả. Trong quá trình điều chỉnh công thức ngoài kiến thức kinh nghiệm cá nhân chúng mình còn tham khảo tài liệu từ sách báo nước ngoài. Sau khi hoàn thành công thức cơ bản, chúng mình mới triển khai đến giai đoạn sáng tạo, khi đủ nguồn cung, các dụng cụ và công thức, chúng mình mới mang sản phẩm ra thị trường”.

Những lọ nến thơm trông 'ngon' mắt - Ảnh 2.

Ly nến thơm không khác gì một món tráng miệng

KIM NGỌC NGHIÊN

Trong thời gian đầu, nhóm sinh viên này gặp khó khăn về mặt công thức và quy trình thực hiện. Phải thử nhiều tỷ lệ khác nhau và số lượng nến hỏng cũng không ít khiến các thành viên nản chí. Ngoài ra, đại diện các công ty cung cấp nguyên liệu cũng không dành quá nhiều thời gian để trình bày, giải thích các thông tin, thông số chỉ vì nhóm này mới bắt đầu khởi nghiệp.

Những lọ nến thơm trông 'ngon' mắt - Ảnh 3.

Nến thơm trông như một ly kem

KIM NGỌC NGHIÊN

Có ưu thế khi cạnh tranh ngoài thị trường

Theo Mai Khanh nến là một sản phẩm rất dễ thực hiện, bất kỳ ai kể cả ngoài ngành hoá đều có thể tự làm vì nó chỉ bao gồm 2 nguyên liệu cơ bản là sáp và tinh dầu. Tuy nhiên, để có những điểm đặc biệt đòi hỏi sự tinh tế trong “gu” và kiến thức về khoa học làm cho nến thơm trở nên toàn diện, lột tả hết vẻ đẹp, tính chất thì người làm hoá học sẽ rõ hơn bất kỳ ai.

Những lọ nến thơm trông 'ngon' mắt - Ảnh 4.

Một hủ nến thơm có hình dạng của cây xương rồng

KIM NGỌC NGHIÊN

“Chúng mình nắm bắt được tính chất, ưu điểm và nhược điểm của từng loại sáp khác nhau để giúp đáp ứng các yêu cầu về an toàn sức khỏe, độ tỏa hương, bề mặt sáp phẳng, độ co rút của sáp sau khi đông so với cốc nến… Và chúng mình biết cách xử lý các lỗi xảy ra với từng loại sáp như thế nào, bằng cách nào, dụng cụ ra sao. Đối với nến tạo hình, chúng mình dùng các tỷ lệ và tác động vật lý khác nhau để tạo ra hình thù riêng biệt bằng cách dùng tay, khuôn hoặc máy. Đôi khi có thể thêm các chất phản ứng hoá học từ baking soda, chanh, citric acid để xây các hình tượng”, Mai Khanh nói.

Những lọ nến thơm trông 'ngon' mắt - Ảnh 5.

Nến thơm do nhóm của Mai Khanh thực hiện có mẫu mã đa dạng

KIM NGỌC NGHIÊN

Bảo Hân cho biết nhóm có lợi thế là các thầy cô trong trường giúp đỡ, hỗ trợ và làm cố vấn cho các sản phẩm trong quá trình xây dựng. Bằng việc để ý từng chi tiết nhỏ trong quá trình sản xuất kết hợp với khoa học, “gu” mùi, “gu” thời trang, Hân cho biết nến của nhóm tạo ra có sự nổi bật, chỉn chu về vẻ bề ngoài và giữ trọn vẹn các tính chất của một ly nến cần thiết. Theo cô gái này, nguyên liệu làm ra nến cũng được lọc từ quá trình khảo sát và chọn từ các nhà cung cấp uy tín, giá cả tốt so với thị trường để cạnh tranh với các nến thơm khác.

Những lọ nến thơm trông 'ngon' mắt - Ảnh 6.

Mai Khanh, Ngọc Nhi, Quỳnh Giao và Bảo Hân (từ trái sang)

NVCC

Hiện tại, các sản phẩm nến thơm của nhóm này đã được bày bán tại một gian hàng bán vào cuối tuần ở Nhà văn hóa Thanh Niên. Theo Mai Khanh mỗi ngày có thể bán ra được 45 ly nến với doanh thu từ 3,5 triệu đồng đến 4,2 triệu đồng mỗi ngày.

Những lọ nến thơm trông 'ngon' mắt - Ảnh 7.

Nhóm bạn của Mai Khanh đang trong quá trình thực hiện các hũ nến

NVCC

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Nhuận, giảng viên Khoa Hóa của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nhận xét: "Ưu điểm về sản phẩm nến là hình ảnh đa dạng, bắt mắt phù hợp với nhiều phong cách khác nhau tạo được thị hiếu khách hàng. Chất liệu nến từ sáp thực vật an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn có nhược điểm là không thể sản xuất được quy mô công nghiệp vì đòi hỏi nhiều nhân lực, sự tỉ mỉ và thời gian. Nhóm cần cải thiện bao bì đóng gói bằng các chất liệu cứng hơn”.

Ngoài ra, tiến sĩ Nhuận còn nhận xét riêng về Mai Khanh là một sinh viên rất siêng năng, ham học hỏi: “Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào bạn và có kế hoạch phát triển cùng với bạn để ứng dụng nghiên cứu khoa học từ nhà trường đến xã hội”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.