Những giáo viên bỏ tiền túi nấu cơm cho học sinh ăn để tìm con chữ

19/12/2023 16:26 GMT+7

Trong khi bữa ăn của các em học sinh Trường PTDT bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (Lào Cai) có dấu hiệu nghi ngờ bị bớt xén thì ở một nơi khác, các giáo viên Trường tiểu học xã Đăk Hà (H.Tu Mơ Rông, Kon Tum) đã bỏ tiền túi để nấu ăn cho học sinh tìm con chữ.

Ở huyện miền núi Tu Mơ Rông (Kon Tum), thứ ám ảnh nhất đối với học sinh tìm con chữ có lẽ là đèo dốc. Những con dốc lên xuống nối nhau như răng cưa là rào cản học sinh đến lớp. Để giữ chân học trò, các giáo viên ở Trường tiểu học xã Đăk Hà đã bỏ tiền túi để nấu ăn cho các em.

Giữ chân học sinh bằng bữa cơm "cô nuôi" - Ảnh 1.

Ở huyện miền núi Tu Mơ Rông, thứ ám ảnh học trò nhất có lẽ là đèo dốc

ĐỨC NHẬT

Góp tiền nuôi trò

Buổi sáng, khi học sinh đã vào lớp, bếp ăn của Trường tiểu học xã Đăk Hà lại bắt đầu thắp lửa. Để bữa cơm đúng giờ, một số giáo viên cùng nhân viên cấp dưỡng tất bật sơ chế thức ăn chuẩn bị bữa trưa cho học trò.

Sáng mùa đông, trong cái rét căm căm, cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Đăk Hà, xắn tay áo hỗ trợ mọi người cắt rửa rau củ. Cô Vân cho hay, Ty Tu là một trong 3 điểm trường có học sinh khó khăn, nhà các em cách trường khoảng 3-4 km. Học sinh tại đây muốn đến điểm trường đều phải leo qua 5 ngọn đồi.

Giữ chân học sinh bằng bữa cơm "cô nuôi" - Ảnh 2.

Giáo viên tranh thủ tiết trống để sơ chế, nấu ăn cho học sinh

ĐỨC NHẬT

Tất cả 73 học sinh lớp 1 và lớp 2 ở điểm trường Ty Tu không có chế độ bán trú, buổi sáng đi học thì buổi trưa phải về nhà ăn cơm. Trong khi đó, phụ huynh ở trên nương rẫy cả ngày, đến tối mới về nên không thể đưa đón con em đến lớp. Nhà xa quá, các em cũng lười đi học khiến chất lượng giáo dục đi xuống.

"Học sinh không thể nhịn đói buổi trưa để học xuyên chiều. Các em cũng không thể leo đồi hơn 4 km về nhà ăn cơm rồi leo ngược 4 km quay lại trường học tiếp. Trong khi đó, các em không nằm trong diện được hỗ trợ tiền ăn buổi trưa. Đó chính là gốc rễ của vấn đề", cô Vân nói.

Xem nhanh 20h ngày 19.12: Bộ GD-ĐT vào cuộc vụ học sinh thiếu ăn

Không muốn tương lai các em dừng lại trên những mỏm đồi, các giáo viên bàn nhau đóng góp tiền nấu cơm nuôi học trò. Từ năm 2021, giáo viên trong trường trích tiền túi nấu cơm trưa để các em ăn, nghỉ lại trường. Ít lâu sau, phụ huynh cũng chung tay đóng góp củi và rau củ… Dù vậy, vì kinh phí vẫn còn hạn hẹp nên bữa ăn của các em vẫn chưa được đủ đầy.

Giữ chân học sinh bằng bữa cơm "cô nuôi" - Ảnh 3.

Giáo viên chia khẩu phần ăn cho học sinh tại điểm trường

ĐỨC NHẬT

Không đành lòng nhìn các em ăn uống kham khổ, các giáo viên chia sẻ hình ảnh bữa cơm của các em lên mạng xã hội. Thời gian sau, biết được việc làm ý nghĩa của thầy cô, nhiều nhà hảo tâm từ khắp nơi tìm đến hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm… Từ đó, bữa ăn của các em mới đảm bảo dinh dưỡng hơn.

Lớp học thành nhà ăn

Suốt 3 năm nay, giáo viên nhà trường đều tranh thủ thời gian rảnh để nấu cơm cho học sinh điểm trường thôn Ty Tu. Chẳng ai bảo ai, người nào có tiết trống thì xắn tay vào sơ chế, nấu nướng. Khi cơm chín, thức ăn tươm tất, 2 thầy giáo sẽ nhận nhiệm vụ chở cơm, canh vào điểm trường chia cho trò.

Giữ chân học sinh bằng bữa cơm "cô nuôi" - Ảnh 4.

Lớp học được trưng dụng làm phòng ăn "dã chiến"

ĐỨC NHẬT

Sau tiếng trống trường, các giáo viên cũng xúm lại, mỗi người một tay chia đều khẩu phần ăn cho trò. Điểm trường không có chế độ bán trú thì làm gì có nhà ăn, thế là 3 lớp học được trưng dụng làm phòng ăn "dã chiến". Các em được xếp thành 2 hàng ngay ngắn. Khi cơm canh đã được dọn ra, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn các em vào chỗ, ngồi theo thứ tự. Bữa ăn bắt đầu bằng những cái khoanh tay mời cơm của lũ trẻ. 

Nhà A Viên Ngọc (lớp 2A5) ở thôn Ty Tu. Mẹ mất vì căn bệnh ung thư năm 2021, gánh nặng dồn lên đôi vai người cha làm nông. Chật vật lo miếng cơm manh áo cho 4 người con nên cha A Viên Ngọc chẳng có thời gian đưa đón các con đến trường.

Quãng đường đến lớp của anh em A Viên Ngọc đều dựa vào đôi chân nhỏ bé. Thế nhưng có những ngày mưa, chân mỏi… các anh, chị của Ngọc chẳng muốn đến trường. Từ ngày có bữa cơm bán trú, Ngọc và anh, chị của mình không còn vắng học, kể cả hôm mưa.

Giữ chân học sinh bằng bữa cơm "cô nuôi" - Ảnh 5.

Từ ngày ăn cơm ở trường, các em đi học đầy đủ hơn trước

ĐỨC NHẬT

Bữa cơm kết thúc, các học sinh sẽ được giáo viên sắp xếp chỗ ngủ trưa. Khi học trò đã say giấc, 4 giáo viên chủ nhiệm lại cùng nhau rửa chén đũa rồi mới bắt đầu bữa cơm của mình.

Nhiều năm trước, khi bữa ăn bán trú chưa được tổ chức, hầu như chiều nào lớp của cô Y Đá (giáo viên lớp 2A5) cũng vắng. Ba năm nay, trò ăn và nghỉ trưa tại trường nên cô Y Đá bớt vất vả trên hành trình vận động học sinh ra lớp.

Nhà ở làng Kon Ling nên mỗi trưa sau khi lo xong cho trò, cô Y Đá mới về nhà ăn cơm. 3 năm nay, ngày nào cũng vậy, bữa trưa cô lo cho trò còn con cái nhờ bà ngoại và chồng chăm sóc.

"Mình may mắn vì được bà ngoại và chồng thông cảm, chia sẻ công việc nhà. Nhờ vậy mình mới có thời gian chăm lo việc học, miếng ăn, giấc ngủ cho học trò. Nhưng mình nghĩ đơn giản rằng, các em cũng như con cháu trong nhà nên hết lòng yêu thương. Lũ trẻ học tốt thì dù khó khăn như thế nào mình cũng vui và hạnh phúc", cô Y Đá bộc bạch.

Giữ chân học sinh bằng bữa cơm "cô nuôi" - Ảnh 6.

Sau bữa cơm, giáo viên thay nhau rửa chén đũa cho học sinh

ĐỨC NHẬT

Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, thời gian qua, mô hình nấu ăn để giữ chân học trò của thầy cô Trường tiểu học Đăk Hà đã giúp học sinh đi học đầy đủ hơn, chế độ dinh dưỡng đảm bảo hơn.

"Các em ở nhà ăn uống bữa đực bữa cái, có em ăn cơm với cá khô không thì cũng không đảm bảo. Khi đến trường, các em được thầy cô chăm lo bữa ăn tốt hơn. Ngoài Trường tiểu học Đăk Hà, một số trường khác trên địa bàn huyện cũng đang triển khai hiệu quả mô hình này. Từ đó, sĩ số học sinh được giữ vững, chất lượng học tập được nâng cao", ông Mạnh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.