Những điều cần biết trước khi quyết định cắt mí làm đẹp

Bác sĩ Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt T.Ư)
Bác sĩ Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt T.Ư)
05/09/2023 08:06 GMT+7

Gần đây nhiều người quan tâm đến làm đẹp bằng cắt mí, mở góc mắt cho mắt to đẹp hơn. Bác sĩ Hoàng Cương gửi đến Thanh Niên bài viết về những lưu ý khi phẫu thuật mở góc mắt, liệu có nguy cơ hay biến chứng gì không.

Phẫu thuật cắt mí hay nhấn mí nhằm mục đích tạo nếp mí trên rõ ràng hơn, giúp mắt trông to tròn hơn. Các phương pháp can thiệp có nhiều dạng thức, từ kẹp nhấn mí đến khâu chìm, khâu tạo mí đôi sau khi đã lấy bỏ da mi thừa, mỡ thừa… Song nhiều người đã phải khóc thầm vì không thỏa mãn, không được như ý, hoặc xảy ra biến chứng.

Do đó, trước khi quyết định can thiệp, bạn cần biết những điều không mong muốn có thể xảy ra là:

Hai mắt không cân nhau. Điều oái oăm khi phẫu thuật làm đẹp ở mắt là phải đẹp cả đôi, đẹp một bên là vô nghĩa, song không phải lúc nào cũng được như vậy. Trình độ phẫu thuật viên có vấn đề, đo đạc và vẽ hình không chuẩn, có bệnh lý khác về mi đi kèm… là những yếu tố dẫn đến nguy cơ trên.

Những điều cần biết trước khi quyết định cắt mí làm đẹp - Ảnh 1.

Shutterstock

Như bất kỳ mổ xẻ nào, biến chứng của nhấn mí cũng sẽ có thể xảy ra. Đầu tiên là tai biến của thuốc tê, của việc tiêm gây tê. Tai biến trong khi mổ chủ yếu là chảy máu, đường rạch hay cắt bỏ không tương thích. Sau mổ là tụ máu, nhiễm trùng, u hạt, lộ chỉ khâu. Tất cả viễn cảnh tươi đẹp mà bác sĩ và bệnh nhân muốn có thể… vỡ tan tành.

Theo thời gian, hậu quả của tích mỡ và lão hóa da sẽ làm người sử dụng dịch vụ thấy thất vọng dần và lại phải tìm đến lần phẫu thuật khác hay phương pháp làm đẹp khác. Thường là sau 2 - 5 năm.

Với phẫu thuật mở khóe mắt thì chỉ định hạn chế hơn nhiều, có thiên hướng phục vụ những bệnh nhân có bệnh lý thực thụ ở mắt chứ không phải làm đẹp. Tuy vậy, gần đây người ta mở khóe mắt, căng lại góc mắt phía ngoài, lấy mỡ thừa mi dưới khá thoải mái và tất nhiên là bất chấp hậu quả. Các biến chứng xảy ra cũng như phẫu thuật nhấn mí ở trên nhưng còn kèm theo quặm mi dưới, hở mi, lật mi nếu sai kỹ thuật.

Trong môi trường bệnh viện, ở lĩnh vực tạo hình nhãn khoa, vốn chỉ phẫu thuật mở khóe mắt, căng mi dưới theo chiều ngang cho những bệnh nhân bị hở mi dưới hoặc lật mi dưới, di chứng của liệt dây thần kinh VII, nhão mi do tuổi già, tháo máu tụ do chấn thương.

Do đó, điều nhắn nhủ sau cùng: Nhu cầu làm đẹp của chị em là chính đáng, song cần lựa chọn thông minh, cân nhắc thiệt hơn, cẩn trọng, nên có điểm dừng vì phải hiểu rằng, không ai có thể đẹp mãi. Làm đẹp bằng mọi cách, làm đẹp đến cùng, bất chấp hậu quả về sau, sẽ rất tốn tiền và có thể hại thân, thậm chí mất mạng, như những trường hợp mà báo chí đã thông tin đầy đủ.

Ngoài ra, nếu phẫu thuật hỏng hay không ưng ý, mổ lại hay mổ sửa sai, theo kinh nghiệm của tôi sẽ là thêm một sẹo mổ nữa, đẹp hơn ít thôi nhưng đau đớn và ức chế thì nhiều hơn gấp bội. Mong mọi người có sự lựa chọn làm đẹp phù hợp, tiết kiệm và hiệu quả. 

5 HIỂU LẦM KHI CẮT MÍ

1. Làm mí to, mắt sẽ to hơn. Thực tế, làm mí mắt to chỉ phù hợp khi đôi mắt có độ mở tương ứng, hốc mắt xương lớn, cung mày và xương cung mày cao. Cấu trúc giải phẫu mắt loại này thường chỉ gặp ở chủng tộc người châu Âu, châu Mỹ, Tây Á.

2. Cắt mí mắt sâu sẽ làm mắt to hơn. Thực tế, cắt mí sâu làm mí bị co rút, gây tình trạng mắt co rút, mắt xếch hay trợn.

3. Bóc mỡ mí trên triệt để sẽ làm mắt mở to hơn. Lấy mỡ triệt để vùng mí trên sẽ làm mí trên trũng, gây tình trạng hốc mắt sâu làm mắt bị già nua, kèm theo da vùng mí sẽ bị lão hóa nhanh chóng.

4. Cắt góc mắt ngoài làm mắt to hơn. Cắt góc mắt ngoài chỉ định sai có thể làm mắt bị trễ mí, lộ lòng trắng nhiều hơn. Kết quả thẩm mỹ sẽ kém hơn so với không phẫu thuật.

5. Cắt mí được quảng cáo là tiểu phẫu đơn giản. Thực tế, đây lại là kỹ thuật khó nhất trong thẩm mỹ. Hơn nữa, kỹ thuật cắt mí đã khó 1 thì sửa mí lại khó gấp 10 lần. Do đó, muốn cắt, sửa mí đẹp, phải chọn cơ sở uy tín, được cấp phép của Sở Y tế.

Th.S-BS thẩm mỹ Trần Sinh Lục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.