Những cuộc tình éo le trong sử Việt: Anh hào, liệt nữ và kẻ gian hùng
(Chuyện tình Nguyễn Bá Loan - Trịnh Tuyết Anh)

04/07/2023 06:56 GMT+7

Trong hàng ngũ các nghĩa sĩ Cần Vương - kháng Pháp ở Quảng Ngãi cuối thế kỷ 19 đã có một mối tình đẹp và bi tráng, vừa sâu đậm ân tình vừa thấm đẫm lý tưởng của những người dám xả thân vì nghĩa lớn.

Trịnh Tuyết Anh (1870 - 1887) là con gái quan Hàn Lâm viện thị giảng - Tham tri bộ Lại Trịnh Văn Thể, người làng Quýt Lâm (nay là thôn Lâm Hạ, xã Đức Phong, H.Mộ Đức, Quảng Ngãi). Mẹ bà là nữ sĩ Nguyễn Thị Hàn Mai.

Nguyễn Bá Loan (1857 - 1908), quê ở làng Lạc Phố (nay là xã Đức Nhuận, H.Mộ Đức, Quảng Ngãi), con trai Phó bảng Nguyễn Bá Nghi (1807 - 1871) - người từng đảm nhiệm chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên. Cùng với nhiều văn thân, sĩ phu trong tỉnh, ông tham gia nghĩa hội Cần Vương từ rất sớm và trở thành một trong những thủ lĩnh nổi tiếng của phong trào Cần Vương ở miền Trung. Khi phong trào Cần Vương thất bại, ông gia nhập Hội Duy Tân, rồi tham gia lãnh đạo phong trào kháng thuế - cự sưu ở Quảng Ngãi, bị Pháp bắt và xử chém ngày 23.4.1908.

Nguyễn Thân (1854 - 1914), tự Thạch Trì, quê làng Thạch Trụ, H.Mộ Đức, Quảng Ngãi. Cha là Nguyễn Tấn (1822 - 1871), một võ quan triều Tự Đức. Nguyễn Tấn qua đời, Nguyễn Thân nối nghiệp cha mình, trở thành võ quan dưới triều vua Đồng Khánh. Khi thực dân Pháp mới đưa quân xâm lược nước ta, Nguyễn Thân tham gia nghĩa hội Cần Vương ở Quảng Ngãi, nhưng về sau ngả sang phía đối địch, đem quân đàn áp khốc liệt các phong trào kháng Pháp ở miền Trung, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng ở Hương Khê (Hà Tĩnh).

Những cuộc tình éo le trong sử Việt: Anh hào, liệt nữ và kẻ gian hùng  - Ảnh 1.

Mộ ông Nguyễn Bá Loan

LHK

Năm Nguyễn Bá Loan l8 tuổi và đang học ở kinh đô Huế, hai gia đình Nguyễn Bá Nghi - Trịnh Văn Thể đã giao ước se duyên cho ông và bà Trịnh Tuyết Anh. Sau này, khi bà Anh lớn lên, hai người đã thường xuyên thư đi, tin lại, xướng họa thơ văn, tỏ ra tâm đầu ý hợp, chờ ngày kiệu hoa lọng cưới, nên vợ nên chồng.

Thế nhưng, tình cảnh đất nước loạn ly đã kéo theo bao nhiêu oan trái của phận người. Trong khi Nguyễn Bá Loan đang theo học ở Huế, nhiều biến động xảy ra ở kinh đô cũng như nhiều nơi trên đất nước ta. Tin tức từ Huế lan về quê nhà là ông đã bị ám hại. Cùng lúc này, gia đình Nguyễn Tấn nhờ người mai mối hỏi cưới Trịnh Tuyết Anh cho Nguyễn Thân. Gia đình Trịnh Tuyết Anh đồng ý vì cho rằng Nguyễn Bá Loan đã mất, còn Nguyễn Thân đang là một võ quan trẻ tuổi của triều đình, đồng thời là thành viên của nghĩa hội Cần Vương. Nửa năm sau, khi Trịnh Tuyết Anh đã về nhà chồng, Nguyễn Bá Loan được tin mẹ ốm nặng, từ Huế về quê phụng dưỡng, mới biết sự tình.

Bóng nàng lồng lộng giữa trời mơ

Sách Nhân vật Quảng Ngãi (Lê Hồng Khánh, Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Ngãi xuất bản, 2009) cùng nhiều tài liệu, thư tịch, cho biết: Năm 1885, kinh thành Huế rơi vào tay quân Pháp, Nguyễn Bá Loan hồi hương tham gia ứng nghĩa Cần Vương, chịu trách nhiệm xây dựng lực lượng ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 13.7.1885 (2.6 năm Ất Dậu), các thủ lĩnh hương binh Quảng Ngãi kéo quân về tỉnh thành, đòi các quan lại đầu tỉnh cấp vũ khí, lương thực để chống Pháp, nhưng quyền Bố chánh Lê Duy Thụy và quyền Án sát Nguyễn Văn Dụ hèn nhát từ chối. Ngay trong đêm ấy, 3.000 hương binh theo lệnh Chánh tướng Lê Trung Đình và Phó tướng Nguyễn Tự Tân từ chiến khu Tuyền Tung (miền núi huyện Bình Sơn) và các nơi khác tập kết về tấn công tỉnh thành Quảng Ngãi.

Được sự hỗ trợ của lực lượng nội ứng, nghĩa quân nhanh chóng đánh chiếm tỉnh thành và phát động phong trào Cần Vương trong cả tỉnh. Nghĩa quân làm chủ tỉnh thành được 4 ngày thì bị Nguyễn Thân đưa lực lượng từ sơn phòng về, đánh lừa mở cửa thành, rồi bất ngờ tấn công dữ dội. Nguyễn Tự Tân hy sinh, Lê Trung Đình bị bắt và bị xử chém.

Nhận được tin Nguyễn Thân phản bội, Nguyễn Bá Loan dẫn cánh quân Mộ Đức ngược lên phía tây chiếm lĩnh sơn phòng. Khi Nguyễn Thân kéo quân bao vây, nhận thấy tình thế bất lợi, nhất là sự chênh lệch về binh lực, ông rút quân về căn cứ dự phòng, rồi đưa quân theo đường núi quay ra phía bắc hội quân với Nguyễn Tấn Kỳ tại căn cứ Tuyền Tung, nay thuộc xã Bình An, H.Bình Sơn.

Hiện nguyên hình là một kẻ bán nước cầu vinh, Nguyễn Thân đã trở thành một tay sai cho Pháp, đàn áp đẫm máu những người yêu nước ở Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam, Hà Tĩnh.

Trong tập sách biên khảo công phu Sao sáng sông Trà (Hồng Sinh, Hồng Phú, Hội VHNT Nghệ An, 1975) có viết:

Nhận ra bộ mặt thật của chồng mình, bà Trịnh Tuyết Anh vô cùng uất ức, đau khổ và không lâu sau đã có một quyết định dũng cảm, dứt tình chồng vợ, rời vòng ô trọc mà Nguyễn Thân đã cố buộc bà vào. Cải dạng nam nhi, Trịnh Tuyết Anh lấy tên là Nguyễn Khánh Lâm, trốn khỏi doanh trại Nguyễn Thân, gia nhập nghĩa binh, tham gia kháng Pháp.

Là con nhà quan, vừa được học chữ, làm thơ nhưng cũng giỏi đường gươm, mũi kiếm, bà trở thành một chiến sĩ Cần Vương dũng cảm.

Chiến đấu dưới cờ Nguyễn Bá Loan và vẫn giữ tình cảm sâu nặng với người thủ lĩnh anh hùng, nhưng Trịnh Tuyết Anh nghĩ mình là phận gái đã có chồng, còn ông đã yên bề gia thất nên bà đành ôm chặt nỗi buồn riêng và cố tình lánh mặt Nguyễn Bá Loan những khi ông tìm cách gặp bà.

Biểu hiện bên ngoài như vậy, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, hai người vẫn dành cho nhau những tình cảm nồng ấm, thiết tha, gởi gắm vào những vần thơ ái quốc.

Chung tay dẹp cảnh bất bằng

Nước nhà hưng vượng rạng danh anh hùng

(Nữ nhi sánh với anh hùng - Thơ Trịnh Tuyết Anh)

Trịnh Tuyết Anh hy sinh khoảng năm 1887 - 1888, còn Nguyễn Bá Loan hy sinh ngày 23.4.1908.

Nhiều năm sau khi Trịnh Tuyết Anh hy sinh, trên những bước đường mưu phục non sông, hình ảnh của bà vẫn thấp thoáng đi về trong thơ Nguyễn Bá Loan. Những câu thơ vừa nặng tình vì nước, vừa xót xa nỗi niềm riêng:

Thanh gươm tuyết hận rơi đầu giặc

Bóng nàng lồng lộng giữa trời mơ.

(Nỗi ngậm ngùi - Thơ Nguyễn Bá Loan) 

(còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.