Nhức nhối nạn 'đạo chích' video trên mạng xã hội

Tấn Đạt
Tấn Đạt
08/03/2023 09:00 GMT+7

Hiện nay, không ít người "re-up" video (ăn cắp video của người khác) trên mạng xã hội rồi “biến” thành sản phẩm cá nhân.

Nhiều người "re-up" video sáng tạo của người khác mà không cần xin phép, sau đó làm lại rồi đăng lên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok của mình, nhằm mục đích có lượt theo dõi cao, đặc biệt là kiếm tiền.

50c4e5eab0826ddc3493.jpg

Vô số bài đăng hướng dẫn cách ăn cắp "chất xám" của người khác

CHỤP MÀN HÌNH

Dạy cách ăn cắp video !?

Khi chúng tôi gõ từ “re-up” trên các nền tảng mạng xã hội thì có hàng tá bài đăng dạy cách ăn cắp video. Những người này hướng dẫn đủ “chiêu trò” để làm sao không vi phạm bản quyền.

Sở hữu các kênh YouTube và TikTok với nội dung chuyên review (đánh giá) phim, đá banh trong và ngoài nước, anh Ng.T.T (28 tuổi), ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM, cho hay trước đây anh có ước mơ trở thành một người sáng tạo trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc sản xuất ra một video rất cực, mất thời gian lại không có "view" (lượt xem). Trong khi đó, chỉ cần anh “re-up” lại video của người khác thì mọi thứ đã thay đổi.

Screenshot (6).png

Những video được người ta "re-up" lại

CHỤP MÀN HINH

“Mình lên mạng “xào” lại những video của người khác rồi “biến” thành sản phẩm của mình. Ví dụ, mình tải video trận bóng đá đang được mọi người quan tâm và cắt ra những clip ghi bàn hay nhất sau đó đăng lên kênh của mình. Hay mình tải những thước phim nổi tiếng về rồi lồng tiếng của mình vào, chèn thêm phụ đề…”, T kể.

Chỉ cần những "thủ thuật" đơn giản như cắt, ghép video của người khác… thì trong vòng 2 tháng các kênh của T đã sở hữu hơn 80.000 người lượt theo dõi. Mỗi tháng T kiếm được hơn 20 triệu đồng, chưa kể phí dịch vụ từ các nhãn hàng nhờ chàng trai 28 tuổi giới thiệu sản phẩm.

Cũng giống như T, cô nàng L.T.N.N (28 tuổi), quê ở Bến Tre, hay “làm lại” những video chuyên về âm nhạc trong và ngoài nước rồi đăng lên kênh TikTok của mình.

“Mình thường làm những dạng video theo chủ đề như 10 bài hát được yêu thích nhất, những idol (thần tượng) Hàn Quốc được giới trẻ quan tâm… Nội dung thì có sẵn rồi nên mình chỉ cần thêm thắt tiêu đề, cắt ghép, lồng tiếng vô thêm thôi. Thi thoảng mình còn lấy những nội dung (có vấn đề thời sự) rồi ghép với nhận định của mình về câu chuyện đó, tạo thành một video cho riêng mình”, N chia sẻ.

“Có những video mình “nấu lại” rồi đăng lên TikTok cá nhân, chưa được một ngày mà đạt hơn 50.000 lượt xem”, N nói.

Screenshot (7).png

Những chương trình thực tế được người khác cắt ghép đạt lượt xem cao

CHỤP MÀN HÌNH

Theo ghi nhận của người viết, T hay N hoặc những người chuyên “re-up” nội dung sáng tạo của người khác dù có rủi ro bị “đánh” bản quyền nhưng từ hành động này họ kiếm được một khoản tiền và đạt được nhiều lượt đăng ký, lượt xem…

“Việc “re-up” video sẵn có trên mạng giúp mình không bị áp lực bởi vấn đề nội dung sáng tạo trên mạng xã hội. Với lại, mình không cần đầu tư kinh phí, chỉ vài chục phút là tạo ra một video cho kênh mình từ nội dung của người khác”, T cho hay.

Theo anh Nguyễn Gia Khiêm (27 tuổi), chuyên viên truyền thông tại số 123 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM, cho hay hiện nay không ít các kênh YouTube, TikTok tồn tại dựa vào hình thức "re-up" các video ca nhạc, phim, hướng dẫn nấu ăn, trồng cây…

“Một số người “xào nấu” lại những video của người khác bằng các phần mềm chỉnh sửa để hạn chế bị "dính" bản quyền. Kiếm tiền trên các nền tảng mạng xã hội bằng cách “làm lại” video không hề khó, nhưng việc này đã vi phạm quyền sở hữu của người khác”, anh Khiêm cho hay.

"Nếu không xóa video của họ tôi sẽ bị... ra tòa"

Anh Trần Nhật Linh (31 tuổi), làm nhân viên văn phòng tại số 386/12 Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TP.HCM, chia sẻ năm trước anh từng kiếm tiền từ việc ăn cắp video của người khác rồi làm lại thành những sản phẩm của mình. Tuy nhiên, sau một thời gian anh đã bị chính chủ phát hiện.

“Hồi đó, tôi có kinh doanh thêm các mặt hàng về hạt giống, cây trồng. Để được mọi người quan tâm tôi còn xây dựng kênh YouTube và TikTok riêng, tuy nhiên những video về vườn cây, cách chăm sóc nông sản trong các nền tảng xã hội này là… của người khác. Theo đó, trước khi đăng tải video, tôi đã cắt hình ảnh chính chủ ra, tự lồng tiếng, thêm tiêu đề, cho người xem hiểu rằng đây là thành quả của mình, nhờ thế tôi bán được mặt hàng", chàng trai 31 tuổi.

Screenshot (9).png

Không chỉ tăng lượt tương tác, những kênh của anh Linh đều có trên 50.000 lượt theo dõi. “Tuy nhiên, tôi đã bị chính chủ nhắn tin và nói rằng nếu không xóa video của họ thì tôi sẽ bị... kiện ra tòa. Thật sự tôi rất hoang mang, hoảng sợ. Qua sự việc này, tôi đóng hết kênh. Tôi thấy mình đã có một tư duy kiếm tiền quá sai và quyết định đi học thêm về một khóa học sáng tạo nội dung truyền thông ngay sau đó", anh Linh nói.

Anh Linh chia sẻ: "Kiểu ăn cắp video trên mạng ngày nay thật sự cần lên tiếng. Nếu điều đó ăn sâu vào tư duy của người trẻ thì thật khó tưởng tượng hậu quả sẽ như thế nào. Với tôi, việc bị chính chủ nhắc nhở là một sự may mắn, như cái tát cho tôi bừng tỉnh lại".

334763243_1678752655917648_4722560597023250752_n.jpg

Kỳ Anh không ngừng sáng tạo nội dung trên mạng xã hội

NVCC

Là một người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, Nguyễn Kỳ Anh (27 tuổi), làm thiết kế nội thất ở TP.HCM, cũng có được tick xanh (xác nhận chính chủ) trên Facebook vào năm 2021 nhờ đi du lịch nhiều nơi trong 5 năm liên tục cho rằng. “Hãy tự mình lên ý tưởng nội dung, đó là cách vừa sáng tạo tư duy, cũng như cách kiếm tiền minh bạch nhất", Kỳ Anh nói.

“Mọi sự sáng tạo ra những video của người khác cần phải được tôn trọng. Đó cũng chính cách tôn trọng chính mình, đạo đức nghề nghiệp”, chàng trai 27 tuổi còn chia sẻ thêm về vấn nạn re-up video trên mạng xã hội. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.