TNO

Nhớ lắm nồi bánh tét của ba

17/02/2015 08:45 GMT+7

Sau mấy ngày tất bật sơn cổng, dọn dẹp nhà cửa, nhìn trong ngó ngoài, áng chừng mọi thứ đã gần như tươm tất, ba dõng dọc tuyên bố: “Giờ, chỉ còn mỗi việc nấu bánh tét nữa là coi như tết nhứt đã hoàn tất”.

Sau mấy ngày tất bật sơn cổng, dọn dẹp nhà cửa, nhìn trong ngó ngoài, áng chừng mọi thứ đã gần như tươm tất, ba dõng dọc tuyên bố: “Giờ, chỉ còn mỗi việc nấu bánh tét nữa là coi như tết nhứt đã hoàn tất”.

Chỉ chờ có thế, cậu em út reo lên, ba đúng là tuyệt vời. Những ngày giáp tết, trong cái nắng hanh vàng xen lẫn chút không khí se lạnh, mấy cha con chộn rộn đi kiếm củi, mượn nồi về để nấu bánh. Sau khi đã có đầy đủ “đồ nghề”, tôi cùng mẹ ra chợ.

Nhớ lắm nồi bánh tét của ba
Cả nhà quây quần gói bánh tét

Đi chợ những ngày Tết thật là thích, hàng hóa bày bán nhiều vô kể. Tuy nhiên, với tôi, những quang gánh của các mẹ, các chị ở quê vẫn có sức hút lạ thường. Trên những cái thúng tre ấy, cơ man nào là bánh nổ, kẹo ú, bánh ít lá gai, một vài nhúm rau thơm, hai ba trái dừa, một vài cặp gà, vịt bị trói chân nằm kêu quang quác. Xách giỏ lượn một vòng quanh chợ, cuối cùng hai mẹ con đã có đủ nguyên phụ liệu cho việc nấu bánh tét.

Nhớ lắm nồi bánh tét của ba

Ba học cách gói bánh từ ông nội hồi còn rất nhỏ nên tài gói bánh của ba cũng có thể được xem liệt vào hàng có… số má. Kể từ khi ông nội mất, năm nào nấu bánh tét, ba cũng trổ tài cho mấy mẹ con xem. Không những gói bánh cho gia đình, hầu như năm nào ba cũng nhận lời gói thêm cho hàng xóm vài ba đòn, vì thế mà không biết tự bao giờ, láng giềng gọi ba bằng cái tên rất dễ thương “chú Ba bánh tét”.  Bánh ba gói khi tét ra cúng luôn có màu xanh mướt, nhìn vô cùng “ngon mắt”. Vì lẽ đó, cứ mỗi độ xuân về, khi còn khoảng 2, 3 ngày nữa đến tết, mấy ông hàng xóm thường sang nhà rủ rỉ ba gói bánh tét dùm.

Nhớ lắm nồi bánh tét của ba
Thức canh lửa nồi bánh tét

Dù kinh tế khó khăn, năm nào ba cũng cố gắng nấu một nồi bánh tét cho con cháu vui. Ba nói bánh tét nấu ra trước là để cúng tiên linh, tỏ lòng thơm thảo vì bánh do mình tự tay làm ra, sau là cho con cháu ăn tết, và đặc biệt là gợi lên cái không khí đầm ấm, sum họp gia đình. Xa quê, có những năm bận rộn công việc, không về quê ăn tết được, tôi vẫn thưởng thức được món bánh tét từ bàn tay ba thông qua những người ngoài quê mang vào.

Thật lòng mà nói, ăn bánh tét ngay tại quê nhà bao giờ cũng có cảm giác ngon hơn khi ở xứ người. Lý do không phải bánh gửi vào không ngon mà chính cái cảm giác ấm lòng khi cùng gia đình tất bật nấu bánh khiến cho những đòn bánh tét ở quê trở nên đầy đặn, ý nghĩa hơn.

Nhớ lắm nồi bánh tét của ba

Lúc gói bánh là lúc gia đình chộn rộn nhất, mẹ thì vuốt nếp từ chiều để cho ráo, rồi hầm đậu xanh, còn ba-nhân vật chủ lực của tiết mục nấu bánh thì ngồi xếp bằng thong thả múc từng chén nếp cho vào lá chuối để gói, riêng tôi đảm nhận công việc cột dây lạt theo cách chỉ trước đó của ba; trong khi mấy đứa cháu không chịu yên, chạy tới chạy lui nhờ ông ngoại gói cho những chiếc bánh ú nhỏ nhắn, xinh xắn. 

Những đòn bánh tét gói xong được xếp ngay ngắn trong mâm trông rất thích mắt. Khi nước trong nồi hâm hẩm, ba cho vào một ít lá chuối xuống đáy nồi rồi xếp bánh vào, đậy nắp lại. Để bánh chín đúng thời khắc trước giao thừa độ 2,3 tiếng đồng hồ, ngay từ chiều hôm trước, công việc gói bánh phải hoàn tất.

Với nhiều người, thích nhất của khâu nấu bánh tét là việc thức khuya để canh lửa, và tiếp nước. Tiếng củi cháy lép bép, tiếng nước sôi sùng sục lúc nửa đêm gợi lên cảm giác lâng lâng đến khó tả. Thanh niên trai tráng hay đàn ông trung niên trong xóm rất khoái màn canh lửa bởi đó là cơ hội để họ tụ lại uống vài chung rượu, bù khú với nhau những chuyện vui buồn của năm sắp qua.

Nhớ lắm nồi bánh tét của ba

Trong khi, phụ nữ tận dụng những đốm lửa liếm ra bên cạnh nồi bánh để ké ấm nước sôi đổ vào phích hay nướng vài cái bánh tráng ăn cho vui miệng. Càng về khuya, không gian càng tĩnh lặng, ngồi canh nồi bánh nghe tiếng nước sôi, nhìn ánh sáng bập bùng trong đêm, lòng tôi trào dâng biết bao kỷ niệm về những ngày Tết khi còn ông bà nội, còn mấy cô, mấy chú lúc chưa lập gia đình quây quần bên nhau, khi sương đêm rơi nhẹ nhẹ trên mái tóc.

Qua một đêm nấu bánh, trời chưa sáng hẳn, mấy đứa cháu đã nhao nhao  đứng chờ ông ngoại vớt bánh ú ra. Thấy cháu gái cầm chiếc bánh ú còn nóng hổi tung tăng chạy nhảy khắp nơi khoe với chúng bạn, bà ngoại đứng ở hiên nhà nhìn ra nở nụ cười thật mãn nguyện. Đợi đến xế trưa, khi áng chừng bánh tét đã chín, ba nhanh tay vớt ra. Những chiếc bánh căng tròn, xanh mướt được ba đặt lên mâm lăn qua, lăn lại cho ráo nước rồi nhẹ nhàng lựa một hai đòn thật ngon xếp lên bàn thờ để chuẩn bị cúng ông bà.

Với tôi, dù ở nơi xứ lạ quê người, nhưng mỗi lần Tết đến xuân về vẫn mong có điều kiện về quê để cảm nhận được đầy đủ hương vị ngày xuân và hương vị của tình thân qua những lần cùng gia đình nấu bánh tét.

Nguyễn Văn Học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.