TNO

Nhờ đâu Tổng thống Obama phát biểu trơn tru, không cần nhìn giấy?

25/05/2016 17:11 GMT+7

(iHay) Obama gây ấn tượng với đông đảo người dân Việt Nam vì phát biểu trơn tru hơn nửa tiếng mà không cầm giấy để đọc. Có phải Obama phải học thuộc lòng tất cả bài phát biểu dài hàng tá trang giấy của mình?

(iHay) Tổng thống Obama gây ấn tượng mạnh với cộng đồng mạng Việt Nam vì phát biểu trôi chảy, khúc chiết hơn nửa tiếng đồng hồ trước hàng ngàn người tại Hà Nội hôm 24.5 mà không cần cầm giấy để đọc. Có phải ông Obama phải học thuộc lòng từng câu từng chữ trong cả bài phát biểu dài hàng tá trang giấy của mình? Đó là chưa kể những câu lẩy Kiều hay thơ thần Lý Thường Kiệt...

Tổng thống Mỹ Barack Obama được đánh giá rất cao về tài hùng biện, với những bài diễn văn đầy cảm hứng cùng sức lay động to lớn. Thế nhưng, ai cũng có bí mật, và dĩ nhiên, ngài Tổng thống Mỹ cũng không ngoại lệ.

Bạn đồng hành “teleprompter”
Những ngày qua, những diễn thuyết của Tổng thống Obama được cư dân mạng Việt Nam chia sẻ nhiệt liệt trên Facebook. Ngoài chuyện hay là lẽ đương nhiên, thì lời khen hầu hết đều dành cho cái sự “không cầm giấy” của ngài Tổng thống. Thế nhưng, theo tiết lộ của CBS News từ nhiều năm trước, mọi Tổng thống Mỹ cũng như nhiều nguyên thủ khác, trong đó có ngài Obama, đều sử dụng teleprompter (thiết bị phóng đại chữ trong suốt thường dùng trong truyền hình) để… nhìn và đọc theo nhằm đảm bảo nội dung được truyền tải đầy đủ, khúc chiết.
Hoạt động của thiết bị này khá đơn giản, gồm 2 mặt gương, được treo trên giá mỏng nghiêng 45 độ, thường ở hai bên trái và phải. Chữ trên màn hình sẽ hiển thị một mặt cho người đọc nhìn, thường ở font lớn từ 56 đến 72pt. Người điều khiển máy sẽ có nhiệm vụ lắng nghe và chờ diễn giả, thậm chí ngắt nghỉ chữ theo đúng nhịp thở, dừng trước khi chuyển sang dòng mới. Điểm độc đáo của chiếc máy là khán giả sẽ không nhìn thấy phần chữ soạn sẵn, và nếu khéo léo, diễn giả sẽ cho họ cảm giác đây hoàn toàn là một buổi nói chuyện tự nhiên không soạn sẵn.
Phát hiện này khiến cho nhiều người “ồ lên”, bởi hóa ra, ngài Tổng thống vẫn phải có sự trợ giúp từ công nghệ. Chưa kể đến rằng, ông rất hay sử dụng thiết bị này, dù cho đó chỉ là một buổi diễn thuyết ở trường học hay giao lưu ngắn ngủi. Thế nhưng, theo nhà báo Mark Knoller, lý do ngài Obama rất thích sử dụng teleprompter chỉ xoay quanh chuyện: ông rất giỏi việc “diễn như không diễn” khi hùng biện trước đám đông với chiếc máy. Cách này cũng cho phép ông có được sự “giao tiếp bằng mắt” với người đối diện nhờ ưu điểm trong suốt của teleprompter và điều này tạo được thiện cảm nơi công chúng như điều mà ông làm được ở Việt Nam những ngày vừa qua.
 Màn hình trong suốt của teleprompter giúp Tổng thống Obama có thể giao tiếp bằng ánh mắt với người nghe
“Cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan cũng rất ưa thích teleprompter và rõ ràng là nhìn máy tiện hơn rất nhiều chuyện nhìn lên cúi xuống đọc giấy. Nhưng ngài George W. Bush thì không như vậy, trông ông rất luống cuống và bị động”, tác giả Mark Knoller nêu trong bài viết của mình.
Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình vẫn cho rằng những chính trị gia nào “lệ thuộc teleprompter thì đa phần là diễn thật (chứ không phải diễn giả), thậm chí chẳng xứng là người lãnh đạo. Joe Lockhart, thư ký của Clinton trong Nhà Trắng cho rằng, những khi cần tuyên bố chính xác, teleprompter vô cùng hữu ích. Nhưng khi muốn nói một cách thuyết phục hơn thì nó lại là yếu tố hạn chế. Hiện tại, ông Obama cũng đã được “khen” là bớt hẳn sự lạm dụng thiết bị để đọc, và phát huy hơn thế mạnh hùng biện của một cựu sinh viên luật trường Harvard.
Những “vũ khí” khác
Bên cạnh chuyện thiết bị, có rất nhiều lý do liên quan đến thực tài và nhân cách để làm nên tên tuổi của vị Tổng thống nổi tiếng trên bục thuyết giảng. Trang blog tên Benjaminloh đã phân tích rằng, một trong những lý do đó là sự khiêm tốn, khiếu hài hước và khả năng chinh phục cả những… phe đối lập của ông. Một phát hiện khác là khả năng sử dụng linh hoạt những cấu trúc ngữ pháp của Tổng thống, như phép lặp, phép ẩn dụ với sự thắt mở, cao trào luôn hấp dẫn người nghe và tạo thành phong cách diễn thuyết riêng biệt.
Ngoài ra, việc thể hiện tình yêu cũng như sự tôn trọng của ông dành cho đệ nhất phu nhân Michelle cùng hai cô con gái rượu cũng khiến những phần phát biểu của Tổng thống Obama trở nên vô cùng gần gũi. Những chủ đề Tổng thống chọn cũng rất nhân văn, gần gũi nhưng tất cả đều đi đến một mẫu số chung là lợi ích của cộng đồng, quốc gia chứ không phải cá nhân.
Theo bài phỏng vấn của trang Scholastic với các nhân vật phụ trách soạn thảo diễn văn tranh cử, phát biểu cho nhiều Tổng thống cũng như quan chức Nhà Trắng thì điều làm nên bài diễn văn tốt gồm đi nhanh vào chủ đề chính, không lan man. Bên cạnh chuyện sử dụng “văn nói”, dễ đọc, dễ hiểu, bài diễn văn cũng nên có vài điểm hài hước, chuyện vui để người nghe thư giãn.
“Bạn cũng phải “tranh thủ” sự đồng cảm của người nghe, để họ thấy mình trong đó, dù bạn đang nói về vấn đề của bạn. Và quan trọng hơn hết, chính là phải chinh phục người nghe từ phần mở đầu”, bài viết nhấn mạnh.
Ắt hẳn đó cũng là lý do tại sao ngài Obama lại mở màn diễn thuyết của mình bằng câu tiếng Việt: “Xin chào, xin chào Việt Nam!”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.