Xây kho cho nông dân… gởi lúa

13/12/2012 08:54 GMT+7

Mới đây, Tổng công ty lương thực miền Nam (VINAFOOD II) khởi công xây dựng chợ chuyên doanh lúa gạo Thốt Nốt (Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), với “hứa hẹn” sẽ dành một phần kho dự trữ để nông dân ký gởi lúa, khiến câu chuyện trữ lúa sao cho có lợi nhất cho nông dân lại “nóng” lên.

Chợ tọa lạc trên diện tích hơn 21,5 ha với tổng kinh phí gần 813 tỉ đồng.  Giai  đoạn 1, công trình sẽ xây dựng trên diện tích hơn 10 ha, gồm 5 kho với tổng diện tích kho hơn 35.000 m2, sân phơi lúa gần 11.000 m2 cùng toàn bộ dây chuyền, thiết bị chế biến lúa gạo và các hệ thống hạ tầng… dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm nay.

Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục triển khai các hệ thống kho dự trữ, bảo quản trên phần diện tích đất còn lại và hoàn tất vào cuối năm 2013. Khi đó, lượng lúa gạo giao dịch thông qua chợ khoảng 375.000 tấn/năm và khi công trình xây dựng hoàn thành sẽ đưa hệ thống kho dự trữ bảo quản với diện tích gần 75.000 m2; trong đó, dành 30% diện tích kho dự trữ cho nông dân ký gởi lúa. “Mục tiêu là thiết lập một trung tâm tồn trữ lúa gạo, kết hợp chợ chuyên doanh lúa gạo để người mua, người bán, người sản xuất, các nhà cung ứng dịch vụ nông nghiệp giao dịch dự trữ, chế biến và xuất khẩu gạo với khối lượng lớn một cách tốt nhất và sao cho nông dân có lợi nhất”, ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó tổng giám đốc VINAFOOD II, cho biết. 

Nông dân H.Châu Phú  
Nông dân H.Châu Phú (An Giang) phơi lúa rồi bán ngay tại chỗ vì không có nơi chứa lúa.

Hiện Bộ NN-PTNT đang xúc tiến lấy ý kiến về quy chế tạm trữ lúa gạo nhằm hỗ trợ trực tiếp cho hộ nông dân trồng lúa, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau, như: hỗ trợ nông dân trữ lúa tại nhà hay gởi vào kho của doanh nghiệp; giao chỉ tiêu tạm trữ lúa gạo cho các địa phương…

Song, đa số các ý kiến cho rằng, nên công bố kế hoạch mua tạm trữ lúa gạo ngay đầu vụ, tránh để nông dân thiệt thòi như hiện nay. “Cần mau chóng xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kho có tổng sức chứa 4 triệu tấn tại ĐBSCL để giúp bà con nông dân trong khu vực trữ lúa. Có nơi trữ lúa an toàn, bà con nông dân mới có thể quyết định thời điểm bán lúa thích hợp, không bán ồ ạt ngay sau khi thu hoạch để tránh bị thương lái ép giá như thời gian qua. Đó là mong mỏi lớn nhất của bà con nông dân nơi đây”, một lãnh đạo ngành nông nghiệp ở ĐBSCL, cho biết.

  Cao Phong – Đình Tuyển

>> Không cấp bổ sung quy hoạch kho lúa, gạo
>> Khi lúa gạo nằm trong danh mục sản phẩm quốc gia
>> Tạm trữ lúa gạo: Để nông dân và doanh nghiệp cùng có lợi
>> Giá lúa gạo nhích lên nhờ mua tạm trữ
>> Đề xuất tiếp tục mua tạm trữ lúa gạo hè thu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.