Vượt lên số phận

23/12/2013 09:41 GMT+7

Tấm gương vượt lên tật nguyền, làm kinh tế giỏi của anh Hứa Ngọc Thuận (41 tuổi, ngụ ấp Nguyễn Tấn Thêm, xã Bàn Tân Định, H.Giồng Riềng, Kiên Giang) khiến nhiều người cảm phục.

 Vượt lên số phận
Dù đôi tay không lành lặn, anh Thuận vẫn có thể tự lên liếp trồng rau - Ảnh: Hồng Cúc

Tự mình lập nghiệp

Vừa cất tiếng khóc chào đời, anh Thuận đã không có đôi tay bình thường như bao người khác. Hai cánh tay của anh bị cụt đến gần khuỷu. Để có thể cắp sách đến trường, Thuận đã phải cố gắng gấp trăm lần chúng bạn. Hơn tháng trời rèn luyện, anh mới viết được con chữ đầu tiên bằng cách kẹp viết giữa hai ống xương tay. Đó là dấu ấn khó quên và cũng là niềm tin giúp Thuận vơi đi mặc cảm, quyết tâm vươn lên làm chủ cuộc đời. Hết cấp 2, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Thuận không thể ra huyện học tiếp trung học phổ thông, đành nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình.

 
Tôi khuyên con trai mình học anh Thuận trồng lúa, làm rẫy nên giờ nó đã thoát nghèo, các cháu được đi học, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ
 Ông Danh Ke

Năm 2000, một cô gái cùng quê đã đồng cảm và tiến tới hôn nhân với anh. Sau đám cưới, anh chị được cha mẹ cho 6 công ruộng tại kênh Ông Cớ để làm ăn. Ý thức được vai trò trụ cột trong gia đình, anh Thuận muốn tự tay làm tất cả công việc, nhất quyết không trông chờ vào ai, kể cả cha mẹ mình.

Nhìn anh “cầm” cây leng bằng hai cánh tay không lành lặn làm cỏ, xúc đất lên dòng trồng rau, đeo bình thuốc xịt sâu, quẩy thùng tưới nước… mà nhiều người nể phục. Bất ngờ hơn, khi công việc đang dở dang thì hết phân bón, anh Thuận tự lái vỏ lãi ra chợ mua phân. Anh chia sẻ: “Có những việc người khác làm được thì mình cũng phải cố gắng làm cho được. Cái gì do mình nỗ lực, quyết tâm mới thành công, nếu chán nản sẽ rất dễ buông xuôi”.

Nông dân sản xuất giỏi

Qua nhiều năm làm ruộng, nhận thấy cây màu cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa nên anh Thuận quyết định cải tạo 3.000 m2 đất trồng chuyên canh dưa leo và khổ qua. Tận dụng thêm 1.000 m2 đất bờ bao, anh lên liếp trồng các loại cải để có nguồn thu nhập thường xuyên và tăng độ màu mỡ cho đất. Nhẩm tính lợi nhuận từ trồng màu, mỗi năm anh Thuận thu về không dưới 100 triệu đồng. Ngoài 6 công đất, anh còn thuê thêm 12 công ruộng, mỗi năm sản xuất 2 vụ lúa cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Nhờ mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật từ các lớp tập huấn và báo, đài, đến nay anh Thuận đã xổ phèn thành công, cải tạo mảnh đất cằn cỗi thành vùng sản xuất năng suất cao.

Nhận thấy mô hình trồng lúa - màu của anh Thuận đạt hiệu quả kinh tế cao, hàng chục hộ nghèo trong ấp đã làm theo và bước đầu có nguồn thu nhập ổn định. Nghị lực vượt khó của anh còn được người dân nơi đây lấy làm bài học để giáo dục con cháu. “Tôi khuyên con trai mình học anh Thuận trồng lúa, làm rẫy nên giờ nó đã thoát nghèo, các cháu được đi học, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ”, ông Danh Ke (78 tuổi, ngụ cùng ấp) nói. Trước đây, gia đình anh Danh Ngây rất khó khăn do ít đất sản xuất. Được anh Thuận hướng dẫn cách làm ăn, anh Ngây tận dụng đất bờ bao quanh nhà trồng các loại cải, thu nhập đã khá hơn so với trước.

Tấm gương vượt lên số phận, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả của anh Thuận là bằng chứng sinh động cho phong trào thi đua sản xuất, xóa đói giảm nghèo của nông dân xã Bàn Tân Định. Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó bí thư Đảng ủy xã Bàn Tân Định, cho biết: “Khi anh Thuận lên kênh Ông Cớ lập nghiệp thì nơi đây mới chỉ có 3 nhà. Đến nay đã có khoảng 10 hộ trong ấp lên đây trồng trọt theo mô hình của anh. Xã cũng thường nêu gương sản xuất giỏi của anh trong các cuộc họp để mọi người noi theo”.

Hồng Cúc

>> Nơi nông dân cùng làm giàu
>> TP.HCM đưa nông dân đi học tập ở nước ngoài
>> Hội thi cán bộ nông dân cơ sở giỏi
>> Đặt hàng cho nông dân...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.