Văn hóa giao thông: Bất chấp đèn đỏ!

13/10/2014 11:19 GMT+7

Vượt đèn đỏ đã trở thành một thói quen quá phổ biến ở Hà Nội và nhiều địa phương khác, hậu quả là những tai nạn khó lường.

Fanpage cam kết “Tôi không vượt đèn đỏ” được thành lập trên mạng xã hội Facebook - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Fanpage cam kết “Tôi không vượt đèn đỏ” được thành lập trên mạng xã hội Facebook
- Ảnh: Nguyễn Tuấn
 

Chuyện xảy ra cách đây vài ngày tại ngã tư Cầu Giấy - Hồ Tùng Mậu (Cầu vượt Mai Dịch, Q.Cầu Giấy, Hà Nội): một người bán rau cố vượt qua ngã tư khi đèn xanh đã chuyển vàng. Kết quả, dòng xe máy, ô tô từ phía đường Phạm Hùng ào tới, làm chiếc xe đạp cùng cả sọt rau quả đổ xuống lòng đường. May mà chị bán rau chỉ bị thương nhẹ.

Ở Hà Nội, dường như việc vượt đèn đỏ đã trở thành một thói quen phổ biến của nhiều người, kể cả người có tuổi. Bất cứ ở khu vực ngã ba, ngã tư nào có tín hiệu đèn giao thông là nơi đó có người vượt đèn đỏ. Nhiều thương vong đã xảy ra vì nạn nhân (và thủ phạm) vượt đèn đỏ.

Chỉ 20 phút ngồi tại khu ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Cầu Giấy - Xuân Thủy, có thể chứng kiến hàng trăm trường hợp vượt đèn đỏ. Đây là ngã tư có mật độ người tham gia giao thông lớn nên khi có đèn đỏ, rất nhiều người vẫn vượt lên, đa phần là nam giới ở tuổi thanh niên và trung niên.

Không chỉ vượt đèn đỏ, thói xấu của nhiều người tham gia giao thông là lấn hết làn cho các phương tiện được rẽ phải. “Nhưng người điều khiển các phương tiện này cũng chẳng “vừa”, họ lập tức bấm còi xe máy, ô tô đinh tai nhức óc để “đòi đường”. Tôi bán hàng ở đây đã lâu, thấy cảnh hỗn độn này hàng ngày, và hình như càng ngày càng lộn xộn hơn”, chị Hằng, chủ một hàng hoa gần ngã tư cho biết.

Tiếp tục đến ngã tư Trần Duy Hưng - Phạm Hùng, chỉ chừng 30 phút, PV chứng kiến tới hơn 120 ô tô, xe máy, xe đạp vượt đèn đỏ. Bà Vân, người bán trà đá ở đây khi được hỏi còn buồn rầu nói: “Thanh niên, học sinh thì đã hẳn, đôi khi tôi còn thấy cả xe biển xanh vượt đèn đỏ”.

Bà Vân cho biết, mới đây, tại ngã tư này đã một xảy ra vụ va chạm khiến một nam thanh niên bị gãy chân, một phụ nữ có thai 7 tháng bị thương nặng. Tai nạn xảy ra khi nam thanh niên này đi một xe mô tô đến ngã tư khi đèn đỏ vẫn còn khoảng 15 giây nữa. Tuy nhiên, anh này vẫn cố vượt lên và tông vào một xe máy đi từ hướng Nguyễn Xiển về Phạm Hùng. Tai nạn khiến nam thanh niên tự ngã xuống đường và bị chiếc xe cồng kềnh đè gãy chân, trong khi nạn nhân của anh ta là một phụ nữ đang mang thai phải lập tức đến bệnh viện phụ sản cấp cứu vì sợ ảnh hưởng đến thai sản sau cú ngã chí mạng. “Đây là một bài học quý cho những ai thiếu ý thức, coi khinh các tín hiệu giao thông”, bà Vân nói.

Thói quen vượt đèn đỏ phổ biến tới mức trở thành sở thích của nhiều người. Thậm chí, trên  mạng internet, diễn đàn xã hội còn có nhiều hội nhóm những người có chung sở thích vượt đèn đỏ. Nhiều cá nhân biết việc mình làm là vi phạm luật giao thông nhưng cho biết “vẫn làm vì đó là sở thích”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, vượt đèn đỏ ở Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, là do người tham gia giao thông vội vã, gấp gáp về mặt thời gian do công việc chi phối thật. Thứ hai, do tâm lý thích thể hiện, đặc biệt là lứa thanh niên muốn vượt đèn đỏ để khẳng định cá tính mạnh không sợ ai của mình. Thứ ba, là do thói quen vô ý thức, vô kỷ luật của người Việt trong nhiều hoạt động cộng đồng.

Nguyễn Tuấn

>> Vượt đèn đỏ, bỏ tương lai
>> Vượt đèn đỏ có thể phải đứng tại chỗ
>> Vượt đèn đỏ gặp nạn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.