Trong vòng xoáy titan: Tan hoang vùng cát Quảng Trị

16/01/2015 10:39 GMT+7

Quảng Trị trong hơn chục năm lại đây thường 'ồn ào' vì các dự án khai thác titan. Thứ khoáng sản ấy đủ sức mạnh để tạo nên những 'cơn lốc' hoang tàn ở vùng quê.

Quảng Trị trong hơn chục năm lại đây thường “ồn ào” vì các dự án khai thác titan. Thứ khoáng sản ấy đủ sức mạnh để tạo nên những “cơn lốc” hoang tàn ở vùng quê.

Trong vòng xoáy titan: Tan hoang vùng cát Quảng TrịCông ty TNHH Hoàng Khang khai thác titan trên đất xây dựng cụm công nghiệp Đông Gio Linh - Ảnh: Nguyễn Phúc
Trong quá trình thực hiện loạt bài này, người viết đã đặt chân đến những vùng quê đang có sự hiện diện của những giàn máy hút titan khổng lồ cắm sâu xuống bãi cát mênh mông.
Những cú “ăn đêm”
Khác với các dự án sản xuất kinh tế giúp thúc đẩy sự phát triển của vùng cát, các dự án khai thác titan thường không mấy khi êm xuôi mà ngay từ đầu đã rất “ẫm ĩ”. Quan hệ giữa đơn vị khai thác với chính quyền cơ sở và người dân địa phương cũng thường không mấy mặn mòi, nếu không muốn nói là như “sừng với mỏ”.
Đầu tiên, không thể không nhắc đến “cú lừa” ngoạn mục của Công ty TNHH Hoàng Khang dành cho... UBND tỉnh Quảng Trị. Cuối năm 2011, tỉnh này thành lập cụm công nghiệp Đông Gio Linh (xã Gio Việt, H.Gio Linh), giao cho công ty trên làm chủ đầu tư đồng thời là đơn vị thi công. Nhưng sau khi được giao đất, thay vì xây dựng cụm công nghiệp thì công ty này đã xây tường rào tôn bao quanh để khai thác titan, làm người dân địa phương và dư luận hết sức bức xúc. Phải đến khi đoàn giám sát HĐND tỉnh “ra tay” thì vụ việc mới bị phanh phui. Dù vậy, sau sai phạm, Công ty TNHH Hoàng Khang vẫn “bình yên vô sự”. Cho đến cuối tháng 12.2014, vì quá bức xúc trước sự nhởn nhơ của công ty, ông Trần Ngọc Lân, Chủ tịch UBND H.Gio Linh mới “mạnh dạn” ký văn bản đề xuất HĐND, UBND tỉnh Quảng Trị và các ngành liên quan đề nghị thu hồi 50 ha đất mà tỉnh đã cấp trước đó cho Công ty TNHH Hoàng Khang. Lý do đề nghị thu hồi là do công ty này đã không chấp hành các quy định của pháp luật, triển khai hạng mục công trình quá chậm, có dấu hiệu cầm chừng, chiếu lệ... Hiện, đề xuất này vẫn chưa có hồi âm. Chưa hết, dù làm ăn kiểu “cà rỡn” như trên nhưng hiện Công ty Hoàng Khang vẫn “tự tin” xin đất để xây dựng Nhà máy khai thác chế biến cát công suất 300.000 tấn/năm và sản xuất bao bì thủy tinh công suất 180.000 sản phẩm/năm tại H.Vĩnh Linh và đã được UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý về mặt chủ trương vào ngày 31.12.2014 (?).
Tương tự, thời điểm 2012, nhân việc UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý cho phép thực hiện dự án “Nạo vét lòng hồ Trạng Đìa (xã Gio Mỹ, H.Gio Linh)”, HTX Cẩm Phổ đã “phối hợp” với Công ty CP khoáng sản Thanh Tâm âm thầm khai thác titan trong mấy tháng trời. Một vụ việc khác cũng không kém phần... hấp dẫn là vụ khai thác “cố” của Công ty khoáng sản Quảng Trị. Cụ thể, tháng 9.2013, đoàn liên ngành của tỉnh Quảng Trị kiểm tra đột xuất việc khai thác titan của công ty này tại thôn Đông Luật (xã Vĩnh Thái, H.Vĩnh Linh). Qua kiểm tra thực tế và hồ sơ, đoàn nhận thấy việc khai thác là sai phạm bởi công ty này được Bộ Công nghiệp (cũ) cấp giấy phép khai thác khoáng sản titan trên diện tích 66,3ha thuộc địa bàn xã Vĩnh Thái trong thời hạn 14 năm. Đến ngày 26.10.2012 giấy phép đã hết hạn. Bên cạnh đó, ngày 16.9.2012 thời hạn thuê đất cũng đã hết nhưng gần ba tháng trước thời điểm bị phát hiện công ty vẫn tiếp tục khai thác khoáng sản trái phép, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và dư luận không tốt trong nhân dân.
Tàn phá môi trường
Tại những điểm mỏ được cấp phép khai thác do những đơn vị có quyền khai thác thì câu hỏi “làm hay phá” đối với các dự án khai thác ti tan vẫn chưa có câu trả lời. Nếu có mặt tại những vùng cát đã và đang bị các giàn máy lọc hút titan quần thảo thì mối hồ nghi về một tương lai không mấy đẹp đẽ cho nơi đây càng rõ hơn.
Đó là vùng cát của các thôn Đông Luật, Thử Luật (xã Vĩnh Thái). Sau mười mấy năm bị các dự án khai thác titan “xâu xé”, những bãi cát cằn khô nơi đây như càng bị rút hết sức sống. Những mầm cây mỏng manh cũng bị đánh tan và chỉ để lại những trảng cát trống trơn, nhấp nhổm. Ông Nguyễn Sơn, ở thôn Đông Luật tiếc rẻ rằng giờ không thể tìm ra những rặng dương cổ thụ, trước đây có nhiệm vụ chắn cát, chắn gió cho làng nữa. “Khai thác titan tiền vào tay ai không rõ nhưng đất làng ngày mỗi xác xơ...”, ông Sơn chua chát một cách ngắn gọn. Ông Sơn nói không sai, bởi Vĩnh Thái là địa phương bị “lốc” titan quét qua sớm nhất ở Quảng Trị (năm 1995) và vào thời kỳ “hưng thịnh”, Vĩnh Thái thu hút tới 4 công ty vào khai thác titan và xã vùng biển này từng ngổn ngang như những bãi chiến trường.
Công tác “hoàn thổ” luôn là công đoạn kém cỏi nhất của hầu hết các công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác titan. Thường thì những trảng cát sau khi được đào bới, nhào nặn đã không được trả về nguyên dạng ban đầu. Tại thôn An Mỹ và Nhĩ Thượng (xã Gio Mỹ, H.Gio Linh), dù đơn vị khai thác titan ở đây đã cố trồng keo lai một cách dày đặc ở khu vực đã khai thác xong nhưng phần vì cây lần lượt chết, phần vì đất cằn nên hiệu quả không cao. Cũng tại xã Gio Mỹ, người dân địa phương tin rằng, chính sự xuất hiện của những cỗ máy khổng lồ khai thác titan chính là nguyên nhân dẫn đến môi trường tại đây ngày càng ô nhiễm và nguồn nước nhiễm phèn nghiêm trọng, trong khi mạch nước ngầm cũng cạn kiệt. “Những hậu quả của việc khai thác titan bừa bãi, tràn lan không thể thấy trong ngày một ngày hai. Có thể đời chúng tôi chưa can gì nhưng đời cháu đời con sẽ nếm đòn...”, ông Dương Bá Văn, Trưởng thôn An Mỹ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.