Trong nhà không có đàn ông: Đàn bà dễ có mấy tay...

24/03/2014 09:15 GMT+7

Tại Thừa Thiên-Huế hiện có hàng ngàn hộ phụ nữ đơn thân vượt qua hoàn cảnh éo le để vươn lên, nuôi con cháu học hành tử tế. Chỉ riêng H.Phú Lộc và TX Hương Trà số phụ nữ đơn thân đã tới trên 1.200 hộ. Thanh Niên đã chọn, cùng chia sẻ những câu chuyện vượt khó của họ.

Trong nhà không có đàn ông: Đàn bà dễ có mấy tay...

Bữa cơm đạm bạc của ba mẹ con chị Huỳnh Thị Phượng trong ngôi nhà mới xây - Ảnh: Đình Toàn

“Có chồng hờ hững cũng như không”

Ông cha ta có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, thế nhưng với những người phụ nữ sống đơn thân thì họ phải làm cả hai. Trường hợp của chị Huỳnh Thị Phượng (40 tuổi, ở thôn Phước Hưng, xã Lộc Thuỷ, H.Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) là một ví dụ. Phượng là người con gái đoan trang sinh ra ở Bãi Đáp - vùng đất mặt hướng ra đồng, lưng tựa vào núi của xã Lộc Thuỷ (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế). Nhà đông anh chị em, Phượng nghỉ học sớm. Như nhiều cô gái quê khác, chị lập gia đình ở tuổi 24. Ng.V.Ph. chồng Phượng là con một trong ở làng Phước Hưng, xã Lộc Thủy. Ph. là thanh niên hiền lành, có nghề hớt tóc nên cuộc sống vợ chồng cũng đạm bạc qua ngày.

Hơn năm sau cưới nhau, họ có đứa con trai đầu lòng tên N.V.Linh (nay học lớp 9). Khi cu Linh 2 tuổi thì Ph. sang Lào hành nghề hớt tóc. Ph. đi đi về về mỗi năm vài lần. Do tuổi cao sức yếu, bố mẹ Ph. lần lượt về với tổ tiên, để lại mẹ con chị sống trong ngôi nhà xưa cũ vốn đã rệu rã. Khi bố mẹ mất, Ph. quay về lo hậu sự, rồi lại đi. Cám cảnh vắng chồng, thiếu hụt tình yêu thương, chị Phượng quyết định bồng con sang Lào sống gần chồng. Được một thời gian, công việc chông chênh, vợ chồng lục đục, chị Phượng đưa con trở lại làng Phước Hưng sinh sống. Ph. làm ăn ở Lào nhưng tiếp tục đi đi về về thăm nhà và rồi họ có thêm với nhau một cu cậu khấu khỉnh, đặt tên là N.V.Lâm (năm nay học lớp 3). Ph. lại sang Lào để lại gia đình chẳng khác nào “mẹ goá con côi”. “Mỗi khi về nước Ph. đều gây gỗ với vợ, thậm chí chén vỡ bát bay”, anh H., hàng xóm chị Phượng cám cảnh.

Một lần năm 2009, Ph. về thăm nhà, vợ chồng lại lục đục. Chị Ph. nói lẫy “thôi ly dị”, Ph. đáp trả: “Viết đơn mau tau kí”. Lần ấy chị viết đơn thật, rồi họ ra toà ly dị chóng vánh. Kể từ năm đó Ph. đi biền biệt...

Đáng mặt “anh hào”

Sau khi ly dị, chị Phượng hì hục lao động, việc nặng nhọc chi chị cũng không từ. Chị nói niềm vui và niềm tin của chị là ở hai đứa con trai. Có lần khi lên núi chặt cây, bóc vỏ tràm thuê chị Phượng bị tai nạn suýt đứt gân phải đi bệnh viện chữa trị gần cả tháng trời. Đận ấy ba mẹ con toàn ăn cơm với mắm muối. Hai anh em Linh, Lâm lớn dần trong trong tình yêu thương của mẹ. Linh mấy năm liền đạt học sinh tiên tiến. Lâm thì còn nhỏ nhưng mẹ bảo gì cũng nghe. Từng mùa đông, những đợt gió bão đi qua trong nỗi sợ hãi của anh em Linh khi trú ngụ trong ngôi nhà của ông bà nội để lại mà cột kèo có thể rơi rụng bất cứ lúc nào. Một đêm đông giá rét cách nay gần 8 năm, tiếng gió rít, mưa gào, tiếng cánh cửa va đập, cột nhà lung lay kêu ken két làm cu Linh tỉnh giấc. Nó ôm bụng mẹ, hỏi: “Nhà có sập không mẹ?”. Đêm đó chị ôm hai đứa con, một đứa bằng xương bằng thịt, một đứa đang nằm trong bụng, rồi úp mặt vào phên nhà thút thít. Sau đêm đó chị Phượng nghĩ đến chuyện “làm nhà” – cái từ với chị nghe sao mà xa xỉ. Rồi chị làm thiệt. “Mỗi lần đi làm về tôi đều rinh một cái đòn tay hay cây rui, mè. Khi ngoài sân chất lên thành đống cô bác hàng xóm hỏi gom gỗ làm chi rứa Phượng. Tui cười mà chẳng dám nói thêm chi”, chị kể. Hay tin chị quyết chí làm nhà, chị Trần Thị Hiền, Chủ tịch Hội phụ nữ xã đến viếng thăm, tìm hiểu. Chị Hiền quyết định cho chị Phượng vay ưu đãi 30 triệu đồng từ quỹ giúp phụ nữ nghèo của hội. Thông qua Hội LHPN Thừa Thiên-Huế, quỹ giúp phụ nữ nghèo của hãng bột ngọt Ajinomoto hỗ trợ thêm 30 triệu đồng.

Cuối năm 2012, một ngôi nhà cấp 4 kiên cố được dựng lên sau nhiều tháng chị miệt mài chắp vá như con vò võ tha đất làm tổ. “Trong khi phụ xây nhà một cái kèo rơi xuống trúng đầu khiến tui bất tỉnh. Tưởng chết, nhưng khi tỉnh dậy thấy thằng Lâm, thằng Linh ngồi bên cạnh cầm tay mình ở bệnh viện, tui mừng quá trời”, chị Phượng nhớ lại. Nhà tạm xong thì việc đầu tiên chị Phượng làm là chuyển lư hương của bố mẹ chồng từ nhà cũ sang nhà mới để an vị, thờ phụng và rước thầy về làm lễ. “Mười mấy năm rồi kể từ khi anh ấy qua Lào làm ăn thì việc cúng kỵ cho ông bà nội mấy đứa tui đều lo chứ không bỏ. Có tiền thì tui làm nhiều món, ít tiền thì làm con cá chén cơm gọi là tưởng niệm. Một ngày làm dâu thì cả đời cũng thế, dẫu vợ chồng có ly dị đi nữa”, chị Phượng nói gọn trơn.

Nghe chị kể, tôi đánh bạo hỏi chị có tính chuyện “đi bước nữa” cho ngôi nhà ấm áp hơn khi có đàn ông làm trụ cột không, chị Phượng nhìn hai đứa con, lắc đầu cười: “Nhà đã có hai người đàn ông rồi đó thôi?”.

Đình Toàn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.