Trở thành tỷ phú nhờ trồng quýt

01/09/2014 10:01 GMT+7

Với mô hình trồng quýt đường, nhiều nông dân ở Bình Dương đã trở thành những tỷ phú nhà nông. Gia đình ông Lê Văn Phấn (61 tuổi, ngụ xã Trừ Văn Thố, H. Bàu Bàng, Bình Dương) là một điển hình.

Trở thành tỷ phú nhờ trồng quýt
Ông Lê Văn Phấn bên vườn quýt - Ảnh: Huy Anh

Theo ông Phấn quýt đường là loại trái cây cho năng suất cao, được người tiêu dùng ưa chuộng về chất lượng nên thị trường tiêu thụ rộng, giá thành cao và ổn định. Ông Phấn quê gốc Long An. Ngay thửa nhỏ, ông đã biết khai phá những cánh đồng bỏ hoang tại quê nhà để trồng mía đường, trở thành chủ cơ sở sản xuất khi mới 35 tuổi và được người trồng mía gọi là “Tỷ phú Đồng Bưng”. Tuy nhiên, nhận thấy thị trường mía đường VN đang có dấu hiệu đi lùi, ông Phấn quyết định tìm hướng đi mới, đưa cả gia đình đến Bình Dương vào năm 1988.

Với 4 ha đất trên vùng đất mới, ông Phấn thử nghiệm bằng các loại cây ăn trái như nhãn, chôm chôm, sầu riêng, cam sành và quýt đường. Sau 5 năm, ông Phấn quyết định chọn quýt đường là cây trồng chủ lực trên 4 ha đất canh tác. Tính từ năm 2002 đến nay, ông Phấn đã nhân rộng mô hình trồng quýt đường của gia đình lên gần hơn 20 ha. Ông cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm canh tác, kỹ thuật trồng trọt cho nông dân trong vùng và được bà con gọi là “Lão nông tỷ phú”.

Đến nay, với hơn 20 ha quýt đường đang cho thu hoạch, hàng năm gia đình ông Phấn đưa ra thị trường trung bình 700 tấn quýt . Với giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình ông thu lời trên 6 tỉ đồng.

Nói về kỹ thuật, ông Chín Phấn nhiệt tình chia sẻ: “Để vườn quýt phát triển tốt, đạt năng xuất cao như mong muốn, đòi hỏi người chăm sóc cần tỉ mỉ, áp dụng theo đúng quy trình tổng hợp từ khâu làm đất, chọn giống, ngừa bệnh. Việc làm đất tốt, chăm sóc kỹ sẽ kéo dài tuổi thọ cho cây trồng, người trồng quýt đường có thể thu trái hơn 10 năm”. 

Cũng theo ông Phấn, để cây quýt phát triển tốt thì việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật rất quan trọng. Từ khâu phun thuốc, tưới nước cho vườn quýt đều được ông đầu tư hệ thống tự động. “Quýt đường thuộc cây có múi, nhiều sâu bệnh hại như: nhện đỏ, bọ trĩ, bọ xít, sâu ăn lá , sâu đục thân, sâu vẽ bùa, sâu đục gốc, ruồi, sâu hại hoa, các loại bệnh nấm trên lá, thân, cành... Nếu muốn tránh rủi ro thì người làm vườn cần phải thường xuyên thăm vườn để quan sát, phát hiện sâu bệnh hại, kịp thời có biện pháp phòng tránh phù hợp để quản lý tốt cho vườn cây. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh hại thì sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Khi bón phân cho cây, cần kết hợp sử dụng thêm những loại phân có chứa vi sinh vật có lợi nhằm cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết để cây sinh trưởng phát triển tốt”, ông Phấn chia sẻ.

Ông Phấn cho biết thêm: “Tuy trồng quýt đường cần vốn đầu tư cao, khó chăm sóc, nhưng với lòng đam mê, kiên trì thực hiện đúng kỹ thuật thì viêc thu hồi vốn và ước mơ làm giàu sẽ không khó”. Ông Nguyễn Minh Trung, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Trừ Văn Thố nhận xét: “Yêu nghề, say mê tìm tòi và học hỏi nên vườn cây ăn trái nhà ông Phấn nhiều năm liền đã được nhận danh hiệu trang trại tiêu biểu của tỉnh Bình Dương”.

Ông Nguyễn Minh Trung, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Trừ Văn Thố cho biết nhiều hộ nông dân trong vùng đã biết cách cải tạo đất để phù hợp phát triển các loại cây ăn trái như ổi lê Đài Loan, sầu riêng, cam sành và quýt đường. Ngoài kinh nghiệm thực tế của các chủ vườn thì chính quyền xã thường xuyên mở các lớp học về kỹ thuật nuôi trồng, tạo điều kiện cho nông dân trong xã có điều kiện học tập kinh nghiệm lẫn nhau.

Huy Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.