Trái đắng từ xuất khẩu lao động 'chui'

17/11/2014 09:11 GMT+7

Quảng Trị đất chưa chật, người chưa đông nhưng cái nghèo luôn đẩy những con dân vùng đất này phải đi xa xứ để kiếm việc làm. Đó cũng chính là cơ hội để những tay “cò mồi” xuất khẩu lao động “chui” khoa môi múa mép, lừa người lương thiện...

Do thiếu hiểu biết, nhiều người dân Quảng Trị vẫn tin lời “cò mồi” xuất khẩu lao động “chui”, để khi về thì tiền mất tật mang. (phía trái là 2 trong số đó) - Ảnh: Nguyễn Phúc

“Chết” khi chưa qua biên giới

Dù không treo biển quảng cáo rình rang nhưng tại không ít các làng quê Quảng Trị có những “tụ điểm” chuyên tổ chức xuất khẩu lao động “chui”. Các “cò mồi” tồn tại âm thầm, tuyên truyền bằng những lời rỉ tai ngọt như đường phèn về cơ hội làm việc ở một nơi ngoài lãnh thổ VN. Những “tụ điểm” đó thường có mối liên kết với các đối tượng đầu sỏ ở bên ngoài làng quê để sẵn sàng cho người lao động vào tròng. Không trách được người dân khi ở nông thôn, cảnh nhà cơ cực, ai cũng có khát vọng đổi đời trong khi thủ đoạn của các băng nhóm “cò mồi” ngày càng tinh vi.

Ví như khoảng tháng 7.2013, Công an H.Gio Linh (Quảng Trị) đã nhận liên tục nhận được đơn của nhiều người dân tại H.Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa và TP.Đông Hà (Quảng Trị) trình báo việc họ bị lừa đảo đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc với số tiền hàng chục triệu đồng/mỗi nạn nhân. Phải mất hơn 2 tháng điều nghiên, công an huyện này mới bắt được 3 gã “cò mồi” là Nguyễn Minh Tuấn (28 tuổi, trú thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, H.Gio Linh), Ngô Anh Tuấn (38 tuổi, trú KP.4, P.3, TP.Đông Hà) và Lê Đạo (32 tuổi, trú thị trấn Đạ Tẻh, H.Đạ Tẻh, Lâm Đồng) về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, từ tháng 4.2013, Minh Tuấn móc nối với Anh Tuấn và Đạo làm giả giấy giới thiệu, văn bản mang tên ông Hoàng Bình (ghi trên giấy là Giám đốc TT giới thiệu việc làm tỉnh Lâm Đồng, nhưng thực tế ông Bình là PGĐ Sở LĐ-TBXH tỉnh Lâm Đồng) ra Quảng Trị “mời mọc” nhiều lao động đi Hàn Quốc với giá từ 85 triệu đồng/người. Cả 3 hứa hẹn với các nạn nhân sẽ đưa qua Hàn Quốc làm săm lốp ô tô, mức lương 1.000 USD/tháng trong vòng 5 năm. Để tạo niềm tin, cả 3 tên này yêu cầu 9 nạn nhân (chia làm 2 đợt) cắt hộ khẩu tại Quảng Trị, nhập hộ khẩu vào xã Triệu Hải (H.Đạ Tẻh) để “lấy chỉ tiêu” của H.Đạ Tẻh đi Hàn Quốc. Chưa hết, cả nhóm còn sắp xếp cho các nạn nhân đi học tiếng Hàn suốt 4 tháng với mức đóng 2 triệu đồng/tháng tại TP.HCM. Tuy nhiên, hết khóa học, cả 3 bặt tin mất dạng và lúc này tổng số tiền Minh Tuấn, Quốc Tuấn, Đạo nhận của các nạn nhân lên đến gần 900 triệu đồng. Một điều tra viên của Công an H.Gio Linh vào thời điểm đó đã tặc lưỡi rằng với cái bẫy êm ái mà băng nhóm này giăng ra thì những người bình thường cũng... khó thoát. “Cả 3 tên này đều rất dẻo miệng, đặc biệt Đạo thực sự là kẻ có quan hệ rộng, rất khó nắm bắt...”, vị điều tra viên này nói.

Sau khi băng nhóm lừa đảo này bị bắt, công lý được thực thi một phần nhưng cũng để lại những món nợ không hề nhỏ cho các nạn nhân. Người ít thì khoảng 85 triệu đồng, nhiều thì khoảng 150 triệu đồng. Cá biệt, có một nạn nhân ở xã Trung Giang (H.Gio Linh) vướng vào tranh chấp, phải nhờ tòa án giải quyết, khi số tiền người này đưa cho Minh Tuấn làm lộ phí “xuất ngoại” bị hợp thức hóa bằng hợp đồng cho vay tài sản.

Làm giàu cho ... “cò mồi”

Việc người lao động xuất ngoại có kiếm được việc làm hoặc kiếm được việc đúng như họ mong muốn hay không dường như nằm ngoài suy nghĩ của các “cò mồi”. Bởi với “cò mồi” chỉ biết tìm mọi thủ đoạn đưa người lao động qua biên giới để hưởng hoa hồng. Người chịu thiệt vẫn luôn là người lao động... Tại H.Cam Lộ vào thời điểm giữa năm 2011, nhận thấy hàng chục người dân đi ra khỏi địa bàn mà không đăng kí tạm trú tạm vắng một cách đáng ngờ, Công an H.Cam Lộ (Quảng Trị) đã lần tìm ra một đường dây môi giới xuất khẩu lao động trái phép sang Trung Quốc…Theo thiếu tá Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng Công an H.Cam Lộ thì vào thời điểm đó đơn vị theo dõi và bắt quả tang Nguyễn Thị Tuyết (26 tuổi, trú xã Cam Nghĩa, H.Cam Lộ) về hành vi tổ chức đưa một số người dân địa phương đi xuất khẩu lao động trái phép sang Quảng Châu (Trung Quốc).

Theo cơ quan điều tra, mỗi người muốn đi sang Trung Quốc trước hết phải đưa cho Tuyết 6 triệu đồng và không cần phải học tiếng, không cần hộ chiếu hoặc giấy thông hành, không cần hợp đồng lao động. Từ tháng 3-6.2011, Tuyết đã đưa 2 lượt hơn 30 người (chủ yếu là dân của xã Cam Nghĩa và Cam Chính) sang Trung Quốc.

Chị H.T.M.N (24 tuổi, trú xã Cam Chính, người từng sang Trung Quốc theo đường dây của Tuyết) cho biết mọi người đi xe ô tô ra cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) rồi xuống thuyền sang sông, qua bên kia biên giới. Qua bờ, đi bộ khoảng chừng 10km đường nhỏ nữa thì có xe ô tô đón. “Chúng tôi được đưa vào làm trong một công ty sản xuất hoa nhựa ở Quảng Châu, lương mỗi tháng được 4,5 triệu đồng và tiền lương thì Tuyết giữ”, chi M.N khai với cơ quan điều tra. Ngoài ra, M.N còn cho biết mỗi lao động ở đây phải làm một ngày 10 tiếng và nếu muốn về hẳn phải nộp cho Tuyết 12 triệu đồng.

Cho đến tận bây giờ huyện này vẫn là một trong những điểm “nóng” về nạn xuất khẩu lao động “chui”. Số liệu của Công an H.Cam Lộ vào tháng 9.2014 cho hay đã có 56 trường hợp được ghi nhận bỏ nhà, vượt biên sang Trung Quốc làm việc.

Vì sao không xuất khẩu lao động chính ngạch?

Hiện nay, ở Quảng Trị, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh là đơn vị nhà nước duy nhất có chức năng tư vấn, giới thiệu cho người lao động đi xuất khẩu lao động, tuy nhiên rất nhiều người dân (chủ yếu sống ở nông thôn) lại không “gõ cửa” địa chỉ uy tín này luôn là một dấu hỏi. Ông Võ Văn Hoàn, Gíam đốc trung tâm cho rằng hiện tượng đáng ngại trên diễn ra phần vì người dân thiếu hiểu biết, cứ thế rủ rê nhau đi, người đi trước rủ người đi sau theo tâm lý số đông mà không biết điều gì sẽ đợi mình ở bên kia biên giới. “Muốn tận diệt tình trạng này thì các cấp chính quyền địa phương tăng cường quản lý, ngăn chặn. Vì cấp thôn, cấp xã không thể không biết người dân của mình đi đâu được”, ông Hoàn nhấn mạnh.

Nguyễn Phúc

>> Xuất khẩu lao động chui
>> Tăng cường quản lý xuất khẩu lao động 'chui
>> Thêm một người đi xuất khẩu lao động "chui" tử vong ở Angola
>> Mất tiền vì xuất khẩu lao động chui  

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.