Thu tiền nước thông qua mã vạch

09/03/2013 10:09 GMT+7

Thay vì lần giở cuốn sổ chi chít các con số, địa chỉ có đôi chỗ bị loang nhòe vì mưa để cặm cụi ghi từng chỉ số đồng hồ của từng nhà dân, giờ đây, công việc ghi chỉ số nước nước máy của các nhân viên ngành nước ở Đà Nẵng đã chuyên nghiệp hơn.

Thu tiền nước thông qua mã vạch
Trước mỗi biển số nhà của khách hàng đều được gắn với một mã vạch khách hàng - Ảnh: V.P.T

Chỉ cần đưa thiết bị cầm tay lướt qua mã vạch được dán sẵn trên biển số nhà, tất cả các thông tin về khách hàng, kể cả số đồng hồ nước của 3 tháng trước đó đều được hiển thị rõ ràng. Cách làm này đã được Công ty TNHH MTV cấp nước Đà Nẵng bắt đầu áp dụng từ cuối năm 2012. Theo đó, mỗi khách hàng sẽ có một mã vạch riêng (tựa như mã hàng hóa), được in và dán tại nhà (thường là trên biển số nhà hoặc tường, cổng) để giúp việc đọc chỉ số đồng hồ nước qua mã vạch từ máy handheld giảm được sai sót, thất thoát. Cứ đến cuối tháng, nhân viên ghi số đồng hồ chỉ cần sử dụng máy handheld đến từng nhà tra mã vạch và nhập số đồng hồ nước mới cập nhật. Nếu chỉ số đồng hồ của gia đình nào có dấu hiệu bất thường, sau khi nhập dữ liệu, máy sẽ lập tức báo hiệu để cảnh báo gia đình đó kiểm tra lại hệ thống ống và việc sử dụng nước của mình.

Anh Dũng, một nhân viên ghi chỉ số nước chia sẻ: “Lúc trước ghi theo cách thủ công, khi nào trong đầu mình cũng phải vạch ra lộ trình thứ tự từng nhà sẽ đến để làm sao cho hiệu quả. Vậy mà cao nhất cũng chỉ ghi được chừng 130 nhà/ngày. Đó là chưa kể cũng không tránh khỏi có lúc ghi nhầm con số đồng hồ của nhà này qua nhà kia. Bây giờ, mọi việc đơn giản mà hiệu quả hẳn, có lúc mình ghi được đến 270 nhà/ngày”. Với ứng dụng công nghệ thông tin này, Đà Nẵng là địa phương thứ 2 của miền Trung (sau Khánh Hòa) áp dụng đọc mã vạch trong công đoạn ghi chỉ số đồng hồ nước. Hiện tại, hơn 80.000 hộ dân của Q.Thanh Khê và Q.Hải Châu đã được dán hoàn tất mã vạch và áp dụng cách đọc chỉ số đồng hồ nước theo cách mới. Dự kiến đến giữa 2013, việc dám mã vạch và áp dụng cách mới này sẽ được hoàn tất trên toàn thành phố.

Ông Phạm Ngọc Thanh – Phòng Thương vụ Công ty TNHH MTV cấp nước Đà Nẵng chia sẻ: “Nhờ áp dụng đọc mã vạch, quá trình chuyển dữ liệu từ thiết bị cầm tay vào hệ thống CSDL rất nhanh, và dữ liệu chính xác. Việc rút ngắn thời gian nhập chỉ số đã giúp tính tỉ lệ thất thoát nước nhanh chóng và rút ngắn thời gian phát hành hoá đơn cho khách hàng. Bên cạnh đó, nó cũng ngăn ngừa tình trạng nhân viên không đến tận nhà mà ghi bừa số đồng hồ nước”. Lâu nay, việc ghi thủ công chỉ số nước máy của hơn 200 ngàn khách hàng, Công ty TNHH MTV cấp nước Đà Nẵng đã sử dụng hơn 70 nhân viên đảm trách thì sắp đến, số người cần để hoàn tất công việc trên sẽ chỉ còn hơn nửa. “Nếu mã vạch đã được dán bị xé rách, chúng tôi phải in mã khác để dán lại, rất mất thời gian. Vì vậy mong mỗi người dân hợp tác với ngành nước bảo quản để công việc tránh ách tắc. Trong tương lai, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu hướng đến làm sao cùng với nhập chỉ số đồng hồ thì sẽ in hóa đơn liền ngay đó để đưa đến khách hàng nhanh nhất, chính xác nhất”, ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp nước Đà Nẵng nói thêm.

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.