Thơ Nguyễn Ngọc Tư

17/09/2013 09:38 GMT+7

Không có bài thơ nào mang tên Chấm trong số 40 bài của Chấm - tập thơ đầu tiên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Chỉ có 40 bài thơ với 4.928 chữ nhưng Chấm dày tới 180 trang khổ 15 cm x 23 cm; có những trang được in chỉ một câu thơ với sự trình bày chăm chút và phá cách của Đam Ca, người vẽ bìa.

Không có bài thơ nào mang tên Chấm trong số 40 bài của Chấm - tập thơ đầu tiên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Chấm được in 2.000 bản, giá 70.000đ/bản, do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành vào giữa tháng 8.2013. Chỉ có 40 bài thơ với 4.928 chữ nhưng Chấm dày tới 180 trang khổ 15 cm x 23 cm; có những trang được in chỉ một câu thơ với sự trình bày chăm chút và phá cách của Đam Ca, người vẽ bìa.

Thơ Nguyễn Ngọc Tư

Về nội dung, mới đây Nguyễn Ngọc Tư trả lời báo Pháp luật TPHCM: “Có những chuyện văn xuôi không nói được, có những cảm giác khó rạch ròi duy lý, tôi lấy thơ ra trút đỡ. Cùng là chữ cả nhưng mỗi bề mỗi khác. Viết tản văn, tôi buộc thể hiện ít nhiều quan điểm, cách nhìn cuộc đời của mình. Thơ thì gần người nhất, đôi khi cảm xúc lộ ra”. 

40 bài thơ này như những dấu chân “đi bụi” của Nguyễn Ngọc Tư trên khắp đất nước từ mười năm nay; đi trong trời đất và đi vào lòng người; chạm vào nội tâm mình, hóa thành tự sự. Tất cả, không hề ghi thời gian và nơi chốn, chỉ đề trân trọng nơi đầu sách, “kính tặng ba”.

Trong Chốn về, bài mở đầu: mình có ngôi nhà khép cửa /…máu chảy tự khô / vết đau tự liếm láp / cúc tự cài / hát mình nghe / chưa bao giờ mình mời ai tới đó. Trong Ở trọ, có ba câu cuối: lục bình vừa trôi vừa tàn / lá đa vừa rã vừa rơi / vừa đến họ vừa rời cõi tạm. Khi vượt biên giới chỗ một ngọn thác: có một con thác bị chẻ làm đôi ngọn / sông lò cò một bờ / …buộc lời ước vào bức tường trong suốt / cầu lòng ta vết thẹo thác lại lành (Ở biên giới). Ra với Côn Đảo: đi tìm mớ răng gãy trong những bông sứ trắng / tìm tay trên những rạn san hô / làn da lấy lại của rêu / họ neo đảo vào trời nước mơ hồ (Viết ở Côn Đảo).

Một lần chị đã viết trong bài Nhật ký mang thai - tháng thứ năm: con bỏ lỗi cho / mẹ vừa làm lễ trước vua xứ khác / gối chạm đất người thiên hạ / chỉ mẹ thôi / con chớ có quỳ /… hãy cựa quẫy / hãy trở mình / nhắc nhớ mẹ thở cho hai người / mẹ nuôi men ủ nụ cười / và đứng thẳng.

Trong những cuộc rong ruổi ấy, có đôi khi chờ nghe tiếng người: không chớp nhói lên nghĩa là đã ngủ rồi / đã rã / đã rơi / ta không chờ đợi nữa / …điện thoại câm / như nhân gian âm thầm cài đặt cửa (Chờ điện thoại). Có lần say: máu ngập ngừng đâu đó / tim như cá mắc cạn / từng ngụm thời gian hớp khan khô rát / tay nắm khói cũng mỏi / đất rối níu chân dấp dúi (Say trà). Có đêm mất ngủ: chim khuya kêu tiếng thứ sáu / đêm chao sáu tiếng thở dài / đếm được bao nhiêu bóng tối / đếm xem từng nào gió thổi / …mình đi vào trong rừng thẳm / sớm kia còn về với mình? (Mất ngủ). Và có khi độc thoại với lau sậy: bông sậy níu thành chùm thành bầy / dìu dắt xuôi mùa luân lạc / nhẹ hơn nỗi đau / quét không đi / giẫm không nát / an nhiên thanh thản / như chưa từng tan tác cuộc lưu vong (Mùa sậy chín). 

Thú vị trong Chấm, người trình bày đã lồng bản dịch (của Jason Gibbs) bài thơ Hỏi đường vào từng câu song ngữ Việt - Anh. Đoạn chót như vầy:

những ngày rong ruổi trên đất lạ,
Days of rambling in an unfamiliar land,
tôi một lần đứng lại hỏi con đường,
I once asked for directions
lối nào sẽ dẫn đến con người
Which way will take me to someone
đường im lặng đi lên đồi mải miết,
The silent road preoccupied itself with ascending the hill,
nông nổi ơi chỉ cần dừng chân lại,
Hey you fool, you only need to stop in your tracks
sẽ thấy người
To see somome

Huỳnh Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.