Thiếu nước sinh hoạt, phải dùng nước sông

03/07/2015 11:39 GMT+7

Nắng nóng kéo dài, nguồn nước giếng cạn kiệt, hàng trăm hộ dân ở huyện Ia Hdai (Kon Tum) hiện đang đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhiều nơi người dân phải lấy nước sông về sử dụng.

Nắng nóng kéo dài, nguồn nước giếng cạn kiệt, hàng trăm hộ dân ở huyện Ia Hdai (Kon Tum) hiện đang đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhiều nơi người dân phải lấy nước sông về sử dụng.

Nhiều gia đình ở huyện Ia Hdai phải dùng nước đóng bình để sinh hoạt hàng ngày
Nhiều gia đình ở huyện Ia Hdai phải dùng nước đóng bình để sinh hoạt hàng ngày - Ảnh: Ngô Xuân

Anh Lê Văn Cao, công nhân tại Nông trường cao su Suối Cát trú ở thôn 2, xã Ia Dom cho hay, từ tháng 1 đến tháng 5 âm lịch năm nào cũng thiếu nước sinh hoạt.

Đưa chúng tôi đến nhìn cái giếng đào tại đây, anh Cao bảo tất cả những giếng nước đào vào thời điểm này phần lớn cạn khô, riêng cái giếng này còn ít nước là nhờ ở sát dòng suối Cát. Còn các giếng khoan thì khó khăn muôn phần, do chi phí cao và phải khoan sâu hàng chục, thậm chí đến cả trăm mét mới có mạch nước ngầm.

Vào nhà nào ở các xã Ia Tơi, Ia Dom và Ia Dai của huyện Ia Hdai, chúng tôi chứng kiến rất nhiều gia đình sử dụng nước uống đóng bình.
"Tắm, giặt thì ra sông, suối, còn uống, ăn thì mua nước đóng bình về dùng, nhưng rất dè xẻn ", một người dân ở xã Ia Dom giải thích. Theo đó, cứ một bình nước 20 lít có giá 12.000 - 15.000 đồng, một gia đình có từ 4 - 6 khẩu sử dụng khoảng 20 - 30 lít/ngày.
Những gia đình thu nhập thấp không thể sử dụng nước đóng bình, phải xoay qua dùng nước sông, nước suối. Thế nhưng, nước sông vùng nam Sa Thầy lại đục ngầu, còn dòng suối bên cạnh xã Ia Dom cũng cạn tới đáy.

Chị Phạm Thị Hạnh đang trú tại thôn 3, xã Ia Dal cho biết, những năm trước khi nước khô cạn, người dân ở đây lấy suối Lau để tắm, giặt và kể cả nấu ăn, uống. Gần đây, ở khu vực phía trên dòng suối, do người ta vứt rác thải bừa bãi nên rác theo nước chảy về rất mất vệ sinh, nhiều người không dám dùng nước suối nữa.

Phó chủ tịch UBND xã Ia Dal, ông Hà Văn Lý cho biết: Hiện xã có 8 thôn với 830 hộ dân nhưng chỉ 20 - 25% có nước sinh hoạt, còn lại bà con phản ánh rất nhiều, rất đau đầu về nước sinh hoạt.

Theo ông Lý, địa hình ở đây có đá ngầm nên các mũi khoan khi xuống gần 20 m là không khoan được nữa. Người dân khắc phục bằng việc nhiều gia đình góp tiền đào giếng chung nhưng đến mùa khô, giếng nào cũng cạn nước.

Theo UBND H.Ia Hdai, UBND tỉnh Kon Tum đã  quy hoạch hệ thống thủy lợi trên địa bàn và phê duyệt chủ trương đầu tư cụm công trình thủy lợi nam Sa Thầy với 9 công trình, tưới cho khoảng 930 ha cây trồng các loại và đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho 17.500 người trong vùng dự án, tổng kinh phí đầu tư gần 750 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án này hiện chưa tiến hành xây dựng, nên hiện tại, người dân trong vùng vẫn ngóng chờ nước sinh hoạt hàng ngày.

Hàng trăm công trình nước sạch không phát huy tác dụng
Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Ngãi cho biết, từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn Quảng Ngãi đã đầu tư hơn 338 tỉ đồng để xây dựng gần 500 công trình nước sạch, trong đó có nhiều công trình không phát huy tác dụng.
Riêng tại 6 huyện miền núi, trong tổng số 404 công trình, với kinh phí 229 tỉ đồng, thì có đã có đến 130 công trình bị xuống cấp, hư hỏng và ngừng hoạt động. Huyện miền núi Sơn Tây có 78 công trình được đầu tư xây dựng thì hiện chỉ có 8 công trình hoạt động, còn lại đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng và 21 công trình ngưng hoạt động hoàn toàn.

Nguyên nhân hàng trăm công trình nước sạch không phát huy tác dụng là do các xã, thôn chưa quan tâm đến công tác quản lý, nhiều địa phương đầu tư dàn trải, chất lượng đầu tư công trình thấp, dẫn đến nhiều công trình vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp, gây lãng phí tiền tỉ của Nhà nước.
Hiển Cừ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.