Thảo dược Thất Sơn - Kỳ 1: Phố… thuốc núi

24/04/2013 10:10 GMT+7

Phố… thuốc núi nằm sát chân núi Trà Sư (khóm Trà Sư, thị trấn Nhà Bàng, H.Tịnh Biên, An Giang). Chỉ có 5 hộ (mỗi hộ vài ba cửa hàng) kinh doanh ngành hàng này mà mùi thơm của thảo dược lan tỏa ngạt ngào khắp phố.

Ông Đặng Văn My (Năm My), chủ nhân Phòng Chẩn trị y học cổ truyền - Cửa hàng dược liệu Lộc Quý, cho biết phần lớn cây thuốc bày bán ở đây do đồng bào Khmer xóm Hào Xểnh (ấp Tây Hưng, xã Nhơn Hưng, H.Tịnh Biên) khai thác từ dãy Thất Sơn huyền bí.

Thảo dược Thất Sơn
Dãy phố Đông dược ở thị trấn Nhà Bàng

Thuốc gì cũng có

Từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa hằng ngày là thời gian ông Chau Ruôl “quần” hái thuốc. Ông hái đủ thứ thảo dược: mần ri, cỏ xước, nhân trần, rau đắng, bông dừa kiểng, cóc kèn, võ vẽ, đỗ trọng, cây bạch hoa thảo… Các loại thuốc đem về bằm nhỏ, phơi khô, bẻ kêu rôm rốp, để lâu không bị mốc mới bán được. Thuốc vô bao, vác vai, lội bộ, hoặc chở xe đạp đi bán. Mỗi ngày một gia đình làm nghề hái thuốc chỉ thu nhập được vài ba chục ngàn đồng. Dù mức thu nhập quá thấp, nhưng nghề hái thuốc đã giúp cho 50 hộ không nghề nghiệp, không ruộng rẫy ở  xóm Hào Xểnh được no cái bụng.

Ngoài nguồn cây thuốc hái ở Thất Sơn, “phố thuốc núi” còn bán nhiều loại “sung dược” được khai thác từ nước bạn Campuchia, như: mối chúa, bù kẹp, bửa củi, tắc kè bông... Nghe đồn, những thứ này ngâm rượu sẽ đạt chuẩn “ông uống bà khen”. Ngoài ra, người dân nước bạn còn lén lút khai thác và vận chuyển các loại dược liệu quý như nam đỗ trọng, sâm hồng, bìm bịp, cà dăm, hà thủ ô trắng... đưa sang chợ Nhà Bàng theo các con đường mòn nối liền phum sóc để “né” các trạm kiểm soát.

Quấn chân du khách

“Phố thuốc núi” lúc nào cũng có khách đến mua, nhất là mùa Vía Bà (từ tháng giêng đến cuối tháng 4 âm lịch). Người ta mua các loại thảo dược đặc trị các bệnh Tây y “bó tay”, dân gian đồn tụng trị dứt, như dứa gai chẳng hạn. Ông Đỗ Văn Trọng (quê Trà Vinh) cho biết: “Dứa gai đem về tách trái, chặt nhỏ, phơi khô, nấu nước uống trị bịnh tiểu đường đại tài”. Nghe vậy, bà Vương Lệ Hoa (quê Sóc  Trăng), bèn mua năm, sáu trái dứa gai đem về uống… ngừa bệnh. 

Ông Bảy “bánh mì” là thân chủ của dãy cửa hàng dược liệu này. Dù mới 44 tuổi, nhưng ông Bảy nổi tiếng là một thầy thuốc giỏi đất Vàm Rầy (H.Hòn Đất, Kiên Giang), chuyên trị những chứng bệnh “thầy chạy, bác sĩ chê”. Bữa nay ông tới phố núi hốt thuốc núi đem về trị cho thân chủ. Những người chuyên mua đi bán lại cũng nhiều. Mỗi chuyến đi, họ “bổ” nhiều loại thuốc, chất đầy boọc-ba-ga và sườn xe gắn máy đem về bán. Họ ở nhiều nơi, như: Rạch Giá, Long An, Vĩnh Long... Có khi, chỉ cần một cú điện thoại là họ nhận được dược liệu chuyển qua bằng xe đò.

Thảo dược Thất Sơn
Một cửa hàng Đông dược

Các cửa hàng dược liệu ở đây có đặc điểm chung là bày trí hàng hóa rất… lộn xộn. Thứ đựng trong hũ nhựa, cái treo lủng lẳng trên trần, rồi la liệt nhiều loại thuốc được đặt, kê ở bất cứ nơi nào có thể. Các ông bà chủ không ai biết cửa hàng mình có cả thảy bao nhiêu loại thuốc. Nhưng công dụng của dược liệu thì họ rành. Bột huyền, bột củ mài (bột nưa) quậy nước sôi pha chút đường hoặc quậy nước lạnh với chút đường dùng mát người, trị kiết đại tài. Mỏ quạ trị nhức mỏi, (40.000 đồng/kg). Bí kỳ nam bổ phổi, mát gan. Ngải đen trị đau bụng gió, nhậu say ngậm một miếng tỉnh lại; u não, suy thận mỗi sáng ngậm một miếng là đủ sức làm việc nặng. Gấm đen trị ban, nhất là tiểu đường. Đặc biệt mật nhân giá rẻ đến bất ngờ: 15.000 đồng/kg đã bào lát sẵn, từ Campuchia đem qua. Mật nhân (tên khoa học là Eurycoma longifolia) có thể ngăn chặn xơ gan, ức chế sự tiến triển của virus viêm gan B, giải rượu mạnh, chống mệt mỏi, kích thích tiêu hóa, có tác dụng kích thích sinh lý nam giới… Ở H.Phú Quốc (Kiên Giang), mật nhân được bán với giá  50.000 đồng/kg; còn ở Cần Thơ, có người “hét” 80.000 đồng/kg…

Phố núi bán thuốc núi, thực hiện danh ngôn mà danh y Tuệ Tĩnh cổ súy “Nam dược trị Nam nhân”; do vậy cần có quyết sách bảo tồn, phát triển để nhân dân ta có cơ hội sử dụng các loại dược liệu trong nước lâu bền. Và để “phố thuốc núi” Nhà Bàng có từ trăm năm nay sẽ còn tồn tại mãi cùng năm tháng.

Phương Kiều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.