Thanh Hóa gặp khó khi “phạt nguội”

28/03/2013 08:39 GMT+7

Thực hiện kế hoạch của Cục CSGT đường sắt - đường bộ (C67), Bộ Công an về việc kiểm soát và xử lý vi phạm qua hệ thống giám sát trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên QL 1A, đoạn Hà Nội - Vinh, tỉnh Thanh Hóa được đầu tư 8 cột giám sát TTATGT. Trong đó 3 cột đã đi vào hoạt động.

Thực hiện kế hoạch của Cục CSGT đường sắt - đường bộ (C67), Bộ Công an về việc kiểm soát và xử lý vi phạm qua hệ thống giám sát trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên QL 1A, đoạn Hà Nội - Vinh, tỉnh Thanh Hóa được đầu tư 8 cột giám sát TTATGT. Trong đó 3 cột đã đi vào hoạt động.

Từ tháng 11.2012 đến nay, 3 cột giám sát đã ghi nhận 10.202 trường hợp vi phạm, CSGT Thanh Hóa đã dừng phương tiện, lập biên bản xử lý tại hiện trường 631 trường hợp, trong đó có 481 lỗi lấn phần đường, 150 lỗi tốc độ, tước giấy phép lái xe 505 trường hợp, tạm giữ 12 phương tiện.

CSGT Thanh Hóa cũng đã gửi thông báo "phạt nguội" gần 2.000 chủ phương tiện vi phạm, trong đó gần 300 trường hợp đến chịu nộp phạt.

 Thanh Hóa gặp khó khi “phạt nguội”
Hình ảnh phương tiện vi phạm gửi kèm thông báo đến người vi phạm - Ảnh: Ngọc Minh

Thượng tá Trương Duy Hùng, Phó trưởng phòng CSGT đường sắt - đường bộ Công an Thanh Hóa cho biết, hệ thống giám sát tự động bảo đảm việc xử phạt chính xác, khách quan. Người vi phạm cũng đã chấp nhận bị xử lý một cách thoải mái, không đôi co với CSGT như trước. Đặc biệt, do biết đang đi trên đoạn đường được giám sát, nên người điều khiển phương tiện đã chấp hành luật ATGT tốt hơn. Tại các điểm phức tạp về ATGT nay đã có cột giám sát, số vụ tai nạn đã giảm.

Để "phạt nguội", trong thông báo xử phạt, CSGT Thanh Hóa yêu cầu chủ phương tiện nếu đã bán phương tiện cho người khác thì phải ghi tên, địa chỉ của chủ mới và gửi lại cho CSGT để CSGT gửi đến người vi phạm thực tế. Nếu phương tiện ở tỉnh ngoài, sau thông báo thứ nhất, nếu người vi phạm không đến chịu xử lý, CSGT Thanh Hóa sẽ gửi thông báo lần 2 đến công an tỉnh, thành có người vi phạm để nhờ xử lý.

Nan giải nhất là việc xử lý vi phạm liên quan đến các hợp đồng dân sự ngắn hạn như việc người vi phạm thuê xe tự lái.

Trong trường hợp này, CSGT sẽ rất khó để xử lý vi phạm, bởi các chủ phương tiện thường không biết được người thuê xe ở đâu.

Trao đổi với Thanh Niên, đại tá Khương Duy Oanh, Phó giám đốc Công an Thanh Hóa khẳng định: “Hệ thống giám sát tự động đã hạn chế được các tiêu cực của CSGT có thể nảy sinh, giảm bớt được tình trạng “xin xỏ”, nhưng quan trọng nhất là bảo đảm tính chính xác và công bằng đối với mọi người dân khi tham gia giao thông. Mặc dù còn khó khăn trong khâu “xử nguội”, nhưng trong tương lai, khi các quy định về quản lý xã hội hoàn thiện hơn thì hệ thống giám sát TTATGT tự động sẽ là công cụ hữu hiệu trong công tác giữ gìn TTATGT”.

Ngọc Minh

>> Hà Nội thí điểm xử phạt “nguội”
>> Phạt “nguội” 37.000 trường hợp vi phạm giao thông
>> “Tuýt còi” Thông tư phạt người đội mũ bảo hiểm "dỏm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.