“Siết” chất lượng cá tra

25/02/2013 09:28 GMT+7

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) đang lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) cho dự thảo quy định kiểm soát chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu. Theo đó, ngoài việc đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm còn phải đảm bảo thêm 2 yêu cầu về tỷ lệ mạ băng không vượt quá 20%, phụ gia và hàm lượng nước không vượt quá 86% tính theo khối lượng tịnh của sản phẩm.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) đang lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) cho dự thảo quy định kiểm soát chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu.

Theo đó, ngoài việc đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm còn phải đảm bảo thêm 2 yêu cầu về tỷ lệ mạ băng không vượt quá 20%, phụ gia và hàm lượng nước không vượt quá 86% tính theo khối lượng tịnh của sản phẩm.

Hiện tại có 2 luồng ý kiến xung quanh dự thảo này. Một số DN cho rằng việc bắt buộc lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu về hàm lượng nước và mạ băng sẽ làm tăng chi phí của DN, không phù hợp với quy định của luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, cũng có không ít DN lại tỏ ý đồng tình với dự thảo trên. Những DN này cho rằng trong thời gian qua, nhiều DN đã dựa vào cách thức tăng mạ băng, trộn hóa chất để hạ giá bán. Hành động này làm ảnh hưởng đến uy tín của con cá tra Việt Nam, gây khó khăn cho các DN làm ăn chân chính. Ngành chức năng cần quản lý chặt về chất lượng và phạt nặng đối với các hành vi gian lận để lấy lại uy tín, nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu.

Trong nhiều năm qua, yêu cầu về việc siết chất lượng cá tra xuất khẩu cũng được đề cập đến. Vì trên thực tế, số DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thì đông nhưng số DN làm ăn thật sự, có nhà máy chế biến có đầu tư vùng nguyên liệu thì rất ít. Chính những DN làm ăn theo kiểu “mì ăn liền” đã gây ra cảnh tranh mua, tranh bán làm ảnh hưởng đến rất nhiều DN làm ăn chân chính và ảnh hưởng đến cả ngành cá tra như hiện nay. Chính vì vậy, việc quản lý chặt chất lượng cá tra xuất khẩu là điều đã muộn nhưng còn hơn không.

Các DN làm ăn chân chính không chỉ đầu tư vào vùng nguyên liệu mà họ còn áp dụng các mô hình sản xuất sạch, an toàn như: VietGAP, GlobalGAP, ASC... Chính họ rất cần được bảo vệ. Chỉ có tạo được một môi trường cạnh tranh lành mạnh thì những DN làm ăn chân chính mới có thể tồn tại và phát triển, qua đó nâng cao giá trị cá tra xuất khẩu.

Chí Nhân

>> Thêm 5 trại nuôi cá tra đạt chứng nhận bền vững
>> Siết chặt chất lượng cá tra xuất khẩu
>> Nuôi cá tra ngày càng bất ổn
>> Xuất khẩu cá tra giảm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.