Sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo: Chất lượng thi công có vấn đề

22/12/2014 18:03 GMT+7

(TNO) Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định như trên khi trao đổi với các phóng viên về sự cố sập hầm dẫn nước thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo.

(TNO) Chiều 22.12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã trả lời báo chí, giải đáp thắc mắc về trách nhiệm liên quan đến sự cố sập hầm dẫn nước thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo.

da-dang-da-chomoThứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng - Ảnh: Lê Quân
Ông Hùng cho biết, do thời gian thi công công trình thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo kéo dài hơn 10 năm, từ 2003 đến nay nên pháp luật cũng có nhiều thay đổi. “Dù vậy, xét trong bất cứ trường hợp nào, để xảy ra tai nạn, trách nhiệm trước hết của chủ đầu tư và các nhà thầu. Còn các bộ, ngành liên quan thì tùy thời điểm pháp luật quy định mà có trách nhiệm như thế nào”, ông Hùng nói.
Thưa Thứ trưởng, trong suốt quá trình trực tiếp tham gia công tác cứu nạn tại hiện trường, ông có đánh giá như thế nào về mức độ an toàn của khu vực hầm bị sập và công trình thủy điện nói chung?
Để có thể đánh giá được chính xác mức độ an toàn của kết cấu hầm dẫn nước bị sập, chúng ta cần có thêm thời gian và cần kiểm tra thêm các tài liệu về thiết kế, hồ sơ trong quá trình thì công. Tuy nhiên, qua quan sát cụ thể tại hiện trường và trước sự việc hàng nghìn mét khối đất đá sụp xuống trong quá trình thi công, chứng tỏ rằng kết cấu, chất lượng thi công chắc chắn có vấn đề.
Bước đầu, các cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn đã xác định được nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn nghiêm trọng chưa?
Trước mắt, chưa thể nói chính xác được nguyên nhân nào, xuất phát từ đâu. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét ở nhiều khía cạnh, có thể do điều kiện địa chất phức tạp, công tác khảo sát địa chất là không tốt, công tác thiết kế chưa đúng quy chuẩn tiêu chuẩn, công tác thi công chưa đúng thiết kế và cuối cùng là công tác giám sát thi công không chặt chẽ. Tất cả những khía cạnh đó đều tiểm ẩn nguyên nhân.
Để tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn này thì ngành Xây dựng, ngành Công thương có vai trò như thế nào?
Trước hết, Bộ Xây dựng và Bộ Công thương đều thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trực tiếp vào hiện trường, trực tiếp tổ chức việc giải cứu, huy động các lực lượng của hai Bộ tham gia cứu hộ cứu nạn.
Theo pháp luật, về trách nhiệm của mỗi ngành là áp theo từng thời điểm. Cụ thể, trước năm 2013, ngành Công thương cũng như ngành Xây dựng không có nhiệm vụ kiểm soát chất lượng thiết kế, thi công công trình xây dựng. Nhưng từ khi áp dụng theo Nghị định 15 thì trách nhiệm kiểm soát công trình thủy điện là thuộc ngành Công thương.
da-dang-da-chomoThứ trưởng Lê Quang Hùng trao quà cho công nhân thoát nạn - Ảnh: Độc Lập
Đây là vụ tai nạn rất nghiêm trọng tại một công trình xây dựng, Bộ Xây dựng có vai trò, động thái như thế nào để tìm ra nguyên nhân, sớm đưa ra kết luận?
Theo quy trình giải quyết sự cố công trình xây dựng, chúng ta đã hoàn thành bước một là giải cứu thành công các nạn nhân.
Bước tiếp theo, Bộ Xây dựng sẽ có báo cáo trình Chính phủ về quy trình giải quyết vụ việc. Cụ thể, trước hết phải đình chỉ thi công rồi phong tỏa hiện trường, hồ sơ thiết kế về quản lý chất lượng để phục vụ việc tổ chức giám định sự cố. Sau đó, sẽ tiến hành giám định sự cố. Chúng tôi đã kiến nghị với Thủ tướng là giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, UBND tỉnh Lâm Đồng và các bộ ngành có liên quan khác để giám định sự cố. Tiếp đó, sẽ xác định trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến vụ tai nạn là ai? Yêu cầu phải đền bù, khắc phục, giải quyết các hậu quả. Sau cùng là nghiên cứu xem công trình này có đủ điều kiện tiếp tục thi công không mới quyết định cho thi công tiếp.
Theo phân cấp quản lý, đây là công trình thủy điện nhỏ do địa phương quản lý. Vậy, đến nay các cơ quan đã phân định được rõ Sở Công thương, Sở Xây dựng hay UBND tỉnh Lâm Đồng phải có trách nhiệm giám sát công trình?
Trước đây, theo Nghị định về quản lý chất lượng công trình ban hành năm 2009, tức là trước thời điểm năm 2013, các cơ quan quản lý nhà nước không có trách nhiệm kiểm soát về khảo sát, thiết kế, thi công mà chỉ quản lý về mặt ban hành văn bản và kiểm tra việc thực thi theo văn bản pháp luật. Sau khi Nghị định 15 về quản lý chất lượng công trình xây dựng ra đời vào tháng 2.2013 thay thế cho nghị định cũ đã phân định rằng: với các công trình thủy điện, ngành Công thương chịu trách nhiệm thẩm tra thiết kế và công tác nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng.
Xin cảm ơn ông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.