Phân làn không có tương lai?

07/10/2011 08:15 GMT+7

Sau nửa tháng triển khai thí điểm phân làn giao thông trên hai tuyến phố, bất chấp những ý kiến trái chiều, Sở GTVT khẳng định: “lưu thông tốt hơn” và TP Hà Nội đang rục rịch triển khai phân làn tất cả các tuyến phố.

Theo văn bản mới nhất, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an TP và các đơn vị liên quan xây dựng phương án phân làn trên tất cả các tuyến phố, trình UBND trước 15.10.

Trước đó, đầu tháng 9.2011, UBND TP cũng yêu cầu Sở GTVT tổ chức phân làn phương tiện trên 5 tuyến phố gồm Kim Mã, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Bà Triệu và Phố Huế - Hàng Bài từ 20.9.

Theo đó, sẽ cho ô tô, xe đạp, xe máy đi riêng làn. Tuy nhiên, đúng ngày 20.9, chỉ hai tuyến Phố Huế, Bà Triệu được phân làn, do các tuyến còn lại chưa chuẩn bị xong, sau đó vài ngày mới có thể triển khai tiếp.

 
Huy động hàng trăm thanh tra giao thông phân làn nhưng không hiệu quả - Ảnh: Minh Sang

Việc phân làn với Hà Nội không có gì mới, năm 2003, Hà Nội đã phân làn tuyến Kim Mã, năm 2006 tuyến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, năm 2009 tuyến Giải Phóng, nhưng các dự án này đều phải dẹp bỏ nhanh chóng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Các lần trước không thất bại. Chỉ là dự án hết thời hạn, hết tiền chi cho anh em gác thì dừng lại. Lần này sẽ duy trì thời gian dài, tổ chức tuyên truyền rộng rãi, người dân có ý thức chấp hành tốt rồi thì sẽ triển khai các tuyến sau”.

Theo quan sát của Thanh Niên, giao thông tại các tuyến phân làn vẫn hết sức lộn xộn, những điểm không có thanh tra giao thông, xe máy vẫn phóng bừa sang làn ô tô và ngược lại. Bi hài nhất là câu chuyện biển báo phân làn dựng lên vài ngày đã bị đâm đổ, gãy vì người đi xe máy tông phải, gây tai nạn. Song ông Tân vẫn khẳng định: “Trên cơ sở khoa học và theo dõi quan sát, sau phân làn lưu thông tốt hơn, đi có trật tự hơn”.

Theo Sở GTVT, sắp tới sẽ có thêm 7 tuyến phố được nghiên cứu phân làn là Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai, Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ, Nguyễn Văn Cừ, Kim Mã, Hoàng Quốc Việt, Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Đê 401, Trần Phú - Tràng Thi. Ngoài ra, ngày 8.10 tới đây, sẽ phân làn tuyến Nguyễn Trãi - Hà Đông. Theo ông Tân, trước mắt sẽ triển khai trước các tuyến trong nội đô, vì các tuyến vành đai rất khó quản lý.

Ông Tân khẳng định, đây là chủ trương nhất quán giữa Thành ủy, UBND còn Sở GTVT đề xuất phương án tách dòng theo làn phương tiện. “Chi phí cho phân làn không lớn, chỉ phát sinh tiền gác chắn, vài chục nghìn đồng/người cho anh em thanh tra đi làm bồi dưỡng theo chế độ. Rào chắn đã có sẵn trước đó ở các nút giao thông để tổ chức giao thông khi chưa ổn định. Chỉ tốn tiền sơn, đang có tờ trình để thành phố phê chuẩn”, ông Tân nói.

Chưa nói tới chuyện chi phí nếu thực hiện phân làn rầm rộ, có thể thấy việc huy động một lượng lớn thanh tra giao thông đang rất lãng phí về nhân lực khi họ chỉ làm nhiệm vụ nhắc nhở người dân. Dưới góc độ chuyên môn, theo một chuyên gia ngành giao thông, rất khó phân làn tại Hà Nội bởi đường quá chật và quá ngắn, nhiều loại phương tiện tham gia giao thông, trong đó xe máy chiếm tỷ lệ lớn, dễ làm tăng xung đột giữa các phương tiện ở nút giao cắt. Các tuyến đường đang thí điểm phân làn đa phần không có đường riêng cho xe buýt, nên mỗi khi xe buýt vào điểm đỗ, xe máy phải dạt sang làn ô tô, không muốn vi phạm cũng phải vi phạm.

Thực tế, ý thức kém của người tham gia giao thông là một phần nguyên nhân khiến hiệu quả việc phân làn còn thấp. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất có thể là việc thiếu sự tính toán một cách khoa học. Bởi vì, dù ai cũng biết thực tế hạ tầng các tuyến phố Hà Nội khó lòng đáp ứng, nhưng Sở GTVT vẫn tiếp tục cho tiến hành phân làn, mà không đưa ra được giải pháp gì mới mẻ hơn so với 3 lần “thất bại” trước kia.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.