Nông dân thiệt hại nặng vì hạn, mặn

02/05/2015 11:05 GMT+7

Vụ này, nhiều hộ dân ở Bạc Liêu và Bến Tre bị thất mùa do nắng hạn kéo dài, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây thiệt hại cho tôm, lúa.

Vụ này, nhiều hộ dân ở Bạc Liêu và Bến Tre bị thất mùa do nắng hạn kéo dài, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây thiệt hại cho tôm, lúa.

 Nhiều hộ dân ở Bạc Liêu thua lỗ do tôm nuôi chết
 Nhiều hộ dân ở Bạc Liêu thua lỗ do tôm nuôi chết - Ảnh: Phan Thanh Cường
Tôm, lúa cùng thất bát
Ông Ngô Đăng Hiệp, một hộ nuôi tôm ở xã Hưng Hội (H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), than: “Năm nay nuôi tôm khó quá, mới thả giống được khoảng 1 tháng là tôm tấp mé, nổi đầu rồi chết dần”. Ông Hiệp có 5 ao nuôi tôm thẻ chân trắng và cả 5 ao đều bị thiệt hại, khiến ông lỗ hàng chục triệu đồng tiền đầu tư cải tạo ao, mua sắm trang thiết bị, con giống và thức ăn cho tôm... Theo ông Hiệp, tôm chết chủ yếu do nắng hạn kéo dài làm mực nước trong ao cạn kiệt, độ mặn tăng cao quá mức.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, hiện toàn tỉnh có trên 2.000 ha tôm nuôi theo mô hình thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến bị thiệt hại. Nặng nhất là tại các xã Vĩnh Trạch Đông, Vĩnh Trạch, Hiệp Thành (TP.Bạc Liêu); Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A, Vĩnh Thịnh (H.Hòa Bình); Long Điền, Điền Hải, Long Điền Tây (H.Đông Hải); Hưng Thành, Hưng Hội (H.Vĩnh Lợi)...
Kết quả khảo sát của ngành nông nghiệp cho thấy các vuông nuôi tôm bị thiệt hại hầu hết bờ bao không được xây dựng chắc chắn, mực nước trong ao nuôi quá thấp do nước bị rò rỉ ra ngoài cộng với các yếu tố tác động do biến đổi môi trường làm cho tôm nuôi bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt.
Còn tại Bến Tre, do nước mặn đến sớm và xâm nhập sâu vào nội đồng hơn các năm trước nên hàng ngàn nông hộ phải chịu cảnh mất mùa. Bà Bùi Thị Cẩm (ngụ xã An Hiệp, H.Ba Tri, Bến Tre) cho biết hơn 1 ha lúa vụ đông xuân của gia đình bà chỉ thu hoạch được khoảng 4 tấn, giảm 1,5 tấn so với năm trước.
Còn ông Lê Văn Yên (ngụ xã An Đức, H.Ba Tri) cho biết do năm nay nước mặn vào sớm nên lúa nhanh chín, nông dân gọi là “chín chạy mặn” dẫn đến năng suất bị sụt giảm nghiêm trọng.
“Gia đình tôi làm gần 10 công lúa nhưng cũng chỉ thu hoạch được hơn 3 tấn”, ông Yên nói.
Độ mặn tăng cao còn làm cho chất lượng lúa bị giảm, khoảng 20% lượng lúa thu được hạt không tròn đầy (lép), phải chấp nhận bán giá thấp thương lái mới chịu mua.
Khẩn trương khắc phục
Theo ngành chức năng Bến Tre, vụ đông xuân này tại 2 huyện ven biển Thạnh Phú và Ba Tri có hơn 450 ha lúa mất trắng, gần 1.500 ha lúa giảm năng suất khoảng 40%. Bên cạnh đó, tình trạng hạn, mặn cũng gây nhiều khó khăn cho việc cấp nước sinh hoạt cho người dân. Độ mặn tại các kênh nội đồng, nơi cung cấp nước cho các nhà máy xử lý nước sạch khu vực nông thôn tại 3 huyện ven biển là Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú hiện dao động từ 1,3 - 2,2‰ nên chỉ sử dụng được cho sinh hoạt. Người dân ở những vùng sâu vùng xa vẫn phải mua nước ngọt với giá khoảng 50.000 đồng/m3 để phục vụ nấu ăn, uống.
Theo ông Nguyễn Văn Ngân, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, Sở đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bến Tre phối hợp với các địa phương theo dõi tình hình mặn trong và ngoài cống để có kế hoạch lấy nước, xổ nước hợp lý; phối hợp với các địa phương gia cố hệ thống đập tạm, bờ vùng, bờ thửa cục bộ để hạn chế thiệt hại đối với diện tích lúa chưa thu hoạch. Về vấn đề nước sinh hoạt, tỉnh chỉ đạo Nhà máy nước Ba Lai (đang cấp nước cho người dân 2 huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri) nâng thời gian cấp nước từ 3 ngày/tuần lên 5 ngày/tuần.
Trước thực trạng tôm chết trên diện rộng, ngành nông nghiệp Bạc Liêu đã khuyến cáo người nuôi tôm không thải nước ô nhiễm ra kênh nội đồng, tiến hành cải tạo ao đầm đúng kỹ thuật, không nóng vội nuôi vụ mới mà phải thả giống đúng lịch thời vụ. Đồng thời chỉ đạo cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi hướng dẫn bà con cải tạo, xử lý, khắc phục vuông tôm bị thiệt hại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.