Nông dân kêu cứu

07/11/2012 09:56 GMT+7

Do gặp quá nhiều khó khăn trong sản xuất nên mới đây, bà con nông dân trong Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (thị xã Vĩnh Châu) đã gửi đơn đến đoàn đại biểu Quốc hội Sóc Trăng cầu cứu. Nội dung đơn cho biết trong 2 năm qua, vùng này có trên 30.000 ha tôm bị thiệt hại do dịch bệnh, khiến nhiều hộ nuôi tôm lâm cảnh “kiệt quệ”, không còn vốn để tái đầu tư. Do vậy bà con mong sao được lùi thời gian trả nợ ngân hàng.

Khó khăn không chỉ diễn ra ở vùng tôm Mỹ Thanh mà còn khá phổ biến ở những vùng nuôi trồng thủy sản khác, với nhiều đối tượng nuôi khác ở ĐBSCL. Đơn cử như con cá tra, thời gian qua giá cá nguyên liệu liên tục sụt giảm, trong khi chi phí đầu vào lại tăng cao nên diện tích nuôi toàn vùng bị thu hẹp đáng kể. Theo tìm hiểu của người viết, hiện mỗi kí cá tra bán ra, người nuôi phải chịu lỗ trung bình 3.000 đồng. Đối với con tôm, dịch bệnh có xu hướng lây lan trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề, cụ thể trong năm nay ở Sóc Trăng có 22.700 ha bị thiệt hại, chiếm 53% tổng diện tích thả nuôi; Trà Vinh thiệt hại 12.110 ha; Long An thiệt hại 2.416 ha… Không chỉ chịu cảnh mất mùa vì dịch bệnh, việc giá tôm nguyên liệu xuống thấp cũng làm nản chí cả những người may mắn trúng mùa.

 Tôm và cá tra là 2 mặt hàng chủ lực trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên khi mà vùng nguyên liệu đang bị tổn thương nặng nề như hiện nay thì chắc chắn trong thời gian tới sẽ xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững của ngành thủy sản; đồng thời còn khiến cho cả trăm ngàn lao động trong các nhà máy chế biến bị thiếu hoặc mất việc làm. 

 Ở một góc độ khác, những người nuôi trồng thủy sản nói riêng và bà con nông dân nói chung trong nhiều năm qua đã có những đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế. Chính vì vậy, bây giờ họ lâm vào hoàn cảnh khó khăn thì cần sự hỗ trợ ngược lại từ nền kinh tế. Nói một cách dễ hiểu hơn, hiện nay nhiều nông dân đang đứng bên bờ vực của sự phá sản. Họ đang rất cần những gói hỗ trợ, cứu trợ của nhà nước. Sự hỗ trợ đó phải làm sao tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp nhận chứ không phải theo kiểu “cám treo để heo nhịn đói” như trước nay người dân vẫn thường phản ánh.

       Chí Nhân

>> Giống lúa do nông dân nghiên cứu đoạt giải thưởng
>> Gần 27% số hộ nông dân vi phạm quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
>> Một nông dân xuất khẩu 1.000 tấn lúa giống/năm
>> Chung kết cuộc thi “Nông dân đua tài”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.