Những ông già tình nguyện đi gom rác

11/07/2014 13:42 GMT+7

Mỗi tuần một ngày, tổ gom rác tự nguyện ấy lại đi vào 3 thôn có 300 hộ dân trong xã để gom rác lên xe chở về nơi quy định. Nhờ vậy mà quốc lộ 14 đi qua xã này gần đây không còn rác vứt bừa bãi.

Những ông già tình nguyện đi gom rác

Ông Đồng đang thu gom rác lên xe - Ảnh: Trần Hòa

Tổ tình nguyện gom rác ấy không phải là các chàng trai trẻ mà là các ông già cao tuổi ở xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà (Kon Tum)

Ngứa mắt là làm

 

Cụ già 85 tuổi 10 năm dọn rác bãi biển

Những ông già tình nguyện đi gom rác

Thấy rác chất đống ngổn ngang, bốc mùi hôi thối cả bãi biển, cụ ông Trương Cau (ảnh) ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) tự nguyện gom rác lại đốt để làm sạch môi trường. Cụ Cau năm nay 85 tuổi và đã dọn rác cho xóm Gành Cả gần 10 năm, hầu như không nghỉ ngày nào. Để tuyên dương việc làm đầy ý nghĩa của cụ, ông Bùi Út - xóm trưởng Gành Cả - đã vận động bà con đóng góp biếu cụ Cau 1 triệu đồng mỗi năm làm quà ăn sáng. Tất thẩy bà con đều đồng ý và đều đặn đến tết, xóm trưởng lại đến nhà “lì xì” thay cho lời cảm ơn của tất cả người dân xóm Gành Cả đến cụ già đáng mến.

Phong Uy

Hỏi về tổ gom rác tự nguyện, ông Phạm Quyến, một cựu chiến binh thôn 5, xã Đăk Mar đưa chúng tôi đến nhà “tổ trưởng gom rác” Ngô Đại Đồng. Ông Quyến khoe: đó là tổ tình nguyện thu gom rác có một không hai ở đây, phục vụ không công nên ai cũng thương, cũng quí. Còn ông Đồng, sau vài phút pha trà mời khách đã cởi mở nói về công việc tự nguyện này.

Ấy là các năm trước, trên tuyến quốc lộ 14 đoạn đi qua xã Đăk Mar, người dân thiếu ý thức vứt rác thải bừa bãi làm ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan nông thôn. Các cuộc họp ở xã, ai cũng bàn làm sao “xóa con đường… rác” bất đắc dĩ này. Thật tình, các cách đưa ra có lúc cũng hiệu quả, nhất là vào năm 2011, Công an xã Đăk Mar đã lập chốt bắt quả tang và xử lý không ít trường hợp vứt rác thải. Thế nhưng, chỉ được một thời gian, các điểm chốt này tạm ngưng hoạt động, rác thải lại lù lù xuất hiện đầy hai bên đường.

“Đi qua lại đường này, tui thấy ngứa mắt quá, muốn dẹp nhưng không biết làm sao”, ông Đồng nói. Sau ông Đồng biết có nơi người dân tự nguyện gom rác thì “tại sao mình không tự nguyện gom rác ở đây cho sạch”. Nghĩ là làm, ông Đồng tìm những người cùng suy nghĩ như mình và đưa đến quyết định thành lập "tổ tự nguyện thu gom rác".

“Vác tù và” cho 300 gia đình

Ông Đồng kể lại, khi họp Hội Người cao tuổi ở thôn 1, ông đã đề xuất việc thành lập tổ tự nguyện này và vận động 5 hội viên khác cùng tham gia. Rồi tại các cuộc họp cơ quan trên xã, ông Đồng đề nghị xã Đăk Mar cho tổ tự nguyện thu gom rác hoạt động ở khu dân cư và hỗ trợ xe công nông để chuyển rác về nơi tập kết.

Thế là từ tháng 6.2013, Tổ tự nguyện thu gom rác đi vào hoạt động. Ngay trong tháng 6 ấy, tổ gom rác hoạt động chủ yếu ở thôn 2, có 110 hộ. Tổ gom rác vận động bà con tự gom rác sinh hoạt gia đình cho vào bao, túi để ở trước nhà, ngõ. Thời gian từ 7 giờ 30 đến 11 giờ và từ 14 giờ đến 17 giờ ngày thứ 3 hàng tuần, tổ gom rác có 2 thành viên đến thu gom rác chất lên xe đưa ra điểm tập trung rác thải của Công ty Môi trường đô thị huyện Đăk Hà.

Cứ như vậy, tổ hoạt động khá hiệu quả và sau 6 tháng đã mở rộng thêm các thôn 4, 5 liền kề, nâng tổng số hộ được thu gom rác lên tới 300 gia đình. "Nhờ hoạt động nhiệt tình, các thành viên của tổ không vụ lợi, nên bà con rất cảm kích và có ý thức tự giác thu gom rác thải sinh hoạt gia đình, không vứt rác thải khắp nơi như trước nữa”, ông Đồng nói.

Phạm Anh - Trần Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.